Nhân lực và hạ tầng kìm hãm logistics phát triển

26/11/2022 20:30 GMT+7

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, sự thiếu hụt về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao và những bất cập, thiếu tính kết nối về hạ tầng là những “điểm nghẽn” lớn kìm hãm sự phát triển của dịch vụ logistics thời gian qua.

Ngày 26.11, Bộ Công thương phối hợp với UBND TP.Hải Phòng tổ chức Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022 lần thứ 10 với chủ đề "Logistics xanh".

Hải Phòng là một trong số những tỉnh thành phố trong cả nước phát triển mạnh dịch vụ logistic bởi có hệ thống cảng biển quốc tế sầm uất

giang linh

Phát biểu khai mạc Diễn đàn Logistics Việt Nam 2020, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, logistics là ngành dịch vụ được ví như những “mạch máu” của nền kinh tế quốc dân, có vai trò quan trọng trong việc kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên

GIANG LINH

Nằm trong khu vực phát triển năng động của thế giới, nơi luồng hàng tập trung giao lưu mạnh, cùng với nền kinh tế có độ mở lớn (trên 200%), xuất nhập khẩu và thương mại điện tử luôn tăng trưởng ở mức hai con số, Việt Nam được đánh giá là một thị trường có nhiều tiềm năng để phát triển dịch vụ logistics.

Thực tế, dịch vụ logistics Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận: Duy trì mức tăng trưởng 2 con số, từng bước khẳng định được thương hiệu và vị thế của ngành trong khu vực và thế giới. Dù vậy, logistics Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế, yếu kém, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước; chi phí logistics còn cao, năng lực cạnh tranh thấp; liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu và dịch vụ logistics chưa chặt chẽ, kém hiệu quả; sự thiếu hụt về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao và những bất cập, thiếu tính kết nối về hạ tầng là những “điểm nghẽn” lớn kìm hãm sự phát triển của dịch vụ logistics thời gian qua.

Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế T.Ư, nhấn mạnh để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đất nước, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường, việc phát triển "Logistics xanh" là đòi hỏi và xu hướng tất yếu đối với Việt Nam trong thời gian tới.

Vì vậy, tại diễn đàn lần này, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh một số định hướng, nội dung nhiệm vụ trọng tâm mà ngành công thương và các bộ ngành, địa phương cần lưu ý triển khai thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, đặt trọng tâm vào xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện một cách thực chất chương trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong ngành logistics; đề xuất các chính sách, giải pháp để tăng cường liên kết, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, bộ ngành, địa phương và với các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp…

Nhà nước, doanh nghiệp cùng vào cuộc

PGS.TS Trịnh Thị Thu Hương - Phó Chủ tịch Hiệp hội phát triển nhân lực Logistics Việt Nam và Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam Đào Trọng Khoa cho rằng, để phát triển Logistics xanh thì nhà nước và doanh nghiệp đều phải có giải pháp phù hợp bởi hiện nay cơ sở hạ tầng giao thông cũng như cơ chế, chính sách, nhân lực vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng.

Về phía nhà nước, cần xem xét xây dựng Chiến lược và Quy hoạch phát triển Logistics xanh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, hạn chế việc sử dụng văn bản in ấn. Tiếp tục cải tiến cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng; tạo thuận lợi cho vận tải đa phương thức; đầu tư, nâng cấp, quy hoạch hệ thống kho bãi phù hợp.

Mặt khác, hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ cho hoạt động logistics xanh như: Quy định về kiểm soát ô nhiễm không khí; hạn chế lượng khí CO2; ban hành quy định, chính sách: chứng chỉ đào tạo bắt buộc cho người điều khiển phương tiện về tiết kiệm năng lượng; bao bì xanh, rác thải xanh đối với các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh kho hàng….

Cơ chế về thuế và luật để tạo động lực và giảm chi phí cho doanh nghiệp: khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng thay thế trong vận tải đường bộ, khuyến khích thay đổi phương thức vận tải…

Về phía doanh nghiệp, cần phải xây dựng, điều chỉnh và hoàn thiện chiến lược logistic xanh cho chính mình; kiểm soát logistics xanh tại kho; Cải tiến chất lượng phương tiện vận tải; triển khai công nghệcông nghệ thông tin tiên tiến; tận dụng các ưu đãi của Nhà nước; hợp tác giữa doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.