Nhặt chuyện văn nhân: 'Tin thì tin không tin thì thôi'

03/03/2022 06:55 GMT+7

Bây giờ câu thơ này, cái câu tôi vừa bắt làm tít ấy, và cả bài thơ nữa, được đọc và truyền bá rộng rãi, chứ hồi nó mới ra đời, nhiều lúc, nhiều nơi người ta phải... đọc thầm.

Những câu cuối “nhưng tôi người cầm bút, than ôi/không thể không tin gì mà viết/tin thì tin không tin thì thôi!” thể hiện một tâm trạng, một trách nhiệm, một khắc khoải, một nhân cách của người cầm bút - nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo - trước hiện trạng đất nước.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo (trái) và tác giả

Tác giả cung cấp

Tôi được chơi với Nguyễn Trọng Tạo gần 40 năm dù luôn ở xa nhau. Lúc tôi ở Huế thì anh ở Hà Nội và Nghệ An, khi anh vào Huế thì tôi lên Pleiku. Lúc nào anh cũng vui tít mù, lúc nào cũng xả láng, rong chơi, lúc nào cũng hồn nhiên, và đặc biệt lúc nào cũng... nhậu được. Anh nhậu rất dữ và rất hay.

Nguyễn Trọng Tạo có 2 câu để đời về Huế: “Sông Hương hóa rượu anh đến uống/Ta tỉnh đền đài ngả nghiêng say”. Bạn bè kể, hôm ấy anh Tạo và bạn bè uống say, say lắm. Và trong cơn say, anh đọc 2 câu thơ ấy, rồi quên. Sáng mai, có ông bạn tỉnh nhất trong số hôm qua, đọc lại cho anh nghe, anh ngơ ngác hỏi thơ ai hay thế?

Câu thơ ấy sẽ còn đi lâu dài với Huế.

Nhà thơ đa tài

Trong giới văn nghệ sĩ Việt Nam, người đa tài như Nguyễn Trọng Tạo rất hiếm. Anh vừa là nhà thơ, là nhạc sĩ, viết văn, viết phê bình, viết báo, trình bày sách báo rất đẹp và lĩnh vực nào anh cũng có thành tựu.

Còn nhớ cái thời bài thơ Tản mạn thời tôi sống của anh nổi đình nổi đám như thế nào, cánh sinh viên say mê như lên đồng ra làm sao. Rồi bài hát Làng quan họ quê tôi của anh phổ thơ Nguyễn Phan Hách được tỉnh Bắc Ninh chọn làm nhạc hiệu và bao nhiêu người đều tưởng anh là “liền anh” quan họ, trong khi quê thực của anh là ở Diễn Châu, Nghệ An.

Hiện nay là “cơn sốt” Khúc hát sông quê anh phổ thơ nhà thơ Lê Huy Mậu. Nó khiến cả anh và Mậu rơi vào cảnh bắt tay gật đầu mệt nghỉ, nhậu mệt nghỉ, nghe điện thoại mệt nghỉ, anh thì còn hát mệt nghỉ vì cuộc nhậu nào có anh thì người ta cũng đề nghị anh hát bài này và anh hát khá hay (cả lời một và lời hai).

Các minh họa báo của anh cũng rất đẹp với bút danh Nguyễn Vũ Trọng Thi. Rất nhiều nhà văn nhà thơ nước ta khi in sách nhờ anh làm bìa. Nghe đâu anh đã làm đến... 500 cái bìa.

… Các họa sĩ chuyên nghiệp có thể làm giàu bằng vẽ bìa, Nguyễn Trọng Tạo vẽ bìa như một họa sĩ chuyên nghiệp nhưng vẫn bị coi là tài tử, nghiệp dư, vì hình như... chả ai có ý định trả tiền cho anh. Chỉ “chân thành cám ơn” và... hẹn gặp sẽ... nhậu, mà khi gặp nhậu thì có khi anh lại... trả tiền…

... Nguyễn Trọng Tạo có bài thơ Chia rất hay. Lần anh đọc thơ ở Trường đại học Hồng Đức Thanh Hóa đã làm tôi hết hồn. Chiều ấy tôi với anh có nhâm nhi tí ti. Tối anh đi giày Adidas lên đọc thơ trong tiếng vỗ tay như muốn sập hội trường của sinh viên. Trước tiên anh tự hát mộc bài Làng quan họ quê tôi theo yêu cầu của sinh viên (hồi ấy chưa có món “sông quê”). Bài này khi ngồi riêng với nhau, chúng tôi và cả anh nữa thường tếu táo hát lời hai rất vui. Tôi cứ lo anh quen mồm thì chết. May mà anh thuộc hết, không lẫn lời hai.

Sau đó anh đọc bài Chia rất hào sảng và đắm đuối: Chia cho em một đời tôi, một cay đắng/một niềm vui/một buồn... đến câu: "Tôi còn cái xác không hồn, cái chai không rượu...", thì anh bỗng lúng túng, có hiện tượng quên. Chết cha, sao mà lại quên ác ôn thế hả trời?

Cả hội trường lặng phắc, tôi nín thở. Cái tử vận này dễ chết lắm. Trong thơ, anh lách tử vận này một cách rất tài tình, ai cũng biết rồi, nhưng lạ thế, lúc này ai cũng nín thở. Năm giây, mười giây... hai mươi giây... anh vẫn đứng lặng phắc rồi bỗng giọng anh òa ra: "Tôi còn vỏ chai". Tiếng vỗ tay như pháo, kéo dài và rền thắm. Lúc về trên xe tôi thăm dò: hình như khi nãy bác có hiện tượng... quên. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cười hiền lành: "Định quên nhưng rồi lại không quên. Và như thế, bài thơ nặng hơn, bất ngờ như ảo giác"..

Thơ anh Tạo là thế, nhiều khi nó cứ mấp mé bờ vực giữa thực và hư, giữa đời và đạo, giữa cái mong manh và vĩnh cửu, giữa khoảnh khắc và trường tồn, giữa có thể và không thể, giữa chỉn chu và phá cách, giữa nhất thời và mai hậu... và như thế nó làm nên một Nguyễn Trọng Tạo tài hoa trẻ trung, một Nguyễn Trọng Tạo thu hút, một Nguyễn Trọng Tạo “ham chơi” - chữ của Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhưng lại có một lượng tác phẩm đồ sộ, đa tài ở nhiều thể loại. (còn tiếp)

(Trích từ sách Nhặt chuyện văn nhân do Liên Việt và NXB Văn học vừa ấn hành)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.