Nhật trình kể chuyện: Tranh luận, bút chiến trên báo chí

19/06/2022 07:30 GMT+7

Tranh luận, bút chiến trên báo chí đến 1945 là đặc trưng riêng của thời này góp phần làm cho báo được độc giả, văn giới để ý nhiều và bán chạy hơn.

Vì sao bút chiến ?

Trong Đâu là chân lý? (NXB Cộng lực, 1941), nhìn về món bút chiến, Song An Hoàng Ngọc Phách cho rằng những tờ báo ế dùng kiểu “khích người”, tạo ra những tranh luận để thu hút sự quan tâm của độc giả: “Hễ ai gửi bài công kích, hỗn tạp thế nào cũng đăng” khiến người bị công kích ấm ức, bực bội “tìm cách trả lời để phản lại người viết trước”. Từ đó dẫn tới “cãi nhau thành lôi thôi chuyện, bắt buộc hai bên phải mua báo hoài. Hết bài này đến bài khác, thôi chuyện nọ, lại chuyện kia, thực là một cách làm cho báo chạy. Báo có chạy thì báo mới sống”. Tuy nhiên, khi tranh luận kéo dài sẽ khiến độc giả chán, “người chủ báo mới bảo người viết bài bút chiến nên thôi đi. Thế là tự nhiên cuộc bút chiến ngừng”.

Bài Vụ kiện trích thơ của Hoài Thanh trên Tràng An số 23 ngày 4.6.1942 liên quan đến vụ việc Quách Tấn kiện Trần Thanh Mại

TL

Như trên là quan điểm của tác giả Tố Tâm. Thực tế thì có nhiều cuộc tranh luận, bút chiến diễn ra do sự khác biệt về quan điểm, tư tưởng. Chẳng hạn việc tranh luận về thơ cũ, thơ mới, duy tâm hay duy vật... Thiếu Sơn còn nhớ trong Mấy trang hồi kí khi ông viết bài trên Tiểu thuyết thứ Bảy đã khơi mào cho cuộc bút chiến sôi nổi giữa một bên là Phan Khôi, Hoài Thanh, Thiếu Sơn đứng trên quan điểm duy tâm, chủ trương “Nghệ thuật vị nghệ thuật”, một bên là Hải Triều với quan điểm duy vật, chủ trương “Nghệ thuật vị nhân sinh”. Nhiều báo bị kéo vào cuộc tranh luận như Tiểu thuyết thứ Bảy, Văn học tuần san, Hồn trẻ, Tin văn, Tràng An… Thanh Lãng đã gọi là “Vụ án nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh” trong tác phẩm Phê bình văn học thế hệ 1932.

Thi sĩ Bàng Bá Lân thì nhớ về tranh luận văn nghệ trên mặt báo giữa hai nhà thơ nổi tiếng Thế Lữ và Nguyễn Nhược Pháp được ông ghi lại nơi Vài kỷ niệm về mấy văn thi sĩ hiện đại. Với bút danh Lê Ta, nhà thơ Nhớ rừng viết nhiều bài phê bình tác phẩm của văn thi sĩ cùng thời trên báo Phong hóa. “Giữa lúc ấy, Nhược Pháp đứng ra chống với Thế Lữ. Luôn mấy kỳ, trên báo L’Annam Nouveau anh phân tích và vạch ra những cái dở, cái sai lầm trong thơ Thế Lữ. Thế Lữ hung hăng đả kích trên báo Phong hóa. Nhưng trước những lý lẽ chắc chắn vững vàng trình bày bằng một giọng điềm đạm của Nhược Pháp, Thế Lữ nhụt dần”.

Phan Khôi khi làm báo đã tham gia nhiều cuộc bút chiến

TƯ LIỆU CỦA ĐÌNH BA

Trên An Nam tạp chí, Tản Đà kết tội Phan Khôi mà theo Sài thành nhật báo số 49, ngày 29.4.1932 “là ông nầy đã đem hai chữ “rồng tiên” mà chế nhạo”. An Nam tạp chí số 26, ngày 23.1.1932 có bài “Một cái tai nạn lưu hành ở Nam Kỳ: Phan Khôi” của Tản Đà, kết tội Phan Khôi đã viết bài “Cái cười của con rồng cháu tiên” trên Phụ nữ Tân văn “tầm bậy”, “hại cho phụ nữ về phần nhiều”. An Nam tạp chí số 29, (20.2.1932), số 34 (26.3.1932), số 37 (16.4.1932)… tiếp các bài đả Phan Khôi. Cuộc bút chiến kéo theo cả Nguyễn Tiến Lãng đấu Phan Khôi, dùng Trung Bắc Tân văn làm nơi phát ngôn, còn Phan Khôi lấy Đông Tây làm phương tiện.

Bài viết Bài trừ cái nạn Phan Khôi ở Nam kỳ của Tản Đà đăng trên An Nam tạp chí số 29, ngày 20.2.1932

TƯ LIỆU CỦA ĐÌNH BA

Cãi chưa đã, lôi nhau ra tòa

Những tranh luận văn nghệ giữa các cây bút nổi tiếng thường diễn ra dài kỳ trên báo. Không chỉ tranh luận văn nghệ theo chủ đề, quan điểm, có báo phê bình bài viết, đường lối của báo đồng nghiệp. Nhật tân số 62, ngày 17.10.1934, ở mục “Trong báo giới” có bài Đại cà sa chê hai bài viết Phụ nữ với lao độngNgười đạo đức chân chính của báo Phụ nữ tân văn số 26 là lối văn thông thái nhưng thực chất là phương tiện để “nhồi sọ đàn bà”. Báo Duy tân số 2 (5.7.1931) phê phán đồng nghiệp Ngọ báo, Phụ nữ thời đàm và “tóm lại là trong lúc báo giới Bắc kỳ lên cái bộ mặt nghiêm nghị mà giảng đạo đức cho quốc dân, Duy tân không a dua mà hùa theo cái con đường khô khan khắc khổ ấy”.

Nghiên cứu Phê bình văn học thế hệ 1932 đã thống kê những cuộc tranh luận, bút chiến trên báo chương trước 1945 thành các vụ án văn chương liên quan đến nhiều nhân vật nổi tiếng trên trường văn trận bút như Phan Khôi - Trần Trọng Kim, Tản Đà - Phan Khôi... Nhiều tờ báo đã tham gia vào những cuộc bút chiến có thể kể tới An Nam tạp chí, Phong hóa, Ngày nay, Tràng An, Phụ nữ tân văn, Tiểu thuyết thứ Bảy...

Tranh luận, bút chiến không chỉ diễn ra trên mặt báo, thậm chí đã viện đến cả pháp luật khi các bên đưa nhau… ra tòa như trường hợp Báo mớiHà Nội tân văn. Năm 1941, Báo mới vừa ra đời đã đăng loạt bài về ma cà rồng, bị Thiết Can của Hà Nội tân văn phê bình là đăng chuyện hoang đường. Báo mới công kích lại, Vũ Ngọc Phan viết phê bình Chủ nhiệm kiêm Chủ bút Nguyễn Khắc Kham, nói Kham là người gàn. Kham liền vin vào đó kiện Phan. Hai bên đưa nhau ra tòa, nhưng rốt cuộc phần thắng thuộc về Vũ Ngọc Phan.

Việc lôi nhau ra tòa còn có trường hợp Trần Thanh Mại - Quách Tấn liên quan đến bản quyền thơ Hàn Mặc Tử. Hồi ký Hàn Mặc Tử anh tôi của Nguyễn Bá Tín chia sẻ Quách Tấn là người được ủy quyền giữ thơ Hàn Mặc Tử. Cuốn Hàn Mạc Tử, ông Mại trích dẫn thơ mà không xin phép Quách Tấn. Tuy nhiên về sau, tòa bác đơn kiện của Quách Tấn. Vụ việc này tờ Tràng An đưa tin rất nhiều trên các số 23 (4.6.1942), 31 (2.7.1942), 37 (18.7.1942)... (còn tiếp)

Nhật trình kể chuyện

Khi gia đình dắt nhau làm báo

Khi nhà báo tác nghiệp

Hiểm nguy nghề ký giả

Những con số… đau đầu

Đời báo và tên báo

Những mối duyên cộng hưởng

Rộn ràng làng báo Bắc - Trung - Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.