Nhập viện do bị thú cưng là rắn độc cắn: Sao có sở thích kỳ cục?

10/05/2022 16:05 GMT+7

Trước sự việc cậu bé 13 tuổi ở Hà Nội phải nhập viện do bị thú cưng là rắn độc cắn, nhiều người bức xúc và thắc mắc sao lại có những sở thích kỳ cục?

Các bạn trẻ có kinh nghiệm trong nuôi thú cưng là các loài bò sát thì cho biết cũng không đồng tình và khuyến khích việc nuôi rắn độc, đặc biệt cũng khá bức xúc với cậu bé giấu gia đình mua rắn độc về nuôi và bị cắn. Với kinh nghiệm nhiều năm của mình, các bạn có những lời khuyên bổ ích cho những bạn nhỏ hoặc bạn trẻ mới bước vào thú chơi này có thể tham khảo để nuôi thú cưng là các loài bò sát cho an toàn.

Nhập viện cấp cứu do 'thú cưng' là rắn độc tấn công

Loài rắn lục đuôi đỏ được cậu bé mua về và giấu gia đình để nuôi

GIA ĐÌNH CUNG CẤP

Người sợ không hết, người lại mua về nuôi

Trường hợp cậu bé 13 tuổi ở Hà Nội bị thú cưng là rắn độc cắn theo như Thanh Niên đã đưa tin thì người nhà cậu bé cho biết, trước nhập viện 2 tuần, cậu bé giấu gia đình tự đặt mua trên mạng rắn lục đuôi đỏ nuôi tại nhà. Chiều 3.5, khi cậu bé thay chuồng cho rắn thì bị rắn cắn vào ngón tay trỏ. Lúc này gia đình mới “tá hỏa” biết trẻ nuôi 3 con rắn trong hộp và thậm chí giấu kỹ trong tủ quần áo. Gia đình lập tức đưa cậu bé vào bệnh viện. Cậu bé nhập viện trong tình trạng tỉnh nhưng mệt, bàn tay phải sưng nề, thâm tím và chảy máu ngón trỏ, đau nhức. Đặc biệt, con rắn mà cậu bé nuôi là một trong những loài rắn cực độc.

Trước sự việc này, nhiều người đã không khỏi bức xúc và thắc mắc tại sao lại có sở thích kỳ cục.

Con rắn lục đuôi đỏ mà bắt đắc dĩ Tú phải làm chuồng có khóa an toàn để nuôi vì không biết thả đi đâu sợ gây nguy hiểm cho mọi người

NVCC

Anh Nguyễn Tiến Hưng (32 tuổi, ngụ tại đường Phan Anh, P.Tân Thới Hòa, Q.Tân Phú, TP.HCM) tỏ ra khó hiểu, hỏi: “Tôi không biết các bạn trẻ bây giờ sao có sở thích gì kỳ cục quá. Nuôi các loài bò sát hiền lành thì được rồi, sao lại đi nuôi rắn độc. Qua sự việc lần này, các bậc cha mẹ nên cho con đọc thông tin này để mà né tránh. Chứ nhiều khi sợ ba mẹ không đồng ý, lại giấu để nuôi như cậu bé này thì khổ. May cậu bé cũng đã qua được nguy hiểm, chứ nếu có chuyện gì thì đúng là đau thương quá mà”.

Bạn Trương Thị Mỹ Trân (24 tuổi, ngụ hẻm 71 đường Lã Xuân Oai, TP.Thủ Đức, TP.HCM) thì bày tỏ: “Đọc được tin này mà mình thấy khó hiểu quá, sao có người sợ còn không hết, lại có người mua về nuôi, mà còn nuôi làm thú cưng như thế này nữa chứ. Mình thấy cho dù có nhiều bạn muốn chinh phục những thứ gì đó độc lạ thì cũng đâu nhất thiết là phải nuôi một loài cực độc như vậy. Có khác nào tự rước họa vào thân”.

Không ai khuyến khích việc nuôi rắn độc

Chàng trai Trần Bá Minh (ngụ tại Q.Bình Tân, TP.HCM), đã có kinh nghiệm hơn 10 năm trong việc nuôi các loài bò sát, cho rằng khi đọc được thông tin về cậu bé 13 tuổi nuôi rắn độc và bị cắn, Minh rất bức xúc.

“Theo bản thân mình và tất cả các anh em trong giới bò sát không ai khuyến khích việc nuôi rắn độc. Vì sơ sẩy không chỉ đem lại nguy hiểm cho bản thân mà còn nguy hiểm cho những người thân xung quanh. Bên cạnh đó, người đã bán rắn độc cho bạn nhỏ này cũng có lỗi. Vì các anh em có kinh nghiệm lâu năm sẽ không bao giờ bán rắn độc cho những bạn nhỏ tuổi hoặc mới chơi”, Minh bày tỏ.

Minh (ở giữa) và các bạn trẻ có thú nuôi các loại bò sát không độc và không gây nguy hiểm

HOA NỮ

Minh cũng chỉ ra có các loại như rắn độc, bò cạp độc, nhện độc… Trong đó thường đa số đều là động vật hoang dã không phải là nuôi nhốt lâu năm nên tính khí rất thất thường và khó kiểm soát. Còn nhện và bò cạp có những loại mang nọc độc cấp 2,3 là loại độc mạnh gây tử vong.

“Các bạn nhỏ nên tham khảo từ nhiều nguồn, suy nghĩ về những rủi ro khi vô tình để sổng thú cưng và đừng nuôi vì 1 phút muốn thể hiện bản thân. Đừng nhầm tưởng đam mê và thể hiện”, Minh gửi gắm.

Cũng có nhiều kinh nghiệm trong nuôi các loài bò sát, đặc biệt cũng đã từng nuôi rắn độc thời gian ngắn, nhưng sau đó nhận thấy tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nên hiện nay T.N (25 tuổi, quê ở Sóc Trăng) đã không còn nuôi rắn độc nữa mà chỉ nuôi những loài rắn không độc. T.N chia sẻ: “Việc nuôi rắn độc tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra tai nạn. Người nuôi cần phải trang bị kiến thức, trang thiết bị đầy đủ, lập trường kiên định và đặc biệt phải tuân thủ các quy tắc an toàn cơ bản”.

Những loại rắn cảnh ngoại nhập và không độc mà Tú đang nuôi

NVCC

T.N cũng nhìn nhận trường hợp của bé 13 tuổi thì một phần là có thể bé đã xem những bài cổ xúy cho phong trào nuôi rắn độc, nên đã chọn 1 vật nuôi không phù hợp. Và một phần lỗi cũng nằm ở người bán.

“Theo như mình được biết thì gần đây có 1 nhóm các thanh niên tổ chức săn bắt, rao và bán rắn độc tràn lan ở các nhóm rắn cảnh trên Facebook, và địa điểm lại trùng hợp với nơi gửi rắn độc cho bé. Ngay khi sự việc xảy ra thì tất cả các bài đăng bán đều đồng loạt được gỡ bỏ. Mình nghĩ nên có 1 cuộc điều tra, 1 mức phạt cụ thể nhằm răn đe các tượng và làm gương cho những người sau này”, T.N bày tỏ.

Năm 2017, chàng trai Nguyễn Thanh Tú (23 tuổi, sống tại Cần Thơ) bắt đầu nuôi bò sát, ban đầu Tú nuôi rồng Nam Mỹ iguana, năm 2018 Tú bắt đầu nuôi loài thằn lằn Leopard Gecko, đến năm 2019 Tú bắt đầu nuôi rắn corn snake (loại rắn cảnh ngoại nhập và không độc).

Những loài rắn corn snake mà Tú nuôi

NVCC

Vì bất đắc dĩ phải nhận một con rắn lục đuôi đỏ, do người bạn đưa qua và không biết phải mang đi thả ở đâu, sợ thả ra lại gây nguy hiểm cho mọi người nên Tú đành làm chuồng an toàn để nuôi.

“Thật sự mình cũng không muốn, nuôi nhưng vẫn rất sợ bị cắn nên mình nuôi trong chuồng có khóa an toàn và không bắt ra trừ khi cần phải vệ sinh”, Tú bày tỏ.

Theo Tú thì rắn độc thuộc chi Viper có kích thước nhỏ nên không cần không gian quá to để nuôi và hình thái đầu của chi rắn này có vẻ góc cạnh hơn, có thể nói là ngầu hơn đa phần các loài rắn khác. Và đây cũng là những lý do khiến cho nhiều bạn lại muốn thử nuôi loài rắn này.

Cũng theo Tú phải có kiến thức về tập tính, độ nguy hiểm và đặc biệt là loài mình đang nuôi thì VN có huyết thanh hay không, vì phòng trước vẫn hơn. Về dụng cụ thì chuồng nuôi không chỉ đảm bảo không gian cho rắn mà còn phải an toàn và chắc chắn vì rắn luồn lách khá giỏi, kẹp gấp thức ăn cũng như cây móc phải đủ dài và phù hợp với từng loài, và phải có bao tay chống rắn cắn…

“Nói không với free hand (cầm rắn bằng tay không) nếu không phải chuyên gia, vì đây là lý do khiến bị cắn nhiều nhất”, Tú chia sẻ về những cách phòng tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra khi nuôi rắn, đặc biệt là nếu bạn nào đang nuôi rắn độc, mặc dù Tú không khuyến khích mọi người nuôi loài rắn này vì dù thế nào vẫn tiềm ẩn nguy cơ nguy hiểm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.