Nhân lực bảo vệ trẻ em ở cấp cơ sở rất mỏng

19/08/2022 06:03 GMT+7

Hội thảo Bảo vệ quyền trẻ em 'nóng' lên chuyện về nhân sự làm công tác bảo vệ trẻ em.

Các chuyên gia chỉ ra thực tế hiện nay có người kiêm nhiệm mấy chức danh, chỗ chưa bố trí kịp người còn nơi thì bố trí cho có, như thế sẽ ảnh hưởng đến việc bảo vệ trẻ em.

Sáng 18.8, Ban Văn hóa - Xã hội (thuộc Hội đồng nhân dân TP.HCM), Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM và Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM phối hợp tổ chức hội thảo khoa học “Bảo vệ quyền trẻ em: Thực trạng và giải pháp”.

Các đại biểu phát biểu tại hội thảo

Nữ Vương

Đề xuất lắp camera khuôn viên trường học

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Tùng, Khoa Công tác xã hội Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng đại dịch Covid-19 không chỉ dẫn đến khủng hoảng về y tế mà còn khủng hoảng về con người với các vấn đề an sinh xã hội, trong đó trẻ em là nhóm bị tác động nhiều nhất, đặc biệt là trẻ có người thân bị mất do dịch.

Thạc sĩ Tùng đã giới thiệu dự án “Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tinh thần của trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19 tại TP.HCM”. Theo thạc sĩ Tùng, dự án hiện tại đã thực hiện được mục tiêu và nội dung đã đề ra. Tuy nhiên, do nguồn lực thực hiện hoàn toàn tự nguyện, phi lợi nhuận nên việc duy trì, kéo dài dự án là điều khó khăn. Do đó, một kế hoạch mang tính dài hơi, với nguồn kinh phí thực hiện ổn định dưới sự hỗ trợ của Chính phủ, các tổ chức xã hội là điều hết sức cần thiết.

Ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội, chỉ ra trong 5 năm qua tình hình trẻ nữ bị xâm hại tình dục nhiều hơn số trẻ nam và có xu hướng tăng mạnh trong xã hội. Tội phạm xâm hại trẻ em có tính chất ngày càng nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, độ tuổi trẻ em trong các vụ xâm hại có xu hướng ngày càng nhỏ... Tuy nhiên, con số này có thể chưa hoàn toàn phản ánh thực tế do văn hóa im lặng và khả năng nhận thức của trẻ về các vấn đề xâm hại.

Trẻ em cần có môi trường sống lành mạnh, an toàn, không bạo lực, không bị xâm hại

shutterstock

Ông Nhựt kiến nghị: “Cần tham mưu chính sách để bố trí cán bộ làm công tác tư vấn tâm lý tại các trường học, nghiên cứu đề xuất Bộ GD-ĐT xây dựng chương trình giáo dục cho học sinh chuyên biệt nhằm thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Cũng như cần nghiên cứu bổ sung quy định bắt buộc lắp đặt camera giám sát tại các cơ sở giáo dục, các trung tâm và các cơ sở bảo trợ xã hội”.

Trước ý kiến đề xuất trên, ông Phạm Đăng Khoa, Trưởng phòng GD-ĐT Q.3, bày tỏ: “Tôi hoàn toàn nhất trí với việc đặt camera ở khuôn viên trường học để đảm bảo an toàn cho trẻ. Tuy nhiên, chúng tôi không tán thành việc gắn camera trong từng lớp học vì ảnh hưởng đến tâm lý của thầy cô khi đứng lớp”.

Ông Khoa cũng đề cập đến vấn đề giáo viên tư vấn tâm lý tại các trường. Theo ông Khoa, giai đoạn hiện nay học sinh gặp nhiều áp lực trong cuộc sống, đặc biệt sau đại dịch Covid-19, trẻ rất cần sự hỗ trợ về tâm lý để vượt qua sang chấn tâm lý.

“Cuộc sống ngày càng khó khăn, áp lực học tập nên rất cần giáo viên tư vấn tâm lý chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản để chăm sóc sức khỏe tinh thần tại trường, chứ không chỉ dựa vào giáo viên chủ nhiệm hoặc giáo viên bộ môn phụ trách”, ông Khoa nói…

Có pháp luật, có tiền… nhưng thiếu nhân lực

Về các yếu tố tác động đến hệ thống bảo vệ trẻ em TP.HCM hiện nay, ông Minh Nhựt cho rằng thực tế bộ máy nhân sự làm công tác trẻ em tại TP.HCM được bố trí ở cả 3 cấp, tuy nhiên nhân sự ở cấp cơ sở không ổn định và kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực. Trong khi trọng tâm của hệ thống bảo vệ trẻ em được xác định ở cơ sở, sự biến động nhân sự ở cấp này quá lớn sẽ dẫn đến tình trạng hệ thống bảo vệ trẻ em của thành phố hoạt động không ổn định. Do vậy, công tác bảo vệ trẻ em ở cấp cơ sở sẽ không đảm bảo tính thường xuyên và liên tục.

Trong phần phát biểu của mình, bà Lương Thị Thuận, Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em TP.HCM, cũng nhấn mạnh về vấn đề nhân sự. Bà Thuận nói: “Công tác tổ chức nhân sự về bảo vệ trẻ em ở cấp cơ sở rất mỏng. Thực tế, khi triển khai công tác bảo vệ trẻ em xuống cơ sở thì chỉ có rất ít người ở phường, xã để làm. Có những người kiêm nhiệm 2-3 chức danh, có những nơi bố trí chưa kịp người, hoặc bố trí cho có. Cần tạo điều kiện để thực hiện cho đủ, cho đúng người và nên có sự ổn định nhất định ở vị trí công tác này. Thành phố cần có những chỉ đạo, quan tâm ở khâu tổ chức nhân sự”.

Trước vấn đề về nhân sự thực hiện công tác bảo vệ trẻ em được các đại biểu đề cập đến rất nhiều, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và xã hội), cho rằng cần quan tâm đến vấn đề nguồn lực, con người để thực hiện quản lý nhà nước về quyền trẻ em, nguồn lực con người về bảo vệ trẻ em ở các cấp.

“Suy cho cùng thì khi chúng ta có pháp luật chính sách tương đối hoàn thiện, có nguồn ngân sách để đầu tư nhưng nếu thiếu con người, thiếu nhân lực có năng lực về chuyên môn, thiếu nhân sự, không đảm bảo thời gian để làm việc do phải kiêm nhiệm nhiều việc, thì toàn bộ các chính sách của chúng ta, đặc biệt những chính sách phúc lợi xã hội, có nguy cơ khó được thực hiện trong cuộc sống”, ông Nam nhấn mạnh và mong muốn các cơ quan tham mưu, đặc biệt là UBND, Sở Lao động - Thương binh và xã hội TP.HCM, tham mưu HĐND để có những giải pháp phù hợp với tinh thần và các quy định của luật Trẻ em để đảm bảo nguồn nhân lực, đặc biệt là ở cấp xã, vì vai trò bảo vệ trẻ em ở cấp xã rất quan trọng.

Bà Nguyễn Thị Lệ, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM, đề nghị Ban Văn hóa và xã hội ngay sau hội thảo phải phối hợp chặt chẽ các đơn vị để kịp thời ghi nhận đầy đủ ý kiến phát biểu và có báo cáo cụ thể với thường trực HĐND thành phố trong thời gian sớm nhất.

“Các cấp ủy Đảng, mỗi tổ chức, mỗi người, cả cộng đồng, bằng việc làm cụ thể, thiết thực, hãy chung tay góp sức phấn đấu thực hiện vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em. Tạo mọi điều kiện để trẻ em có môi trường sống lành mạnh, an toàn, không bạo lực, không bị xâm hại, nhằm tạo ra thế hệ tương lai của đất nước đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới”, bà Lệ gửi gắm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.