Nhàn đàm: Mình

05/12/2021 06:58 GMT+7

Ngôn ngữ luôn luôn là một điều kỳ diệu, không chỉ vì nó là phương thức giao tiếp mà chỉ con người được sở hữu, mà còn bởi, khác với trăm nghìn thứ công cụ vô tri khác, trong ngôn ngữ hiện diện cả xúc cảm.

Và cảm xúc, lại là điều kỳ diệu hơn bất kỳ thứ gì. Hỉ, nộ, ái, ố, thất tình lục dục đều chỉ là một mường tượng mơ hồ về dáng hình của cảm xúc, mà trên thực tế, mỗi một giây trôi đi, mỗi một khoảnh khắc trượt qua đôi mắt và con người ta, lại có trăm nỗi niềm không tên cùng xuất hiện, cái thì tha thiết, cái thì lặng câm. Chúng ta tạm khái quát nó bằng những “vui” “buồn”, mà dường như thường là gọi tên nét mặt hơn. Đôi khi nỗi buồn được che giấu bằng một niềm vui giả tạo, như một nụ cười mà nét cười không rơi vào đáy mắt. Song thật khó để giấu những điều ta muốn thể hiện bằng lời nói, vì ngôn ngữ không chỉ là từ hay câu, mà còn là hành động, ngữ điệu, và nhiều hơn thế. Ta biết người mình thương ổn hay không ổn, đôi khi chỉ bằng hai chữ “không sao” nhẹ bẫng.

Gần như mỗi dân tộc sử dụng một ngôn ngữ khác nhau, và chúng đều có những từ rất đẹp. Song trong tiếng Việt, tôi thích vô cùng ba chữ sau: “thương”, “về”, và “mình”. Ba từ này được sử dụng rất nhiều trong những câu chuyện của đời sống, thường đẫm yêu thương, tràn ngập ấm áp và được dùng trong vô thức. Có nhiều điều để nói về ba từ này, nhưng tôi muốn nhấn mạnh chữ “mình”.

Mình.

Một từ đơn giản, kèm một dấu chấm. Có thể gọi người, cũng có thể gọi chính bản thân. Có thể gọi số ít, cũng có thể là số nhiều. Tuy nhiên dù gọi gì đi nữa, thì cũng là sự thân mật. Sự thân mật ấy của gia đình: “nhà mình”, sự thân mật ấy của lứa đôi: “mình ơi”, sự thân mật ấy của cả chính ta với ta, khi ta giới thiệu ta với người khác: “Xin chào, mình là…”.

Mỗi khi ai đó nói với tôi chữ “mình”, tôi cảm nhận được tình cảm gần gũi hơn cả chữ “yêu”. Thường phải thân thuộc gắn bó lắm, người ta mới quy những điều riêng biệt cá nhân lại thành một điều gì đó chung, ở trong một từ đơn giản đó có cả sự gắn kết và cam kết về tương lai, có cả tình thương chân thành của hiện tại. Người có thể dùng chữ “mình” với tôi, như “chúng mình” chẳng hạn, phải là người khiến trái tim tôi muốn quấn quýt và đôi chân tôi muốn bước trở về. Chữ “mình” càng quan trọng hơn khi xã hội đã bước ra khỏi “vòng chữ ta” mà đắm mình vào chữ “tôi”, khi cá nhân thường là thứ nổi bật hơn tập thể, khi ai cũng hoang mang lạc lõng trong cơn hoang hoải đi tìm cho mình một căn cước.

“Mình” là sự thuộc về.

Hàn Quốc, có một đặc trưng văn hóa mà người ta thường gọi là văn hóa Uri. Uri có nghĩa là chúng ta, mà tôi thường dịch là chúng mình, vì nghe nó dịu dàng hơn và thân thương hơn. Đó cũng là một trong hai từ tôi thích nhất của tiếng Hàn. Tất cả mọi thứ đều có thể dùng từ “chúng mình”. Uri nara (nước chúng mình), uri omma (mẹ chúng mình), uri chip (nhà chúng mình), tất cả đều được phát ra một cách tự nhiên, như thể cả xã hội là một gia đình lớn, sống cùng nhau trong một căn nhà vậy. Tất nhiên văn hóa này cũng có điểm yếu, và chính bản thân người Hàn cũng đang tìm cách để tôn trọng điểm đặc biệt của từng cá nhân hơn, song ở Hàn một thời gian, tôi nhận ra điều đó đã sớm được chạm khắc vào trong tiềm thức của họ. Mà cũng có sao, bởi vì mỗi khi chúng ta nhận ra mình thuộc về một nơi nào đó, mỗi khi chúng ta tìm thấy một bờ bến để neo đậu lại thân tàu đã quá mệt mỏi vì những lần chơ vơ giông bão, thì ta có một thứ để níu lấy, dẫu bản thân đã cô đơn đến đâu.

Chữ “mình”, đẹp đến như vậy đó.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.