Nhật Bản tập trận ngăn 'nước ngoài' tấn công đảo Senkaku/Điếu Ngư?

27/12/2021 19:30 GMT+7

Truyền thông Nhật Bản tiết lộ các cuộc tập trận nước này tổ chức vào tháng trước là nhằm sẵn sàng chiến đấu đẩy lùi "cuộc tấn công của nước ngoài" nhắm vào quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Xe tấn công đổ bộ (AAV7) của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản (JGSDF) trong cuộc tập trận chung của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) ngoài khơi đảo Tanegashima ở Kagoshima vào ngày 25.11

chụp màn hình south china morning post

Cuộc tập trận quân sự bắt đầu ngày 20.11 và kéo dài hai ngày có sự tham gia của lực lượng phòng vệ, lực lượng bảo vệ bờ biển và cảnh sát Nhật Bản. Hoạt động được tiến hành trên một hòn đảo xa xôi không có người ở.

Hãng tin Kyodo ngày 27.12 dẫn lời các nguồn tin giấu tên trong chính phủ Nhật Bản cho biết hòn đảo trên được chọn vì có các đặc điểm giống với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang là đối tượng tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Tokyo đã quyết định chọn một địa điểm khác thay vì tổ chức tập trận trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Nguồn tin của Kyodo cho biết các cuộc tập trận dựa trên giả định rằng "lực lượng nước ngoài" đã chiếm các đảo đang tranh chấp ở Biển Hoa Đông.

Tuy nhiên, các quan chức chính phủ Nhật Bản cho biết cuộc tập trận này nhằm cải thiện khả năng ứng phó của Tokyo đối với tình huống khẩn cấp ở các đảo và “không nhắm đến một hòn đảo hay quốc gia cụ thể nào".

Cuộc tập trận bao gồm hoạt động đổ bộ từ trực thăng và tàu thuyền với sự tham gia của khoảng 400 binh sĩ, nhà chức trách Nhật Bản cho biết. Mục tiêu chính của cuộc tập trận là cải thiện khả năng tương tác giữa các bộ phận khác nhau của lực lượng vũ trang và an ninh Nhật Bản.

Trung Quốc, Đài Loan đều phản đối Nhật đổi tên khu vực hành chính có đảo Senkaku/Điếu Ngư

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là một nhóm các đảo nhỏ không có người ở nằm cách mũi phía bắc của Đài Loan khoảng 170 km về phía đông bắc. Quần đảo được Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư còn Tokyo gọi là Senkaku. Các tàu hải cảnh của Trung Quốc đã nhiều lần đến gần quần đảo trong những năm qua. Các động thái này bị Nhật Bản xem là cố ý khiêu khích.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.