Nhật ký chi viện 'điểm nóng' bão lũ, sạt lở: Ấm lòng nụ cười trẻ thơ!

Huy Đạt
Huy Đạt
02/01/2021 12:29 GMT+7

Dải đất miền Trung ngày mưa bão triền miên, đối với PV Thanh Niên chi viện tác nghiệp tại các điểm nóng là những kỷ niệm nghề khó quên. Ở đó có sự dấn thân, nỗi sợ hãi và tình cảm khó nói hết bằng lời...

Chi viện tại các điểm nóng

Cứ đến hẹn lại lên, đối với phóng viên (PV) thường trú ở dải đất miền Trung, với thời tiết khắc nghiệt họ luôn luôn trong tâm thế sẵn sàng tác nghiệp giữa tâm bão, rốn lũ… không quản ngại khó khăn, nguy hiểm bằng mọi cách tiếp cận hiện trường, lên đường chi viện cập nhật tin tức mới nhất đến bạn đọc.
Còn nhớ, những ngày giữa tháng 10.2020, chúng tôi nhận lệnh chi viện từ TP.Đà Nẵng ra thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, H.Phong Điền, Thừa Thiên - Huế), nơi vừa xảy ra vụ sạt lở núi kinh hoàng, chôn vùi 13 cán bộ đoàn công tác làm nhiệm vụ cứu nạn những công nhân thủy điện bị mất tích. Đặt chân đến khu vực UBND xã Phong Xuân, H.Phong Điền những ánh mắt thất thần của người dân trước cơn thịnh nộ của thiên nhiên cứ ám ảnh tâm can người cầm bút. Nén chặt những cảm xúc sự đau thương đó, chúng tôi lao vào “cuộc chiến” truyền tải thông tin.

Lực lượng chức năng triển khai phương án tìm kiếm người mất tích ở Rào Trăng 3 (tỉnh Thừa Thiên - Huế)

NGỌC DƯƠNG

Dưới cơn mưa như trút nước, chúng tôi men theo đường kiệt nhỏ với nhiều vũng nước đọng trên đường Hùng Vương (TP.Huế, Thừa Thiên - Huế) tìm đến nhà thiếu tá Tôn Thất Bảo Phúc (Trưởng ban Công binh, Phòng Tham mưu, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế), một trong 13 người hy sinh tại trạm kiểm lâm 67, thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, H.Phong Điền, Thừa Thiên - Huế), trước những ánh mắt đỏ hoe giữa tiếng khóc than thấu tận trời xanh và những lời hứa mãi dang dở của các anh với con trẻ khiến chúng tôi không cầm được nước mắt. Và rồi, phép màu đã không đến, các anh mãi nằm xuống, hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ sau cơn thịnh nộ của mẹ thiên nhiên. Nỗi đau đó kéo dài, giằng xé người dân cố đô sau 13 chuyến xe cứu thương đưa các anh về với vòng tay gia đình.
Sau khi các anh được đưa về trung tâm TP.Huế đồng hồ cũng đã điểm nửa đêm 18.10. Tiếng khóc than, còi xe cấp cứu… cứ ám ảnh, khiến chúng tôi không thể nào chợp mắt. Giấc ngủ chưa say, rạng sáng 19.10, một hung tin nữa lại ập đến, có đến 22 cán bộ chiến sĩ gặp nạn trong vụ sạt lở tại khu vực đóng quân của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337, Quân khu 4 trên địa bàn (H.Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị). Chúng tôi tiếp tục lên đường chi viện cho PV Nguyễn Phúc ở Quảng Trị.

Hiện trường sạt lở khiến 22 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 337 hy sinh ở tỉnh Quảng Trị

Trên đường đi, giữa cơn mưa như trút nước, tuyến QL1 từ TP.Huế đi Quảng Trị chừng 100km bỗng nhiên dài vô tận. Giữa mênh mông đau thương, mất mát, ánh mắt phờ phạc, chúng tôi không ai nói với ai câu nào chỉ biết thở dài tức tốc lên đường. Đôi lúc, PV Hoàng Sơn chỉ cảm thán: “Sao đau thương cứ liên tiếp trút xuống như vậy chứ?”.
Đặt chân đến TP.Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) tôi thuê chiếc xe máy để di chuyển đến vùng ngập lụt, cập nhật vụ việc người dân trung tâm thành phố phải ngồi trên nóc nhà cầu cứu suốt đêm. Tôi nhận được cuộc điện thoại của lãnh đạo VP miền Trung, qua điện thoại Nhà báo Vũ Phương Thảo (Trưởng Văn phòng đại diện Báo Thanh Niên tại miền Trung) giọng nghẹn ngào chỉ đạo tôi bám địa bàn như đã phân công, phải hết sức cẩn thận trước mưa lũ và cho tôi hay tin PV Nguyễn Phúc vừa thoát chết trong gang tấc. Có một khoảng lặng chừng hơn 10 giây, hai chị em không ai nói được thêm câu nào, cuộc điện thoại kết thúc giữa mênh mông nước ở TP.Đông Hà.
Tôi khóa chặt chốt gài áo phao, gửi chiếc xe máy vừa thuê vào nhà dân bên đường để lên ghe đi cùng đoàn UBND P.Đông Lương, TP.Đông Hà tiến vào rốn lũ, cập nhật tình hình đời sống bà con vùng rốn lũ ngay trung tâm thành phố.

Ôm vợ con khóc ngất

Sáng 19.10, sau khi tác nghiệp Lễ truy điệu 13 chiến sĩ huy sinh ở Rào Trăng 3 (H.Phong Điền, Thừa Thiên- Huế) nhằm lấp khoảng trống cho tôi cùng PV Hoàng Sơn đang di chuyển ra Quảng Trị, lãnh đạo VP miền Trung đã tức tốc có mặt tại TP.Đông Hà (Quảng Trị). Sở chỉ huy tiền phương Báo Thanh Niên được thiết lập tại đây. Quá nửa đêm 19.10, PV Hoàng Sơn vẫn còn ở hiện trường vụ sạt lở kinh hoàng, trong tiếng mưa lớn mọi người đều lo lắng, chực chờ thông tin phản hồi của PV đang cố di chuyển rời khỏi hiện trường. Một tin nhắn ngắn gọn từ PV Hoàng Sơn: “Em đã ra khỏi hiện trường”, khiến mọi người nhẹ lòng.
Ngày 20.10 đoàn xe đưa 22 thi thể cán bộ chiến sĩ hy sinh trở về TP.Đông Hà giữa tiết trời âm u se lạnh, lẫn trong tiếng khóc, những người mẹ miền Trung bao đời vất vả, lam lũ lại chết lặng trước nỗi đau quá lớn. Tác nghiệp giữa mênh mông nỗi đau, sự mất mát quá lớn khiến chúng tôi nghĩ ngợi rất nhiều, có lúc phải thả máy ảnh xuống để đỡ giúp người thân các chiến sĩ. Bất chợt, tôi nghĩ đến đồng nghiệp mình qua câu chuyện thoát chết trong gang tấc, PV Nguyễn Phúc trở về từ hiện trường đã ôm vợ con khóc ngất, bởi lẽ cái chết quá cận kề.

PV Nguyễn Phúc tác nghiệp tại hiện trường sạt lở khiến 22 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 337 hy sinh tại H.Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị

Đ.X

Anh Phúc kể với tôi, sau khi thoát chết nhờ quyết định may mắn chạy quay lui thoát thân, anh được xe của UBND tỉnh Quảng Trị đưa về Thị trấn Khe Sanh nghỉ ngơi. Sau đó về nhà tại TP.Đông Hà, khi gặp vợ con đang mong chờ anh trở về cả gia đình đã ôm nhau khóc rất nhiều. “Vừa gặp vợ con, nước mắt cứ lăn dài mà không nói được điều gì. Hai cậu con trai thấy ba mẹ khóc lớn cũng khóc theo. Đến thời điểm này tôi nghĩ gia đình là quan trọng nhất… và hứa với vợ sẽ không bao giờ quay lại hiện trường nữa”, anh Phúc nghẹn ngào. Thế nhưng, sau khi ổn định tâm lý, "máu nghề" lại trỗi dậy, anh Phúc lên đường tác nghiệp, tiếp tục truyền tải đến bạn đọc những tin tức tại điểm nóng.

Những miếng lương khô ở Trà Leng

Cuối tháng 10.2020, bão số 9 sắp đổ bộ miền Trung, chúng tôi nhận lệnh từ Sở chỉ huy tiền phương Báo Thanh Niên đóng tại Quảng Trị tức tốc quay về TP.Đà Nẵng để tác nghiệp khi bão đổ bộ. Rời tỉnh Quảng Trị, lãnh đạo VP Báo Thanh Niên tại miền Trung nhắc bên tai chúng tôi: “Chúng ta phải điều người quay về Đà Nẵng, phải túc trực tại đó để dưỡng sức sau nhiều ngày “chiến đấu”. Hơn nữa, tại Đà Nẵng có thể di chuyển chi viện khẩn cho Quảng Nam”, lãnh đạo VP nhận định.
Khi bão số 9 đổ bộ, thấu hiểu hoàn cảnh ở trọ không kiên cố, lúc này tôi được lãnh đạo VP thuê cho một phòng khách sạn để trú bão và cũng tiện cho việc tác nghiệp. Sau khi theo dõi và cập nhật liên tục đến khi bão số 9 tan, chúng tôi nhận được tin khẩn từ tỉnh Quảng Nam, sạt lở núi kinh hoàng chôn vùi một làng và đã có hơn 50 người mất tích. Lúc này, tôi không thể tin vào những gì mình nghe được. Xách balo lên đường chi viện Quảng Nam, trên suốt quãng đường đi tôi thậm chí cầu nguyện rằng đây chỉ là thông tin không chính xác.
Xuyên đêm theo chân lực lượng công binh Quân khu 5 mở đường lên xã Trà Leng, H.Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam), chúng tôi lội bộ vượt qua nhiều điểm sạt lở, có những nơi đất đá chờ chực trên đầu, dưới chân bùn lầy ngập đến đầu gối. Lội bộ nhiều giờ liền, may mắn vượt qua hiểm nguy và chúng tôi đã đặt chân đến nóc Ông Đề, xã Trà Leng, H.Nam Trà My. Một lần nữa sự đau thương bao trùm, nỗi đau của những người ở lại khiến chúng tôi ám ảnh. Những ngày tác nghiệp ở Trà Leng đối với những người trẻ chúng tôi có quá nhiều cảm xúc, đôi lúc nỗi sợ hãi chực chờ. Đã có những PV kinh nghiệm nhiều năm trong nghề vẫn "gục ngã" khi chứng kiến lực lượng chức năng đưa thi thể đứa bé chưa đầy 2 tuổi dưới bùn sâu lên…

PV Huy Đạt cập nhật thông tin tại hiện trường vụ sạt lở kinh hoàng Trà Leng (H.Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam)

HOÀNG VINH

Từ TP.HCM, PV Độc Lập chi viện cho miền Trung đã kịp thời có mặt tại Đà Nẵng. Tức tốc di chuyển đến Trà Leng vào đêm muộn, hình ảnh anh Độc Lập tay xách nách mang tiến vào Sở Chỉ huy tiền phương (đóng tại H.Bắc Trà My). Xúc động khi gặp anh em, anh Lập chỉ vội nhắn nhủ: “Đây là thức ăn khô được lãnh đạo Văn phòng miền Trung chuẩn bị, tôi mang từ TP.Đà Nẵng lên để tiếp viện cho anh em”. Nhận được lương thực chi viện, chúng tôi chia sẻ cho các đồng nghiệp đang tác nghiệp tại Trà Leng. Giữa chốn núi rừng đầy bi thương, những miếng lương khô, chai nước suối cũng khiến người ta xích lại gần nhau hơn.

PV Độc Lập tác nghiệp tại hiện trường sạt lở ở Trà Leng (H.Nam Trà My, Quảng Nam)

Đ.X

Sau nhiều ngày ròng rã bám hiện trường vụ sạt lở kinh hoàng, chúng tôi nhận được lệnh rút về TP.Đà Nẵng để lại sau lưng là Trà Leng với mênh mông những đau thương. Thế nhưng, cơn thịnh nộ của đất trời rồi cũng sẽ đến lúc phải dừng lại, trên đường rời Trà Leng sau hơn 1 tuần tác nghiệp giữa chốn đại ngàn hùng vĩ, tôi bắt gặp nụ cười những đứa trẻ người đồng bào Cơ Tu đang hồn nhiên vui đùa cách hiện trường chừng 200 m.
Sau chuyến chi viện tác nghiệp, tôi nghĩ rằng dẫu đau đớn có lớn bao nhiêu thì những người ở lại vẫn phải vượt qua đau thương mà tiếp tục sống và rồi mầm sống lại nảy chồi.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.