Nhân lực quốc gia từ… những chuyện 'đời thường'

31/03/2017 16:30 GMT+7

Nhiều ý kiến tâm huyết đầy trách nhiệm và có giá trị của các chuyên gia, nhà quản lý trong nước và quốc tế đã được chia sẻ tại Hội nghị ASEM (Diễn đàn Á - Âu) tổ chức tại TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

4.0 và “không chấm không”

Như Thanh Niên đã thông tin, trong 2 ngày 30 và 31.3, Hội nghị ASEM với chủ đề “Giáo dục sáng tạo và xây dựng nguồn nhân lực vì phát triển bền vững” tổ chức tại TP.Huế. Hội nghị thu hút sự tham dự của gần 200 đại biểu Việt Nam và quốc tế bao gồm đại diện lãnh đạo các thành viên ASEM, các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý của các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu uy tín của Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học giáo dục có kinh nghiệm từ các tổ chức quốc tế như UNESCO, Quỹ Á-Âu và Quỹ Hans Seidel.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến tham dự và phát biểu trước hội nghị.

Tại hội nghị, việc xây dựng nguồn nhân lực gắn với “cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” luôn được nhắc đến. Khái niệm này là tên gọi làn sóng thay đổi sản xuất đã và đang diễn ra tại Đức, nó có ý nghĩa sản xuất tương lai mang thế giới ảo (mạng) và thực (máy móc) xích lại gần nhau. Đây được xem như sự thách thức và cũng là mục tiêu không tách rời trong việc xây dựng nguồn nhân lực mỗi quốc gia trong thế kỉ 21. Thế nhưng, có những vùng miền khái niệm này vẫn còn “xa lạ”.

“Chúng ta đã nói nhiều về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại hội nghị này nhưng Lâm Đồng chúng tôi là tỉnh còn rất nhiều khó khăn. Xây dựng nguồn nhân lực, phát triển giáo dục trong trình độ công nghiệp “không chấm không” như ở địa phương chúng tôi thì sao?” - một đại biểu đến từ tỉnh Lâm Đồng phát biểu vào những phút chót của hội nghị khiến hội trường thoáng chốc “chùng” lại.

Các đại biểu tham gia chủ trì phiên bế mạc hội nghị ASEM - Ảnh: ĐÌNH TOÀN

Mang tâm tư như vị đại biểu đến từ Lâm Đồng, bà Susan Maree Vize, quyền Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, cho hay một ngày trước khi đến với hội nghị, bà đã đi Hà Giang và đã hiểu được khá nhiều về đời sống và công tác giáo dục tại vùng đất biên giới này. “Dân cư bố trí sống thưa thớt, điều kiện người dân rất khó khăn, do vậy mà tùy vào điều kiện thực tế để chúng ta có những thiết kế chương tình đào tạo, giáo dục phù hợp” - bà khuyến nghị.

Còn tiến sĩ Gwang-Jo Kim, Giám đốc, Văn phòng UNESCO về Giáo dục tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cho rằng các nước đang phát triển đang gặp nhiều thách thức như tình trạng lao động trẻ em; nghèo đói, thu nhập thấp; xung đột vũ trang, chiến tranh khiến hàng chục triệu người di cư; nguồn lực giảm như nạn phá rừng; thiếu nước sinh hoạt… Để có sự phát triển bền vững, ông Kim đề nghị các quốc gia cần có sự hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non; tăng cường hệ thống giáo dục nghề nghiệp; phát triển tổng thể và duy trì hòa bình; hỗ trợ chống lại bạo lực trong nhà trường (giới)…


Không chỉ nhân lực “hàn lâm”

Tại hội nghị có một sự đồng thuận cao từ nhiều nhà quản lý, học giả đến từ các quốc gia phát triển, đó là việc đào tạo sinh viên hay công nhân lành nghề, thông thạo nghề cũng là giải pháp cho nguồn nhân lực. Họ ra trường là có việc làm, thu nhập. “Giáo dục cần có hàn lâm, nhưng cũng cần những công nhân vận hành những máy móc tân tiến để vận hành máy móc trị giá hàng triệu euro” - Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam, ngài Christian Berger, chia sẻ.  

Đại biểu thảo luận tại hội nghị - Ảnh: ĐÌNH TOÀN

Ngài Berger cho biết sinh viên tại Đức có 2/3 thời gian học tập tại các công ty, các chủ doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tự thiết kế các chương trình đào tạo, nguồn nhân lực sao cho đáp ứng các nghiệp đoàn. “Đào tạo một công nhân về ngành ô tô phải có kiến thức cơ khí lẫn điện tử, tức là phải hoàn thiện. Doanh nghiệp thì phải tham gia đầu tư hoàn thiện quá trình đào tạo. Nhà nước và doanh nghiệp đều phải có sự bình đẳng trong đào tạo nghề, trong đó nhà nước cần phải đơn giản hóa các thủ tục hành chính” - Christian Berger.

Bà Carllotta Colli, Tổng lãnh sự Ý tại TP.HCM, cho biết cách nay vài tuần Ý xây dựng trường đại học đầu tiên đào tạo sinh viên ngành cơ khí chuyên sản xuất cung cấp xe hơi hạng sang. “Châu Âu là mảnh đất của cơ khí, công nghệ chế tạo. Đất nước chúng tôi thường kết nối các cơ sở đào tạo nghề tham gia trong xây dựng về sách giáo khoa, lẫn chương trình giảng dạy. Chúng tôi có các phòng thí nghiệm đào tạo các kĩ năng nghề nghiệp, không chỉ có sinh viên, giảng viên mà còn có các doanh nghiệp. Doanh nghiệp tư nhân được tham gia vào đào tạo đại học” - bà chia sẻ.


Cũng liên quan đến việc xây dựng nguồn nhân lực, bà Habibah Abdul Rahim, Phó vụ trưởng Vụ nghiên cứu và hoạch định Giáo dục, Bộ Giáo dục Malaysia, cho hay ở đất nước bà, phụ huynh, học sinh không xem đào tạo nghề là lựa chọn thứ hai, mà đó là tương đồng với học đại học. “Chúng tôi có chính sách khuyến khích cho học sinh như sau học cao đẳng nghề 4 năm sẽ được cấp bằng nghề. Trong đó 2/3 là thời gian thực hành, ½ thời gian lý thuyết. 83% họ có việc làm sau 3 tháng tốt nghiệp, 70% được tuyển dụng được theo đuổi đào tạo nghề cao hơn trong doanh nghiệp của họ” - vị này cho biết.

Phát biểu bế mạc hội nghị nói trên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh các kết quả của hội nghị đã khẳng định cam kết của các thành viên ASEM đối với giáo dục sáng tạo và đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao nhằm đáp ứng xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng cũng như sự phát triển như vũ bão của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và thiết bị thông minh.

Bộ trưởng cho rằng mỗi một thành viên ASEM cần phải nỗ lực hơn nữa và luôn luôn đổi mới trong quá trình thực hiện nhằm hướng tới một nền giáo dục hài hòa, hiện đại và đáp ứng được nhu cầu của thế giới việc làm. Với tinh thần đó, Việt Nam đang triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm hướng tới một nền giáo dục hiện đại, hội nhập quốc tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.