Nhàn đàm: Những cuốn sách cũ gửi trao...

21/03/2021 06:47 GMT+7

Một người sếp cũ của tôi nhắn hỏi xin những cuốn sách mà chúng tôi không đọc nữa để mang đi tặng từ thiện trong chuyến lên vùng sâu vùng xa.

Vừa soạn lại tủ sách của mình, tôi vừa chạnh nhớ ngày xưa, khi còn nhỏ, một mẩu giấy có chữ in cũng mang đến niềm vui, sự thú vị tuyệt vời thế nào.
Với những đứa trẻ 7X chúng tôi ngày ấy, sách báo, văn hóa phẩm luôn là món quà quý báu, dù cơm chưa đủ no, áo chưa đủ ấm. Chúng tôi thường chuyền tay nhau một tờ báo, một cuốn sách, cuốn truyện để đọc như chuyền cho nhau một vật làm thân, trao nhau một tâm tình. Phải thân thiết quý mến nhau mới cho mượn sách; ngược lại, cho mượn sách truyện để được sẻ chia, được cùng thưởng thức, bàn luận, hay đơn giản là không thể đọc một mình, tận hưởng một mình những thú vị của Hai vạn dặm dưới biển (Jules Verne), mộng mơ một mình về kết thúc có hậu của Cánh buồm đỏ thắm (Aleksandr Grin); hay một mình “lang thang” cùng bao câu chuyện cảm động trong Tuổi thơ dữ dội (Phùng Quán), Đất rừng phương Nam (Đoàn Giỏi)... Thời đó khó khăn, sách truyện không nhiều, chúng tôi đọc ngốn ngấu tất cả các thể loại có được trong tay: thơ, truyện thiếu nhi, truyện cổ tích, tiểu thuyết kinh điển, văn học trong nước, nước ngoài… Tôi còn nhớ, sang chơi nhà bạn, hễ thấy bạn cầm trong tay cuốn sách gì là sà vào hỏi han, mượn đọc bằng được. Có tiền mừng tuổi, tiền tiết kiệm để dành được cũng chạy ra hiệu sách. Đứa trẻ là tôi hay dí mũi vào tủ kính, ngắm những bìa sách với con mắt thèm thuồng, ước ao khi nào có tiền mình sẽ ra mua nó. Và không ít lần, lúc dành dụm đủ tiền, ra tới nơi thì cuốn sách chẳng còn trên kệ, nỗi tiếc thèm vẫn y nguyên… Những gì chưa được đọc, đối với tôi, vẫn là bầu trời mênh mông xa rộng.
Tôi nhớ như in hình ảnh thầy giáo dạy văn của tôi hồi lớp bảy. Thầy thuộc lòng toàn bộ cuốn tiểu thuyết Sợi chỉ mỏng manh của Yakov Naumov, Aleksandr Yakovlev. Mỗi cuối buổi học, thầy thường nán lại kể cho chúng tôi nghe câu chuyện hồi hộp, kịch tính về thiếu tá KGB Andrey Mironov. Trí nhớ của thầy tuyệt vời đến độ, thầy không những thuộc hết các chi tiết lắt léo tình báo, mà ngày hôm sau còn nối ngay tiếp câu chuyện kể dở hôm trước, không phải hỏi chúng tôi rằng thầy đã kể đến đâu… Chúng tôi như uống từng lời của thầy, xuýt xoa, trầm trồ, thót tim ngóng đợi “cuốn sách sống” là thầy. Không đứa nào, dù lười học đến đâu, lại muốn bỏ qua buổi học của thầy, để được nghe kể chuyện… Kỷ niệm ấy cho tôi hiểu về nỗi khát truyện, khát sách một thời lớn biết dường nào.
Tôi nghĩ rằng, trong thời hiện đại này, khi các phương tiện giải trí trên mạng internet không thiếu, khi người lớn có quyền lựa chọn cách giải trí, chọn cuốn sách mình yêu thích, thì cũng đừng quên rằng những tâm hồn trẻ thơ vẫn khát khao đọc sách, nếu ta dành sách cho các em, chứ không phải thả chúng vào thế giới mạng. Khi đọc sách, các em được tiếp nhận những điều bổ ích, lý thú; được tưởng tượng, khơi gợi cảm xúc, tư duy sâu sắc hơn; và được tương tác bằng chính tâm hồn, trí tuệ của mình. Với trẻ nông thôn, vùng sâu vùng xa, một cuốn sách hẳn vẫn là món quà quý báu giống như chúng tôi thuở nào. Cuốn sách chúng ta đã đọc, đã xúc động, đã làm giàu có cho khối óc và trái tim của mình, tìm thấy niềm cảm hứng để sống lạc quan, yêu đời, thì khi vào tay những đứa trẻ xa xôi kia, hẳn cũng sẽ sáng lên lấp lánh như những ngôi sao.
Tôi cầm cuốn sách Cuộc sống không giới hạn - câu chuyện diệu kỳ của chàng trai đặc biệt nhất hành tinh Nick Vujicic đặt vào thùng giấy gửi đi, chợt mỉm cười nghĩ, biết đâu, có một bạn nhỏ sẽ đọc cuốn sách này, và nỗ lực vươn lên, để sau này em sẽ viết rằng “động lực của tôi là từ cuốn sách cũ ngày ấy được gửi trao”…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.