Nhân viên bảo vệ rừng làm 17 năm lương 4 triệu/tháng, Trưởng ban từng cầm sổ đỏ ứng lương anh em

Khánh Hoan
Khánh Hoan
09/12/2022 12:05 GMT+7

Hàng trăm nhân viên bảo vệ rừng ở Nghệ An đang “sống mòn” với mức lương thấp đến khó tin và năm nào họ cũng phải ngậm ngùi vì nợ lương.

Vất vả, áp lực nhưng lương quá thấp

Sau 17 năm bảo vệ rừng tại Ban quản lý Rừng phòng hộ H.Tân Kỳ (Nghệ An), anh Trần Đình Hà (41 tuổi) đang nhận mức lương 4 triệu đồng/tháng. Anh Hà cùng 3 nhân viên khác được giao nhiệm vụ quản lý 2.200 ha rừng phòng hộ thuộc 3 xã.

Trạm này có 8 người, đã có 4 người bỏ việc vì lương quá thấp nên 4 người còn lại phải gánh công việc gấp đôi trước đây. Nhiệm vụ của nhóm là tuần tra, bảo vệ để rừng không bị xâm hại. Mỗi tháng, 4 người này chia nhau thành tốp 2-3 người luân phiên nhau đi tuần rừng, mỗi tháng, họ có 20 ngày nằm trong rừng.

Nhân viên bảo vệ rừng Nghệ An đi tuần rừng

khánh hoan

Hành trang của họ là ba lô chứa đồ ăn, áo mưa, võng. Nhà cách trạm 40 km, mỗi tháng, anh Hà chỉ về nhà được vài lần. Việc làm của vợ không ổn định, 2 đứa con đang tuổi ăn học và chi tiêu trong gia đình đều nhìn vào 4 triệu đồng tiền lương của anh Hà, trong đó anh đã phải trích ra 1 triệu đồng để góp tiền ăn hàng ngày cùng với anh em trong trạm.

Thế nhưng, năm nào anh Hà và các đồng nghiệp cũng bị nợ lương. Năm 2021, đến tháng 9, anh Hà mới được nhận lương tháng 1 và các tháng sau đó, đến cuối năm mới nhận được lương cho các tháng tiếp theo. Năm nay cũng vậy, đến tháng 7, anh Hà và đồng nghiệp mới được nhận lương đợt một và đến nay, họ chưa nhận thêm được một đồng nào.

Trạm bảo vệ rừng phòng hộ khu vực Vều (xã Phúc Sơn, H.Anh Sơn, Nghệ An) là căn nhà lợp tôn, thấp lè tè nằm trong rừng. Trạm này cũng có 4 nhân viên bảo vệ rừng, trông coi hơn 4.000 ha rừng phòng hộ trải rộng đến biên giới Việt – Lào. Đây là khu rừng nguyên sinh, còn nhiều gỗ quý nên thường xuyên bị lâm tặc dòm ngó.

Bữa ăn của các nhân viên bảo vệ rừng

ctv

Để giữ được rừng, 4 nhân viên này phải thay nhau đi tuần, mỗi ca 2-3 người. Các nhân viên giữ rừng này sống trong cảnh cơm nắm, mì tôm, ngủ võng trong rừng sâu khoảng 20 ngày mỗi tháng và chỉ về thăm nhà mỗi tháng 1-2 lần vì nhà cách trạm 70-80 km.

Anh Nguyễn Trường Giang tốt nghiệp trung cấp lâm nghiệp năm 2005. 16 năm gắn bó với rừng nhưng lương anh Giang cũng chỉ 4 triệu đồng mỗi tháng và năm nào lương cũng bị nợ.

“Vì trót gắn bó với rừng nên đành phải theo, chứ mức lương đó khó đủ cho cá nhân tôi sống, nếu anh em không tranh thủ trồng rau, chăn nuôi để dành dụm đồng tiền lương ít ỏi này về cho vợ con”, anh Giang buồn bã nói.

Không chỉ vất vả, lực lượng này phải chịu áp lực rất lớn vì nếu để rừng bị chặt phá sẽ đối mặt với truy tố, tù tội.

Nhiều người phải bỏ việc

Số liệu của ngành kiểm lâm Nghệ An cho biết trong vòng 4 năm qua đã có 158 cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng nghỉ việc vì lương quá thấp trong khi áp lực lại quá lớn.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chi cục kiểm lâm Nghệ An, cho biết trong số những người xin nghỉ việc có 5 người đang là hạt trưởng kiểm lâm. Chi cục đã phải nhiều lần động viên và sau đó đã “níu giữ” được 3 người ở lại.

Hiện một số đơn vị có nhu cầu tuyển nhân viên giữ rừng nhưng không tuyển dụng được.

Trạm bảo vệ rừng Vều ở xã Phúc Sơn, H.Anh Sơn, Nghệ An

khánh hoan

Ông Lê Phùng Thiều, Trưởng ban quản lý Rừng phòng hộ H.Thanh Chương, cho biết lương quá thấp, công việc vất vả và áp lực nên đã có 7 nhân viên bảo vệ rừng xin nghỉ việc trong vòng vài năm qua. “Năm ngoái, có 2 người tốt nghiệp đại học lâm nghiệp, đến làm được 2 tháng rồi cũng xin nghỉ vì lương quá thấp”, ông Thiều kể.

Ban quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương có 35 nhân viên bảo vệ 22.130 ha rừng. Mỗi năm, ban chỉ nhận được 2,1 tỉ đồng từ trên “rót” xuống để trả lương cho 35 con người này, nhưng năm nào cũng sau tháng 7, tháng 8 mới có lương.

“Có năm, đến tháng 12 mới có lương. Tôi phải đi cầm sổ đỏ của gia đình vay ngân hàng về cho anh em ứng trước và lấy tiền đóng tiền bảo hiểm vì nợ quá lâu”, ông Thiều thở dài.

Lực lượng bảo vệ rừng ở Pù Mát, Nghệ An

ctv

Theo tìm hiểu của phóng viên Thanh Niên, chế độ tiền lương cho nhân viên bảo vệ rừng ở Nghệ An đang thuộc hệ thấp nhất cả nước trong khi Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng nhiều nhất nước với gần 1 triệu hecta rừng. Với mức lương này, dự báo sắp tới sẽ có thêm nhiều nhân viên giữ rừng không trụ được, phải bỏ việc và thiếu người bảo vệ, nguy cơ rừng bị xâm hại là rất lớn.

Theo một lãnh đạo Sở NN-PTNT Nghệ An, mỗi năm, tỉnh này cần hơn 200 tỉ đồng để chi trả tiền bảo vệ rừng.

Ông Nguyễn Văn Đệ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, cho biết để tăng lương cho lực lượng bảo vệ rừng, cần có cơ chế đặc thù. Sắp tới, UBND tỉnh Nghệ An sẽ soạn thảo cơ chế này để trình HĐND tỉnh biểu quyết, thông qua.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.