Nhật nỗ lực bảo vệ hàng hải khu vực

12/03/2016 09:44 GMT+7

Các nước ASEAN có vai trò cực kỳ quan trọng vì nằm dọc tuyến đường biển chủ chốt của Nhật Bản và sự ổn định khu vực ảnh hưởng lớn tới quốc gia này.

Các nước ASEAN có vai trò cực kỳ quan trọng vì nằm dọc tuyến đường biển chủ chốt của Nhật Bản và sự ổn định khu vực ảnh hưởng lớn tới quốc gia này.

Hai khu trục hạm Nhật cùng tàu Philippines (giữa) trong một lần diễn tập chung trên Biển Đông - Ảnh: Stars and StripesHai khu trục hạm Nhật cùng tàu Philippines (giữa) trong một lần diễn tập chung trên Biển Đông - Ảnh: Stars and Stripes
Đó là khẳng định do Bộ Ngoại giao Nhật Bản đưa ra trong Sách trắng về hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) mới nhất của nước này công bố ngày 11.3.
Theo Kyodo News, tuyến đường biển trải dài từ eo biển Malacca đến Biển Đông được Tokyo xem là tuyến hàng hải quan trọng chiến lược đối với nhập khẩu dầu và nhiều mặt hàng khác của Nhật. Ngoài vị trí nằm dọc tuyến đường biển này, các nước ASEAN là đối tác cực kỳ quan trọng với Nhật về phương diện chính trị lẫn kinh tế vì có quan hệ giao thương gắn kết và là nơi hoạt động của nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ của Nhật. Vì thế, Sách trắng nhận định: “Sự ổn định và phát triển của khu vực Đông Nam Á sẽ có ảnh hưởng đối với an toàn và sự phồn thịnh của Nhật”.
Văn kiện này nhấn mạnh sự hỗ trợ của Nhật Bản dành cho ASEAN thông qua ODA sẽ bao gồm phát triển cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh tinh thần thượng tôn pháp luật, an toàn hàng hải... Tokyo sẽ thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao, góp phần giúp tạo việc làm và chào mời công nghệ cho người dân ASEAN. Theo đó, cùng với Ngân hàng Phát triển châu Á, Nhật Bản sẽ mở rộng tổng vốn đầu tư vào các quốc gia khu vực lên khoảng 110 tỉ USD từ đây tới năm 2020, tăng 30% so với mức hiện nay.
Năm ngoái, Nhật Bản thông qua Hiến chương hợp tác phát triển ODA mới, trong đó cho phép nước này chuyển giao thiết bị quân sự với mục đích phi quân sự như cứu hộ, ứng phó thiên tai... Trên cơ sở này, tờ The Japan Times dẫn lời giới chuyên gia dự đoán tương lai của chương trình ODA có thể đặt nền tảng cho việc xuất khẩu vũ khí sang Đông Nam Á, đặc biệt là những loại khí tài hỗ trợ xây dựng khả năng bảo vệ an ninh biển.
Thực tế, Nhật cũng đang hỗ trợ một số thành viên ASEAN củng cố năng lực quốc phòng qua nhiều kênh khác nhau. Bằng chứng mới nhất là chính quyền Tokyo đồng ý cho Philippines thuê 5 máy bay huấn luyện quân sự TC-90 để tuần tra Biển Đông, khiến Trung Quốc “khó chịu”. Trong cuộc họp báo hôm 10.3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố Bắc Kinh đang trong tình trạng cảnh giác cao độ đối với động thái nói trên và lên giọng yêu cầu Tokyo “hành động cẩn thận thay vì làm phức tạp tình hình, gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định khu vực”.
Trong khi đó, tờ Stars and Stripes hôm qua 11.3 dẫn lời chuyên gia Tetsuo Kotani tại Viện Nghiên cứu quốc tế Nhật Bản cảnh báo rằng kế hoạch xây đảo nhân tạo và hàng loạt hành động phi pháp khác thời gian qua nằm trong nỗ lực của Trung Quốc biến Biển Đông thành “ao nhà” của nước này. Để ngăn chặn, ông Kotani kêu gọi Nhật và các nước khác cùng Mỹ tiến hành những cuộc tuần tra nhằm duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông. Theo ông, một nỗ lực chung của quốc tế trong duy trì tự do hàng hải sẽ gây áp lực lên Trung Quốc, buộc nước này tuân theo Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển.
Chuyên gia Kotani còn kêu gọi Nhật hỗ trợ những nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông thiết lập các lực lượng đủ khả năng tuần tra phòng vệ vùng biển này.
Trung Quốc mưu tính bay dân sự từ Hoàng Sa
Tân Hoa xã ngày 11.3 dẫn lời Tiêu Kiệt, người đứng đầu chính quyền phi pháp của cái gọi là “TP.Tam Sa” ngang nhiên tuyên bố trong vòng một năm sẽ bắt đầu các chuyến bay dân sự đến và đi từ đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của VN. Ông Tiêu còn ngang nhiên tuyên bố đường băng phi pháp trên đá Chữ Thập sẽ “thúc đẩy dịch vụ không lưu tại khu vực, điều hướng, giám sát, cung cấp thông tin thời tiết, hàng không”. Đá Chữ Thập nằm trong 7 đá thuộc quần đảo Trường Sa của VN bị Trung Quốc bồi đắp trái phép thành đảo nhân tạo. Các chuyên gia quốc tế đã cảnh báo đường băng trên đá này đủ cho mọi loại chiến đấu cơ hoạt động.
Hồi tháng 1, Trung Quốc đã cho thử nghiệm máy bay dân sự tại đá Chữ Thập và người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Lê Hải Bình phản đối mạnh mẽ hành động này. Ông khẳng định hành động của Trung Quốc xâm phạm một cách nghiêm trọng chủ quyền của VN, đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực; đe dọa an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.