Nhập siêu thép kéo dài

Mai Phương
Mai Phương
16/04/2019 06:53 GMT+7

Dù nhiều sản phẩm thép có công suất dư thừa nhưng mỗi năm VN vẫn chi hàng tỉ USD nhập khẩu thép. Riêng mặt hàng này, chúng ta vẫn đang nhập siêu, chủ yếu từ Trung Quốc.

Lệch pha cung - cầu

Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy lượng xuất khẩu sắt thép các loại trong 3 tháng đầu năm nay đạt 1,77 triệu tấn, trị giá 1,13 tỉ USD, tăng 24,2% về lượng và tăng 9,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Ở chiều ngược lại, cả nước đã nhập khẩu nhóm hàng này 3,37 triệu tấn, trị giá 2,26 tỉ USD, tăng 8,3% về lượng và tăng 3,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Nếu cộng thêm lượng nhập khẩu sản phẩm từ sắt thép trong 3 tháng qua đạt 917 triệu USD và nhập khẩu phế liệu sắt thép đạt 267,6 triệu USD thì giá trị hàng nhập khẩu này đã lên mức gần 3,45 tỉ USD. Đây là nhóm hàng đứng thứ 6 về giá trị nhập khẩu trong Top 10 nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất vào VN. Trước đó trong năm 2018, VN nhập khẩu sắt thép các loại đạt 9,89 tỉ USD, sản phẩm từ thép là 3,66 tỉ USD và phế liệu sắt thép 1,93 tỉ USD. Tổng cộng cả nước đã nhập khẩu 15,48 tỉ USD các loại hàng hóa này.
Trung Quốc liên tục là thị trường cung cấp sắt thép các loại lớn nhất vào VN với gần 50% thị phần.
Dù không có số liệu chi tiết từng loại sản phẩm sắt thép nhập khẩu vào VN, nhưng các loại thép cán nóng và thép xây dựng chiếm tỷ trọng lớn nhất. Theo Hiệp hội Thép VN, cho đến nay chỉ duy nhất mặt hàng thép cuộn cán nóng được nhập khẩu để làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm dẹt là trong nước chưa có. Còn hầu hết các sản phẩm thép khác cơ bản đã đáp ứng đủ nhu cầu trong nước.
Ví dụ ước tính tổng công suất thép xây dựng của cả nước hiện ở mức khoảng 18 triệu tấn thì mức tiêu thụ năm vừa qua chỉ khoảng trên 10 triệu tấn. Hay nhu cầu thép không gỉ (inox, gồm cả cán nóng và cán nguội) trong nước hiện ở mức 490.000 tấn/năm nhưng năng lực sản xuất đã trên 700.000 tấn, khiến các nhà máy sản xuất inox chỉ hoạt động từ 50 - 55% công suất thiết kế.
Đáng nói, các doanh nghiệp (DN) trong nước mới chỉ sản xuất đạt trung bình 63% công suất, thấp hơn so với mức huy động công suất bình quân của thế giới là khoảng 76,9%. Vì vậy, Hiệp hội Thép VN đã từng kiến nghị Chính phủ chỉ nên khuyến khích DN đầu tư vào các sản phẩm thép hợp kim chất lượng cao để phục vụ sản xuất cơ khí chế tạo, đóng tàu, ô tô... mà trong nước chưa sản xuất được.

Khó chặn gian lận thương mại?

Trả lời câu hỏi vì sao thép nhập khẩu, đặc biệt thép xây dựng vẫn liên tục tràn vào VN, tổng giám đốc một công ty thép lớn tại phía nam nhận định: Trước đây, thép Trung Quốc đã có nhiều kiểu gian lận thương mại để lẩn tránh thuế nhập khẩu vào VN. Chẳng hạn từ năm 2014, Hiệp hội Thép VN đã lên tiếng về tình trạng thép Trung Quốc khai là thép hợp kim chứa nguyên tố Bo (0,0008%) nhập vào VN để hưởng thuế nhập khẩu 0%. Các sản phẩm này chủ yếu là thép cuộn và được khai báo là nhập khẩu để làm que hàn.
Thế nhưng, cả nước mỗi năm nhu cầu sử dụng que hàn chưa đạt 5.000 tấn trong khi lượng thép cuộn nhập khẩu lên 600.000 - 700.000 tấn. Sau đó, từ đầu năm 2016, VN áp thuế tự vệ với phôi thép và thép dài nhập khẩu thì tình trạng gian lận thương mại lại tiếp diễn. Các DN nhập khẩu thép trong quá trình khai báo đã chuyển từ mã thép HS này sang mã HS khác dẫn đến lượng thép nhập khẩu thực tế vẫn tăng mặc dù đã bị áp thuế.
Đó là chưa kể tình trạng gian lận về xuất xứ hàng hóa, mượn xuất xứ của VN để xuất sang nhiều thị trường khác nhằm tránh thuế chống bán phá giá cũng xảy ra... Là nước sản xuất nhiều sắt thép nhất thế giới nhưng hiện tại thép Trung Quốc đang bị áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp ở nhiều thị trường, đặc biệt tại Mỹ nên các DN Trung Quốc tìm mọi cách đẩy hàng vào thị trường khu vực Đông Nam Á, trong đó có VN. Nhiều sản phẩm của Trung Quốc có giá rẻ hơn 20 - 25% vì lợi thế hơn như công suất lớn, nhà máy đã khấu hao xong, chi phí nguyên liệu thấp...
Đồng quan điểm, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư, nhận định nhiều DN Trung Quốc đã “nổi danh” về các thủ đoạn để xuất khẩu sản phẩm vào VN với giá thấp hơn nhiều so với giá bán trong nước. Điều này cũng do chính phủ Trung Quốc áp dụng chính sách trợ cấp cho các DN nước này khiến giá thành sắt thép nói riêng và nhiều sản phẩm nói chung của Trung Quốc trở nên rẻ mà không nước nào cạnh tranh được. Điều này sẽ để lại hậu quả là hàng Trung Quốc dễ dàng đánh bại hàng VN ngay trên sân nhà.
Theo TS Lê Đăng Doanh: “Ngoài việc các DN phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh của mình thì cũng làm quen với việc áp dụng các hàng rào tự vệ. Khi đó các DN phải chung tay chứng minh được việc gian lận của hàng nhập khẩu để khởi kiện phòng vệ thương mại. Việc thiên vị thấy rõ của Trung Quốc đối với các DN trong nước họ, thậm chí vi phạm cả các nguyên tắc của WTO nên nhiều nước đã áp dụng biện pháp áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp. Các cơ quan của VN có liên quan cũng cần tăng cường giám sát và áp dụng nghiêm các quy định về nhập khẩu, tránh tạo kẽ hở cho hàng hóa nước ngoài tuồn ồ ạt vào VN khiến DN gặp khó”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.