Nhận diện loại sâm bị 'phù phép' thành sâm Ngọc Linh để lừa người tiêu dùng

12/04/2023 17:04 GMT+7

Nhiều loại sâm tự nhiên, sâm trồng công nghiệp đang bị các đối tượng "phù phép", "hô biến" thành sâm Ngọc Linh để lừa người tiêu dùng mua với giá cao ngất ngưởng.

Ngày 12.4, tại Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) đã mở cửa, giới thiệu phòng trưng bày về chủ đề: "Nhận diện đúng sâm Ngọc Linh trên thị trường", tại số 62 Tràng Tiền (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Nhận diện loại sâm dễ bị 'phù phép' thành sâm Ngọc Linh lừa người tiêu dùng - Ảnh 1.

Một củ sâm Ngọc Linh tự nhiên hàng chục năm tuổi được vận chuyển bằng máy bay từ Kon Tum ra Hà Nội để giới thiệu với người tiêu dùng thủ đô

PHAN HẬU

Đây lần đầu tiên sâm Ngọc Linh được Tổng cục Quản lý thị trường giới thiệu tại Hà Nội nhằm giúp người tiêu dùng, khách tham quan nhận diện, phân biệt sâm Ngọc Linh trồng tại tỉnh Kon Tum với một số loại sâm khác.

Vạch trần thủ đoạn đội lốt, giả mạo xuất xứ sâm Ngọc Linh

Diễn ra từ ngày 12 - 18.4, phòng trưng bày giới thiệu đến người tiêu dùng nhóm sản phẩm sâm tươi Ngọc Linh và sản phẩm được chiết suất từ sâm và một số loại sâm củ tươi khác, để phân biệt với sâm Ngọc Linh của Kon Tum.

Nhận diện loại sâm dễ bị 'phù phép' thành sâm Ngọc Linh lừa người tiêu dùng - Ảnh 2.

Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND H.Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum), trực tiếp giới thiệu kỹ năng nhận diện sâm Ngọc Linh với các loại sâm tự nhiên khác

PHAN HẬU

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, cho rằng sâm Ngọc Linh được coi là vị thuốc quý đứng đầu trong các loại thuốc quý đông y, là cây dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu hút nhiều cá nhân, doanh nghiệp đầu tư. Nhưng với người tiêu dùng, không phải ai cũng biết chính xác loại cây này được trồng ở các địa phương nào, nguồn gốc xuất xứ ra sao, đâu mới là sản phẩm chất lượng.

Theo đó, sự kiện này giúp người tiêu dùng tìm hiểu được kiến thức, kỹ năng lựa chọn mua sâm Ngọc Linh và các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; giới thiệu địa chỉ uy tín, chính hãng trong việc kinh doanh, phân phối sản phẩm từ sâm Ngọc Linh, để người tiêu dùng phòng tránh, không mua phải hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

"Phù phép" tam thất thành sâm Ngọc Linh

Theo ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND H.Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum), nhận ra giá trị to lớn và nguồn lợi mang lại trực tiếp từ cây sâm Ngọc Linh, bà con trên các triền núi cao không còn khai thác rừng bừa bãi.

Diện tích sâm Ngọc Linh không ngừng được mở rộng. Chính phủ công nhận sâm Ngọc Linh là sản phẩm quốc gia và rất nhiều doanh nghiệp tại Kon Tum đã đầu tư mạnh vào ngành sâm, tạo ra một "bức tranh" sôi động về lĩnh vực dược liệu. Hiện tại, Kon Tum đã quy hoạch gần 32.000 ha vùng trồng sâm Ngọc Linh.

Nhận diện loại sâm dễ bị 'phù phép' thành sâm Ngọc Linh lừa người tiêu dùng - Ảnh 3.

Cận cảnh tam thất rừng - loại thảo dược đang bị các đối tượng gắn nhãn mác thành sâm Ngọc Linh để lừa người tiêu dùng

PHAN HẬU

Cũng theo ông Mạnh, sâm Ngọc Linh đang đối diện với áp lực từ nạn sâm giả; tình trạng giả mạo, trà trộn các giống sâm ngoại lai từ nơi khác để gắn mác thương hiệu sâm Ngọc Linh. Ngay tại "thủ phủ" trồng sâm Ngọc Linh, lực lượng chức năng vẫn thường xuyên kiểm tra, phát hiện nhiều vụ việc vi phạm sâm Ngọc Linh giả mạo xuất xứ.

Trực tiếp quản lý địa bàn có vùng trồng sâm Ngọc Linh, ông Ngụy Đình Phúc, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum), cho biết thời gian qua đã phát hiện rất nhiều loại sâm tự nhiên khác bị "phù phép", "hô biến" thành sâm Ngọc Linh giả mạo xuất xứ để lừa người tiêu dùng mua với giá cao.

Trong đó, nhiều loại cây như tam thất bắc, tam thất rừng tự nhiên… có hoa, lá khá giống với sâm Ngọc Linh, được các đối tượng sử dụng cả hoa, lá, củ… "phù phép" thành sâm Ngọc Linh. Bên cạnh đó, các đối tượng này còn tìm mọi cách vận chuyển tam thất vào vùng trồng sâm Ngọc Linh để trà trộn, gắn mác thành sâm Ngọc Linh.

Nhận diện loại sâm dễ bị 'phù phép' thành sâm Ngọc Linh lừa người tiêu dùng - Ảnh 4.

Ông Ngụy Đình Phúc giới thiệu loại rượu ngâm củ tam thất nhưng được gắn mắc, rao bán là rượu sâm Ngọc Linh K5 Kon Tum bị cơ quan chức năng bắt giữ tại Q.7 (TP.HCM)

PHAN HẬU

"Lá sâm Ngọc Linh trên thị trường giá từ 10 - 12 triệu đồng/kg, trong khi lá tam thất chỉ có hơn 400.000 đồng/kg nên nhiều đối tượng tìm mọi cách vận chuyển lá tâm thất vào vùng trồng sâm Ngọc Linh đã được công nhận để trà trộn, giả mạo", ông Phúc nói.

Cũng theo ông Phúc, trước đó đầu tháng 3.2021, Đội Quản lý thị trường số 2 phối hợp với Công an H.Đăk Tô (tỉnh Kon Tum) mật phục, vây bắt vụ vận chuyển các loại củ giống với sâm Ngọc Linh Kon Tum được ngụy trang trong thùng hoa phong lan.

Qua kiểm tra, cơ quan chức năng thu giữ 3 thùng xốp có 2 kg củ và 12 kg lá rất giống sâm Ngọc Linh Kon Tum. Qua khai thác, các đối tượng khai nhận toàn bộ số hàng đều là củ tam thất, vận chuyển từ phía bắc đưa vào H.Đăk Tô để làm giả mạo nguồn gốc sâm Ngọc Linh.

Nhận diện loại sâm dễ bị 'phù phép' thành sâm Ngọc Linh lừa người tiêu dùng - Ảnh 5.

Bình rượu sâm đã được định giá 200 triệu đồng được giới thiệu tại không gian trưng bày của Tổng cục Quản lý thị trường

PHAN HẬU

Trong tháng 7.2022, Đội Quản lý thị trường số 2 đã bắt giữ 7 thùng với 112 chai rượu "lá sâm Ngọc Linh" tại TT.Đăk Tô (H.Đăk Tô). Số rượu này được sản xuất ở tỉnh Quảng Nam, có sử dụng hình ảnh logo vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ của rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum K5, là nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ.

Theo ông Trần Hữu Linh, không chỉ có Cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum, Tổng cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo, tới đây lực lượng quản lý thị trường ở nhiều địa phương khác sẽ tăng cường nắm thông tin về địa điểm kinh doanh sản phẩm sâm Ngọc Linh (hạt, cây giống, củ, lá, các sản phẩm chiết xuất) có nghi vấn gian lận thương mại, gian lận tem chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh", để kịp thời phát hiện, xử lý theo quy định của pháp luật, góp phần bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh.

Chuyển động kinh tế ngày 13.4: Kỳ vọng bất động sản phục hồi ở quý 2 | Bitcoin phá mốc 30.000 USD

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.