Nhàn đàm: Ngày xưa có những lũy tre…

19/03/2023 08:26 GMT+7

Có lẽ cho đến bây giờ, hình ảnh những lũy tre xanh mướt xôn xao dưới nắng hè và âm thanh của những cây tre đón gió cựa vào nhau kẽo kẹt chỉ còn là những dư vị nhẹ nhàng vấn vương trong tiềm thức của tôi. Cũng bởi bây giờ, làng tôi đâu còn những lũy tre như ngày xưa.


Hôm trước có dịp về quê, buổi sáng rủ cháu đi dạo một vòng quanh làng vừa tập thể dục, vừa để nhìn ngắm ngôi làng nhỏ của mình sau những tháng ngày bận rộn không về quê, mà có về cũng trong tất bật, hối hả. Thấy nhà nào cũng tường rào bê tông kín mít, cổng sắt, cổng gỗ đẹp nguy nga. Tôi cố đi hết làng để tìm một lũy tre nhưng không thấy. Nghe cháu nói, làng mình giờ không còn tre nữa, bởi nông thôn mới nên người ta bê tông hóa hết rồi. Chợt thấy trong lòng có chút chênh chao, cảm giác hụt hẫng như vừa đánh mất một thứ gì thân thuộc.

Làng tôi nhỏ, nằm thắt thẻo bên bờ sông Nhật Lệ, phía trước là cánh đồng rộng ngút ngát, xa xa là dãy Trường Sơn nằm ưỡn mình sau những màn mây bàng bạc. Làng tôi có rất nhiều những rặng tre, mọc trải dài bao quanh làng và men theo các con đường nhỏ. Với địa thế ở gần sông, trước đồng, từ xa xưa, những rặng tre đã làm nhiệm vụ bao bọc, che chắn cho làng trước gió mưa, sạt lở. Độ tháng chín, tháng mười, miền Trung lại vào mùa mưa bão, dải đất dài mà nhỏ hẹp này cứ mỗi năm một bận oằn mình hứng chịu những giận dữ của đất trời. Làng tôi cũng không phải ngoại lệ, đầu mùa là những cơn bão liên tiếp, rồi những đợt mưa không ngớt, nước sông dâng nhanh tràn qua bờ đê mà ùa vào cánh đồng, ùa vào làng trong chớp mắt. Nhưng dân làng vẫn cứ yên bụng, vì làng còn có những rặng tre! Những rặng tre vốn dĩ mảnh mai, xao xác ấy, mọc thành từng lớp dày và dài như thành, như lũy ngăn gió giật, sóng xô. Không như những loại cây khác trong vườn, dễ gãy, dễ bật gốc khi gặp bão, riêng tre cứ tảo tần, vần vũ trước gió mưa mà chẳng cây nào gãy. Có chăng chỉ là tre cong cong sà xuống vườn, sà xuống đường làng trong dáng hình chịu thương, chịu khó. Sau mỗi đợt mưa bão ấy, biết bao nhiêu rều rác, tàn dư của nước lụt, tre âm thầm giữ lấy nơi gốc cây xù xì gai góc. Thầm cảm ơn cây đã bền bỉ, kiên gan bao bọc cho làng được bình yên trong những ngày bão nổi.

Tre hiện diện trong mọi mặt cuộc sống của người làng. Tre được dùng làm tăm, đũa, rổ rá, rế. Những thứ được làm bằng tre thường rất bền. Sau khi đan lát xong đem hong khói trên bếp củi cho đến khi ngả màu cánh gián thì dùng mãi, không hề hư hay mốc. Người làng buộc hành tỏi, bó rau, bó mạ bằng lạt tre, bền mà chắc. Tôi còn nhớ như in hình ảnh cứ mỗi lần chuẩn bị vào vụ cấy, ba lại ra rặng tre nơi bờ rào, chọn một cây tre già, đem vào chặt một đoạn tra cán cuốc, một đoạn thì chẻ nhỏ tước thành sợi lạt mỏng, hong trên bếp củi để mẹ đem ra đồng bó mạ. Vạt giường mà làm bằng tre nằm rất êm lưng, làng tôi hầu như nhà nào cũng làm giường bằng vạt tre…

Tuổi thơ của tôi lớn lên ở làng, luôn có hình bóng của cây tre. Đó là con đường làng rợp bóng rặng tre những ngày tôi đi học, những sớm mai vạch gốc tre hái măng, rồi những trưa hè không ngủ, chui qua bờ rào í ới gọi nhau tụ tập chơi bao nhiêu trò dưới bóng tre... Tôi vẫn thấy ngậm ngùi tiếc nuối những lũy tre, một loài cây vốn được coi như hồn cốt của làng quê. Những lũy tre xanh mướt mãi là hình ảnh quen thuộc, là nơi nuôi dưỡng biết bao tâm hồn trẻ thơ chúng tôi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.