Nhãn trồng ở Đồng Tháp ngon hơn ở Thái, sao xuất khẩu vẫn khó?

Chí Nhân
Chí Nhân
14/09/2023 18:43 GMT+7

Trái nhãn cũng như nhiều mặt hàng nông sản khác chất lượng rất tốt nhưng xuất khẩu vẫn khó khăn do thiếu câu chuyện để kể với khách hàng về tính an toàn, bền vững, truy xuất… và cả logistics.

Đại diện một nhà mua hàng lớn là Central Retail đã chia sẻ câu chuyện về trái nhãn như một ví vụ. Bên cạnh đó các đại biểu cũng chia sẻ nhiều góc nhìn khác tại hội thảo "Đưa nông sản, thực phẩm chế biến Việt Nam vào hệ thống phân phối nước ngoài", được tổ chức tại TP.HCM ngày 14.9.

Chất lượng cao nhưng thiếu câu chuyện

Ông Paul Lê, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail Việt Nam chia sẻ: Việt Nam đã bước qua giai đoạn xuất thô, chất lượng các mặt hàng nông sản Việt Nam hiện nay rất tốt. Ví dụ giống nhãn Thái được trồng ở tỉnh Đồng Tháp, chất lượng còn ngon hơn khi được trồng ở Thái Lan. Đó là lý do vì sao gần đây Central Retail đã phối hợp với các nhà cung cấp đưa nhãn Việt Nam vào siêu thị của Thái Lan. Sắp tới Tập đoàn này sẽ phối hợp với các nhà cung ứng và bà con nông dân để đưa trái vải vào thị trường này. "Nhưng để thành công, chúng ta phải hợp tác xây dựng câu chuyện cho nó, để kể với khách hàng. Ngày nay, người tiêu dùng rất ít lựa chọn sản phẩm bởi vì bản thân chất lượng của nó"- ông Paul Le nói.

Trái nhãn trồng ở Đồng Tháp ngon hơn ở Thái, sao xuất khẩu vẫn khó? - Ảnh 1.

Ông Paul Lê, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail Việt Nam cho rằng chất lượng nhãn Việt Nam ngon hơn cả Thái Lan

CHÍ NHÂN

Minh họa cho quan điểm trên, ông Lê Thành Trung, Quản lý thương mại về chuỗi giá trị thực phẩm tươi, Central Retail Việt Nam, kể: Vừa rồi chúng tôi tổ chức tuần lễ hàng Việt Nam tại Thái Lan. Trong chương trình có phần kết nối trực tiếp các doanh nghiệp mua hàng và nhà cung ứng. Tôi ấn tượng với một đại diện doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đã chạy ra chợ và các siêu thị để xem xét các sản phẩm tương tự đang bán ở thị trường như thế nào. Trước đó, bạn ấy cũng tìm hiểu xem đã có sản phẩm tương tự nào từ Việt Nam đã xuất sang thị trường này chưa - nhằm đánh giá tiềm năng thị trường. Từ những tư liệu đó, khi gặp các nhà mua hàng bạn này đã có câu chuyện kể và thuyết phục được đối tác "vì sao nên mua hàng của chúng tôi, sự khác biệt là gì?"… Kết quả là các nhà mua hàng đã thấy được trong sản phẩm của bạn ấy, không chỉ là cái bánh phồng tôm mà cả câu chuyện nuôi tôm sinh thái ở vùng rừng ngập mặn ven biển vùng ĐBSCL. Trong sản phẩm còn gắn liền với sinh kế của cộng đồng dân cư khu vực đó.

"Ngoài chất lượng, các nhà mua hàng còn quan tâm đến câu chuyện của nó, vấn đề truy xuất nguồn gốc và tính ổn định của sản phẩm. Để bán được hàng, ngoài kĩ năng cứng là hồ sơ sản phẩm thì doanh nghiệp cần phải linh hoạt và chủ động trong việc tiếp cận thị trường, chia sẻ câu chuyện về sản phẩm của mình để chiếm cảm tình của khách hàng", ông Trung nói.

Thiếu chứng nhận bền vững sẽ mất thị trường

Trong khi đó, ông Vincent Gothknecht, Trưởng đại diện Công ty I.Schroeder, một nhà mua hàng cho thị trường EU chia sẻ: Bản thân tôi đã có mặt ở Việt Nam nhiều năm và mua hàng cho các hệ thống phân phối lớn ở EU. Sản phẩm thanh long hay nước cốt dừa của Việt Nam xuất đi Mỹ khá tốt nhưng vào EU số lượng vẫn hạn chế. Quả vải của Việt Nam cũng tương tự, chất lượng rất tốt nhưng chưa được tiêu thụ mạnh ở EU. Vấn đề là Việt Nam vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư mạnh vào lĩnh vực chế biến và chế biến sâu nông sản mà phần lớn vẫn còn bán thô giá trị thấp.

Trái nhãn trồng ở Đồng Tháp ngon hơn ở Thái, sao xuất khẩu vẫn khó? - Ảnh 2.

Các nhà sản xuất và mua hàng đều đánh giá cao chất lượng nông sản Việt Nam

CHÍ NHÂN

Trong số các mặt hàng nông sản chế biến sâu thì thế mạnh của Việt Nam là các sản phẩm thủy hải sản. Đối với mặt hàng tôm và cá tra, các bạn đã có nhiều chứng chỉ nuôi trồng bền vững (MSC) trong khi đó sản phẩm cá ngừ thì đang thiếu chứng nhận MSC và khách mua hàng EU có thể chuyển sang nguồn cung từ các nước lân cận cụ thể như Philippines. Người tiêu dùng châu Âu rất quan tâm đến việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, yếu tố lao động và môi trường. Sắp tới họ chỉ mua những sản phẩm được chứng nhận trung hòa carbon. Đây là những vấn đề mà các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm và chuyển đổi ngay từ bây giờ theo xu hướng chung của thế giới.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT) kiêm Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, nhận định: Tỷ trọng sản phẩm được chứng nhận theo các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng, an toàn, bền vững thấp còn thấp là một trong những hạn chế để nông sản Việt Nam khi tiếp cận các thị trường cao cấp. Trong khi đó kết cấu hạ tầng, tổ chức sản xuất nông nghiệp, hệ thống logistics theo chuỗi giá trị cung ứng nông sản chưa đáp ứng yêu cầu… "Chi phí logistics của Việt Nam hiện chỉ tốt hơn so với Ấn Độ. Một container thanh long vận chuyển từ vùng trồng đến thị trường tiêu thụ có khi chi phí lại cao hơn cả giá trị lô hàng. Điều này làm sản phẩm của Việt Nam giảm tính cạnh tranh. Bên cạnh đó việc truyền thông, quảng bá và mở rộng thị trường thiếu đổi mới, sáng tạo và thiếu tính chiến lược dài hạn. Đây là những vấn đề cần được cải thiện để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản Việt Nam trong thời gian tới", ông Hòa nêu quan điểm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.