Nhật Bản bắt đầu xả nước nhiễm phóng xạ ra biển từ ngày 24.8

22/08/2023 15:15 GMT+7

Nhật Bản từ ngày 24.8 sẽ bắt đầu xả ra biển hơn 1 triệu tấn nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima, theo kế hoạch vốn đã vấp phải chỉ trích mạnh mẽ của Trung Quốc.

Kế hoạch này được chính phủ Nhật Bản phê duyệt hai năm trước, có ý nghĩa quan trọng trong việc giải thể nhà máy điện hạt nhân do Công ty Điện lực Tokyo (Tepco) vận hành. Ngoài các nước láng giềng, các hiệp hội nghề cá tại Nhật cũng phản đối kế hoạch vì lo sợ tổn thất về danh tiếng và mối đe dọa đối với sinh kế của họ.

"Tôi đã yêu cầu Tepco nhanh chóng chuẩn bị cho việc xả nước theo kế hoạch đã được Cơ quan Quản lý Hạt nhân phê duyệt và dự kiến việc xả nước sẽ bắt đầu vào ngày 24.8, khi điều kiện thời tiết cho phép", Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết vào sáng 22.8, theo Reuters.

Nhật Bản bắt đầu xả nước nhiễm phóng xạ ra biển từ ngày 24.8 - Ảnh 1.

Các thùng chứa nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima

REUTERS

Một ngày trước đó, ông Kishida cam kết chính phủ sẽ chịu toàn bộ trách nhiệm trong việc đảm bảo sinh kế cho ngư dân, ngay cả khi việc đó sẽ mất nhiều thập niên.

Tokyo khẳng định việc xả nước là an toàn. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc, đã bật đèn xanh cho kế hoạch này vào tháng 7. Theo IAEA, kế hoạch của Nhật đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và tác động của việc này đối với con người cũng như môi trường là "không đáng kể".

Nhà hàng Nhật Bản gặp khó ở Trung Quốc vì nhà máy điẹn hạt nhân thải nước nhiễm xạ

Một số nước láng giềng đã bày tỏ hoài nghi về mức độ an toàn của việc xả nước, trong đó Bắc Kinh chỉ trích mạnh mẽ nhất. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân hồi tháng 7 cho rằng Nhật Bản đã thể hiện sự ích kỷ và kiêu ngạo, đồng thời chưa tham vấn đầy đủ với cộng đồng quốc tế về kế hoạch.

Trung Quốc đã cấm nhập khẩu hải sản từ 10 tỉnh của Nhật Bản, trong đó có Fukushima và Tokyo. Nhập khẩu hải sản từ các tỉnh khác được cho phép nhưng phải vượt qua các kiểm tra về mức độ phóng xạ và có bằng chứng chúng được sản xuất ngoài 10 tỉnh nằm trong danh sách cấm.

Các nhà hoạt động Hàn Quốc cũng phản đối kế hoạch này, mặc dù Seoul đã kết luận thông qua nghiên cứu của chính họ rằng việc xả nước đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và cho biết họ tôn trọng đánh giá của IAEA.

Trong một tuyên bố ngày 22.8, chính phủ Hàn Quốc cho biết họ đã được Nhật Bản thông báo về quyết định của mình và tin rằng Tokyo sẽ thực hiện việc xả nước theo kế hoạch. "Chúng tôi đã đánh giá rằng không có vấn đề khoa học hoặc kỹ thuật nào với kế hoạch xả nước bị ô nhiễm. Nhưng chúng tôi muốn làm rõ rằng chính phủ của chúng tôi không nhất thiết phải đồng ý hoặc ủng hộ kế hoạch xả nước bị ô nhiễm", tuyên bố nêu.

Các quốc đảo Thái Bình Dương bất đồng về vấn đề, do trước đây các nước này từng là địa điểm thử nghiệm hạt nhân của Mỹ và Pháp. Thủ tướng Fiji, Sitiveni Rabuka, hôm 21.8 đưa ra tuyên bố cho biết ông ủng hộ kết luận của IAEA, nhưng thừa nhận rằng vấn đề đang gây tranh cãi ở khu vực.

Nhật Bản cho biết nước nhiễm phóng xạ - do được sử dụng để làm mát các thanh nhiên liệu tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima trong thảm họa động đất - sóng thần năm 2011 - sẽ được lọc để loại bỏ hầu hết các nguyên tố phóng xạ ngoại trừ tritium, một đồng vị của hydro khó tách khỏi nước. Nước đã qua xử lý sẽ được pha loãng sao cho hàm lượng tritium thấp hơn cả mức độ được quốc tế cho phép, trước khi được xả ra Thái Bình Dương.

Một quan chức Nhật Bản cho biết kết quả xét nghiệm đầu tiên về nước biển sau khi xả thải có thể có vào đầu tháng 9. Nhật Bản cũng sẽ kiểm tra cá ở vùng biển gần nhà máy Fukushima và công bố kết quả kiểm tra trên website của Bộ Nông nghiệp nước này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.