Nhanh và minh bạch

Thu Hằng
Thu Hằng
26/09/2021 10:01 GMT+7

TP.HCM vừa thông qua gói hỗ trợ đợt 3, dự kiến sẽ có 7,3 triệu người dân được hỗ trợ 1 triệu đồng/người.

Tuy nhiên, điều nhiều băn khoăn chính là làm thế nào để tiền hỗ trợ đến với người dân sớm nhất, không bị bỏ sót, lọt đối tượng, kịp thời giúp họ vượt qua khó khăn. 
Thực tế, trong những đợt chi trả trước còn có những thiếu sót như: chính quyền địa phương chậm triển khai, người dân phải đi tới, đi lui nhiều lần vẫn chưa được nhận, trùng lắp đối tượng... Thực tế qua kiểm tra việc chi trả hỗ trợ tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Văn Hồi, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Bộ LĐ-TB-XH, cho biết nơi nào lãnh đạo phường, tổ trưởng tổ dân phố sâu sát thì những vấn đề bức xúc của dân được giải quyết nhanh chóng, kịp thời. Còn chỗ lãnh đạo chưa quan tâm thì người dân phản ánh, kêu ca nhiều. Điều này cho thấy, tiền hỗ trợ có đến được với dân hay không chính là sự sâu sát, rà soát địa bàn, tận tâm của cán bộ, chính quyền sở tại.
Có lẽ đã đến lúc, các địa phương, trong đó có TP.HCM, cần thay đổi phương thức hỗ trợ cho phù hợp. Việc lập danh sách niêm yết công khai người nhận hỗ trợ tại UBND xã, phường để nhân dân giám sát, tránh trục lợi là đúng, nhưng chưa phù hợp trong bối cảnh giãn cách, khi người dân không được tụ tập đông người, chỉ được ra ngoài trong trường hợp cần thiết.
Nên ứng dụng công nghệ thông tin, không nhất thiết chỉ có một kênh phát trực tiếp mà ai có yêu cầu có thể nhận qua tài khoản ngân hàng, qua bưu điện, chi trả đồng bộ cùng với trợ cấp xã hội, lương hưu, qua ViettelPay… như vậy vừa nhanh vừa tránh trục lợi. 
Thực tế việc ứng dụng công nghệ thông tin trong chi trả hỗ trợ không quá khó, bởi mới đây Sơn La đã thiết lập cổng thông tin hỗ trợ Covid-19 đối với người lao động có hộ khẩu tỉnh này, đang làm việc tại các tỉnh phía nam. Số tiền hỗ trợ 1 triệu đồng được chuyển khoản trực tiếp đến số tài khoản ngân hàng đăng ký trong hồ sơ đề nghị trực tuyến đủ điều kiện được phê duyệt. Trường hợp người đề nghị không có tài khoản ngân hàng thì lập tài khoản ViettelPay qua số điện thoại chính chủ để nhận hỗ trợ. Người dân chỉ cần giấy tờ tùy thân chứng minh là người của Sơn La và giấy tờ xác nhận đang sinh sống tại các tỉnh phía nam (có thể sử dụng giấy chứng nhận tiêm chủng, giấy xét nghiệm Covid-19 mà không cần phải xác nhận tạm trú của công an). Một tỉnh miền núi khó khăn như Sơn La làm được, thì không cớ gì TP năng động bậc nhất như TP.HCM lại không thể.
Việc đăng ký hỗ trợ trên mạng, trực tiếp gửi yêu cầu qua tin nhắn, công khai danh sách người nhận hỗ trợ trên trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội của xã, phường, thị trấn hoặc trên Zalo của tổ dân phố sẽ nhanh chóng, hiệu quả, minh bạch. Đây cũng sẽ là tiền đề để tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động trong tương lai, từ đó Chính phủ có thể triển khai minh bạch, nhanh chóng, hiệu quả các chính sách hỗ trợ đột xuất sau này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.