Nhập khẩu thịt tăng phi mã, Hội Chăn nuôi Việt Nam kiến nghị lên Thủ tướng

14/10/2021 14:56 GMT+7

Hội Chăn nuôi Việt Nam gửi văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ, ngành kiểm soát chặt nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi trong bối cảnh nhiều sản phẩm chăn nuôi trong nước phải bán dưới giá thành sản xuất, khó tiêu thụ.

Nhập khẩu thịt lợn tăng 404%

Thông tin từ Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội này, đã ký văn bản kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành triển khai các giải pháp phát triển ngành chăn nuôi trong nước bền vững, ổn định sinh kế cho hàng chục triệu hộ chăn nuôi tại Việt Nam.

Theo Hội Chăn nuôi Việt Nam, cả nước hiện có hơn 2 triệu hộ nuôi lợn, gần 2,2 triệu hộ nuôi trâu bò, gần 7 triệu hộ nuôi gia cầm và hàng trăm ngàn hộ nuôi các loại vật nuôi khác.

Trong gần 30 năm qua, ngành chăn nuôi có mức tăng trưởng bình quân từ 5 -6%/năm. Nhiều lĩnh vực của chăn nuôi Việt Nam hiện có thứ bậc cao trong khu vực và trên thế giới, như quy mô đàn lợn đứng thứ 6 - 7, đàn thủy cầm đứng thứ 2 thế giới. Công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi, năng suất bò sữa và công nghiệp chế biến sữa đứng đầu các nước ASEAN…

Hội Chăn nuôi cho rằng, xét tổng thể về hạ tầng cơ sở vật chất, kỹ thuật, trình độ quản lý và quy mô đàn vật nuôi các loại, thì ngành chăn nuôi nước ta hoàn toàn có khả năng sản xuất đáp ứng đủ nhu cầu các loại thực phẩm thiết yếu cho tiêu dùng trong nước và gia tăng xuất khẩu trong những năm tới đây.

Cũng theo Hội Chăn nuôi, so với các ngành kinh tế khác, ngành chăn nuôi trong nước là dịch chồng dịch trong suốt 2 năm qua, vượt quá sức chịu đựng của người chăn nuôi, không còn tâm trí và khả năng tái đầu tư.

Thịt lợn nhập khẩu về Việt Nam tăng trên 400% trong khi giá lợn trong nước giảm sâu khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng

Phan Hậu

Trong 2 năm trở lại đây, nhiều mặt hàng sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu đã tăng đột biến. Cụ thể, nếu so với năm 2019, nhập khẩu thịt lợn tăng 404%, thịt gia cầm tăng 15%, thịt trâu bò tăng 44% … đã gây thêm rất nhiều khó khăn cho sản xuất chăn nuôi trong nước. Trong khi, người chăn nuôi trong nước rất khó khăn, phần lớn sản phẩm hiện nay đang bán dưới giá thành sản xuất và không tiêu thụ được.

Kiểm soát chặt nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi

Trong văn bản gửi Thủ tướng, Hội Chăn nuôi Việt Nam nhấn mạnh chưa bao giờ ngành chăn nuôi Việt Nam đứng trước những khó khăn, thách thức như hiện nay, khi tỷ trọng nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y cao; việc nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là các loại thực phẩm giá rẻ, ngày càng gia tăng.

Trong văn bản này, Hội Chăn nuôi Việt Nam dẫn lại yêu cầu trong thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 mà Thủ tướng Chính phủ đã ký tại Quyết định số 1520/2020/QĐ-TTg ngày 6.10 vừa qua, với mục tiêu không chỉ là đáp ứng đủ nhu cầu thực phẩm thiết yếu cho tiêu dùng trong nước, gia tăng xuất khẩu, mà còn đảm bảo sinh kế của hàng chục triệu người nông dân.

Theo đó, Hội Chăn nuôi Việt Nam kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Công thương kiểm soát chặt vấn đề nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi, nhất là sản phẩm giá rẻ và vật nuôi sống thương phẩm. Bởi khi các hiệp định thương mại thế hệ mới đã ký chính thức có hiệu lực, các dòng thuế quan nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi đang trở về mức 0%, thì đây là áp lực vô cùng lớn với thị trường chăn nuôi trong nước.

Bên cạnh đó, Hội kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ liên quan tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động lưu thông và bình ổn thị trường sản phẩm chăn nuôi; mở rộng hệ thống cửa hàng, siêu thị thực phẩm mát trên thị trường, ngay cả ở các vùng nông thôn; tích cực đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi,...

Đáng chú ý, Hội Chăn nuôi kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu điều chỉnh chính sách thuế nhập khẩu nhằm hỗ trợ sản xuất chăn nuôi trong nước theo các khung thuế xuất mà Việt Nam cam kết trong các hiệp định thương mại. Cụ thể, theo phương án tăng hoặc giữ mức thuế nhập với mặt hàng thịt lợn, thịt gia cầm; giảm thuế nhập khẩu với ngô, đậu tương và điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu một số nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi bổ sung mà trong nước có thể sản xuất được, như: các loại thức ăn khoáng, axit hữu cơ…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.