Nhập viện vì bị thú cưng là rắn độc cắn: Sao lại đổ lỗi cho con rắn?

13/05/2022 07:01 GMT+7

Hơn 4 năm nuôi thú cưng, Trần Viết Tuấn Anh (22 tuổi, sống tại TP.HCM) vẫn không dám nuôi rắn độc.

Nhưng chàng trai này cho rằng đã nuôi thì phải có sự hiểu biết nhất định và chịu trách nhiệm, sao lại đổ lỗi cho con rắn và kỳ thị các loài bò sát?

Từ cậu chuyện cậu bé 13 tuổi ở Hà Nội phải nhập viện do bị thú cưng là loài rắn cực độc cắn, là một người trong giới chơi bò sát, Tuấn Anh cho rằng cả cậu bé, gia đình và người bán rắn cho cậu bé đều có lỗi.

“Cậu bé này đã giấu gia đình để nuôi rắn độc, lỗi đầu tiên là gia đình đã không kiểm soát bé chặt chẽ. Thứ hai bé đã quá liều lĩnh khi chọn bắt đầu với rắn độc và tai hại nhất là giấu người thân. Thứ ba người bán đã sai do bán cho người không biết cách chăm sóc cơ bản vì cháu bé còn quá nhỏ”, Tuấn Anh bày tỏ.

Tuấn Anh với các con rắn vua - King Snake, một trong những loài rắn kiểng phổ biến

NVCC

Tuấn Anh cũng thẳng thắn: “Mình biết là thuận mua vừa bán, nhưng mà tai nạn xảy ra thì sao lại đổ lỗi cho con thú cưng chứ? Nếu không nuôi, không chăm và không chơi nổi thì đừng mua, và nếu biết người mua không chăm được, đặc biệt là những con khó tính thì đừng bán. Khi đọc được thông tin mình khá bức xúc vì các loài bò sát bị kỳ thị quá đáng, kể cả độc hay không độc”.

Tuấn Anh nuôi thú cưng được 4 năm và lý do anh chàng thích các loài bò sát vì một số loài rất khôn nên thích hợp cho việc thuần hóa và dạy dỗ.

“Từ vụ việc này, mọi người nên lưu ý đủ kinh nghiệm thì hãy nuôi, và rắn độc cảnh không dành cho người mới chơi, đặc biệt là các cháu bé. Mình đã 4 năm nuôi đủ các loại bò sát như trăn, rắn mà còn chưa dám nuôi rắn độc”, Tuấn Anh chia sẻ và cho biết không khuyến khích mọi người nuôi rắn độc.

Theo kinh nghiệm của mình, Tuấn Anh cho rằng các loài bò sát có độc hay không có độc đều vẫn có thể gây sát thương, nên người nuôi cần phải có kinh nghiệm xử lý tình huống cấp bách. Đặc biệt là những dòng rắn có độc thì phải tìm hiểu rõ để chuẩn bị cho phương án xấu nhất và phải có bảo hộ (như bao tay da, đồ gắp rắn…), nuôi nhốt cẩn thận…

Tuấn Anh cho biết các thú cưng mà anh nuôi đã qua thời gian dài huấn luyện, chăm sóc, cộng với những kinh nghiệm của mình và mang bảo hộ đầy đủ, đến nay bản thân và mọi người xung quanh chưa bị bất cứ thương tích nào đáng kể.

“Nếu người nuôi hiểu được tâm lý, tập tính của từng loài mình nuôi thì sẽ biết phải làm thế nào để an toàn. Chẳng hạn như có loài đã thuần đi nữa thì vào mùa sinh sản vẫn rất hung dữ, nhưng nếu những ngày này mình chăm sóc cẩn thận thì sau đó chúng lại rất hiền và ngoan. Muốn nuôi bò sát phải nằm lòng những kinh nghiệm như thế”, Tuấn Anh chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.