Nhật trình kể chuyện: Những con số… đau đầu

15/06/2022 06:06 GMT+7

Với báo, tạp chí từ năm 1945 về trước, để sống được, thì phải trường vốn, thậm chí là phải nương vào chính quyền bảo hộ . Có báo, lại nhờ vào sự ủng hộ của độc giả.

Báo in nhiều, chưa hẳn do bán chạy

Việc các báo in số lượng bao nhiêu, thảng ở đâu đó, có lúc thông tin về số lượng in của báo được tiết lộ, như trường hợp Đàn bà mới “tự khai”. Số 4 của Đàn bà mới, ngày 22.12.1934, ngay trang nhất cho biết số 5 sẽ ra ngày 29.12.1934. Dù nhiều báo đồng nghiệp nghỉ, nhưng Đàn bà mới vẫn xuất bản vào thứ bảy “chịu tốn thêm 8.000 số báo để chiều lòng độc giả và các vị thương gia, kỹ nghệ gia đã để quảng cáo”. Con số 8.000 cũng là số lượng độc giả đặt báo tháng và báo năm của tờ Sài Gòn như thông tin trên Sài Gòn số 14.297, ngày 2.2.1940. Ngoài độc giả cố định, báo còn độc giả không thường xuyên và số lượng in chắc chắn hơn con số 8.000 tờ mỗi số.

Hà thành ngọ báo số 2321, ngày 8.6.1935 giới thiệu Tứ dân văn uyển số 1 in với số lượng là 20.000 bản dạng sách mỏng 24 trang giấy thường, 10.000 bản bán cho độc giả và số còn lại phát không cho trường học, công sở; ngoài ra còn in 3.000 bản giấy hạng tốt, tổng là 23.000 bản, số lượng in ấy là rất đáng kể với một tờ tạp chí, nhưng là do chính quyền bảo trợ. Trong khi ấy An Nam tạp chí in với số lượng khiêm tốn khoảng 1.500 - 3.000 bản, như thông tin ở số 1, ngày 1.7.1926 ghi. Đa phần, những tờ tạp chí số lượng in thấp hơn rất nhiều so với báo, lại càng chênh lệch nếu so với nhật báo. Các tờ tạp chí in số lượng chỉ vài nghìn mỗi kỳ, chứ khó vượt lên được bốn số 0. Tiếng chuông sớm là một ví dụ, tờ tạp chí Phật giáo này in ổn định thường là 2.000 tờ mỗi số, xem các số 21 (6.4.1936), 22 (21.4.1936), 23 (5.5.1936)… đều cho thấy số lượng in ổn định như vậy.

Nhật báo Sài Gòn số 14.297, ngày 2.2.1940, tờ báo có nhiều độc giả

Đầu năm 1926, tờ Đông Pháp thời báo ở Sài Gòn cổ động các hoạt động như đám tang Phan Châu Trinh, đón Bùi Quang Chiêu... nên được độc giả tìm đọc nhiều, số lượng in lên tới 11.000 tờ. Con số này tăng đáng kể nếu biết rằng trước đó, tờ này in mỗi lần 2.300 tờ. Sức hút của báo này được Hoàng Quốc Việt kể lại trong Chặng đường nóng bỏng khi theo dõi vụ án Phan Bội Châu: “Tờ Đông Pháp thời báo trong ấy đăng tải một bài thơ tặng ông Bô-na, báo in một vạn tờ bán một lúc hết veo. Dân bán báo tăng giá, vớ bẫm. Người kể lại chuyện này nói rằng ông ta phải thuê báo của trẻ em bán báo mới được đọc bài”.

Lại có tờ báo số lượng in còn khiêm tốn hơn nữa. Tờ Trung lập được phụ cấp từ chính quyền nên được biết tới là tờ báo in nhiều nhất Nam kỳ. Tuy nhiên đến đầu năm 1926, do bị tẩy chay nên chỉ còn in khoảng 500 tờ mỗi số và đem biếu các công sở phần nhiều, Trần Huy Liệu hồi tưởng qua hồi ký Đảng Thanh niên. Thời điểm sau ngày 9.3.1945, dù có biến động chính trị nhưng số lượng in 15.000 - 20.000 bản mỗi số bắt gặp ở báo Tin mới của Mai Văn Hàm.

Xuất bản báo là sự nghiệp… tốn tiền

Trong An Nam tạp chí số 10, ngày 1.3.1927, ông chủ bút tâm sự để sống được, mỗi tháng các khoản chi phí chưa tính tiền nhà in, tiền thuê nhà, công người làm thì không dưới 200 đồng. Để tồn tại qua được 10 số, Tản Đà phải nhờ bạn hữu, cùng tiền bán sách, tổng cộng hết 700 đồng đổ vào sự nghiệp xuất bản tờ An Nam tạp chí. Nhưng vì tiền không có, một thân phải lo đủ thứ, đến lúc không còn vay mượn được nữa, đành phải đình bản đứa con cưng.

Đông Pháp thời báo số 413, ngày 26.3.1926. Báo in tới 11.000 tờ vì độc giả ủng hộ

TƯ LIỆU CỦA ĐÌNH BA

An Nam tạp chí ra chẵn chục số thì tạm dừng. Khi thi sĩ muốn cho báo trở lại, “vấn đề cần thiết nhất là vấn đề tài chính. Nếu không có tiền thời không làm được việc. Mà nghĩ cách soay [xoay] tiền thời thi sĩ lại bất lực”(Nguyễn Văn Phúc chia sẻ trong ký ức Tôi với Tản Đà). Tự thân mở báo, Lê Tràng Kiều được Phạm Cao Củng khen có tài tổ chức, có sáng kiến táo bạo. Tuy nhiên, cũng mắc phải yếu tố căn cốt là tiền nên cứ phải chạy từng số và rồi báo Tân thiếu niên cũng phải vào phận hẩm hiu. “Báo muốn sống thì cần phải có nhiều quảng cáo, mà báo ra đều và sống khá lâu rồi thì mới dễ lấy quảng cáo”, Phạm Cao Củng rút kinh nghiệm làm báo tự thân trong Hồi ký Phạm Cao Củng.

Dễ thấy là báo nào được hậu thuẫn thì sống khá lâu, còn những báo phải tự túc, hoặc bị chính quyền bảo hộ nhòm ngó, kiểm duyệt săm soi thì sống trong tình trạng luôn thấp thỏm với hai chữ “đình bản”. Với Nam Phong tạp chí, Vương Hồng Sển cho biết báo này được bảo trợ để tuyên truyền cho thực dân, các làng xã, công chức còn phải gánh mua. Mỗi tháng, Nam Phong tạp chí được cấp cho khoản kinh phí 600 đồng, Trung Bắc Tân văn nhận 500 đồng, theo lời Nguyễn Công Hoan trong Đời viết văn của tôi.

Có những báo lại sống nhờ vào sự ủng hộ của độc giả, mà chủ yếu là báo của những người làm cách mạng. Hoàng Quốc Việt trong Chặng đường nóng bỏng cho biết khi báo mới ra “tiền thuê in báo thoạt tiên là tiền ủng hộ, khi có báo bán rồi, một phần lãi trang trải cho anh em có cái ăn, còn chủ yếu là làm vốn, tiếp tục ra báo”. Vẫn lời Hoàng Quốc Việt, báo tiếng Pháp “người mua báo vừa mua vừa ủng hộ nữa. Thỉnh thoảng trên báo lại có mục cảm ơn người ủng hộ, không nói rõ tên, kèm số tiền”. (còn tiếp)

Nhật trình kể chuyện

Đời báo và tên báo

Những mối duyên cộng hưởng

Rộn ràng làng báo Bắc - Trung - Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.