Nhàn đàm: Hoa dâng một đóa nhiệm mầu

Trần Thanh Bình
Trần Thanh Bình
19/11/2023 08:30 GMT+7

Thuở đi học sư phạm, ngày của thầy cô trong mắt lứa sinh viên chúng tôi đầy sắc màu lung linh, nhưng vô cùng khốn khó.

Lớp tôi, ngoài tham gia đêm văn nghệ của Khoa Ngữ văn, còn làm báo tường để tri ân những bậc thầy cô giảng viên thuộc vào hàng trưởng thượng, đã góp phần gieo nền tảng cho lớp lớp sinh viên sư phạm tỏa đi khắp mọi miền.

Tôi còn nhớ, năm ấy một anh bạn đồng môn đi bộ đội về, vốn là một nhà thơ, học rất xuất sắc. Ngoài những nhà thơ nhà văn của đất nước mình, anh còn yêu thơ Pháp với Apollinaire, Paul Éluard, Louis Aragon; thơ Chile với Pablo Neruda; thơ Ấn Độ với Rabindranath Tagore… Tầm đầu tháng 11, suy nghĩ một đêm, buổi sáng lên giảng đường, anh hào hứng nói: Lớp mình sẽ làm tờ báo tường đặt tên là Hoa dâng, với ý nghĩa là những đóa hoa dâng lên thầy cô. Hỏi, mới biết anh mượn ý tưởng từ tập Thơ dâng của thi hào Tagore nổi tiếng để đặt cái tựa cho giai phẩm của lớp. Kỷ niệm ấy, bây giờ đúng 40 năm, tôi vẫn còn nhớ như in.

Rồi sau 4 năm, ra trường mỗi đứa một phương. Tôi lên cao nguyên, ở phòng tập thể, dạy trường mái tôn vách ván liêu xiêu. Học trò hầu hết là con em các vùng miền đi kinh tế mới, tụ hội về huyện lỵ nghèo nàn ấy làm nơi sinh sống. Mỗi lớp có vài ba em người dân tộc thiểu số. Khóa đầu tiên lên dạy, trường mới mở nên có hai lớp 10 và 11. Năm ấy có 11 giáo viên, thì có đến 10 thầy là sinh viên mới ra trường của Trường đại học Sư phạm Huế; còn một thầy dạy môn sinh vật, xuất thân từ Trường đại học Sư phạm Quy Nhơn. Tôi từ Huế lên khóa thứ 2, cùng với một thầy giáo dạy môn vật lý, người Quảng Bình. Như vậy là có 13 thầy giáo trẻ độc thân, từ xa xôi lên huyện vùng cao dạy cho các em đến từ khắp nơi: Thái Bình, Quảng Nam, Cao Bằng… Ở phòng tập thể, đêm đêm có một cây đàn guitar, ăn cơm tập thể và chiều chiều có một trái bóng chuyền. Cứ vậy mà gầy dựng trường lớp, đặt nền móng cho một ngôi trường mà sau này khi lên thăm lại, có cả trên ngàn học trò, chưa kể huyện lỵ ấy đã tách thành 3 huyện và đã thành lập thêm 2 ngôi trường lân cận. Tính ra, nếu là đơn vị hành chính huyện cũ, thì có đến hàng ngàn học trò trung học phổ thông ra trường mỗi năm.

Tôi vẫn nhớ, mỗi năm, cứ đến ngày 20.11 là chúng tôi nhận được quà của các em: năm kha khá thì mỗi thầy một tấm vải may áo, còn lại là sản vật tự nhà các em nuôi trồng được như đậu xanh, gà, nếp. Hôm ấy, một thầy giáo dạy môn toán, người Huế, buổi chiều đi đâu về, trên ghi đông xe đạp treo lủng lẳng một bên con gà kêu oang oác, một bên bọc gạo nếp, cười nói: gặp đứa học trò trên đường, nó gửi mấy thầy mừng ngày nhà giáo. Vậy là trong ánh điện nhập nhòe đêm ấy, chúng tôi ngồi lai rai nhắm thịt gà với xôi, tiếng guitar bập bùng giữa chốn rừng xa, hòa điệu tiếng cồng chiêng từ buôn bản nào xa xa vọng lại. Mười giờ đêm là điện cúp, vì thời ấy huyện phải xài mô tơ thủy điện nho nhỏ, chúng tôi lại đốt lửa lên giữa sân nhà tập thể, để hát cho… đã. Mãi đến bây giờ, qua bao năm tháng, vẫn nhớ những đêm rừng như thế!

Năm tháng qua đi, mỗi khi đến những ngày này, tôi lại bồi hồi nhớ những gương mặt thầy cô đã từng dạy mình và những đứa học trò mình đã dạy, bạn bè đồng khóa người còn dạy học, người đã về hưu. Cứ miên man nghĩ, có lẽ chúng tôi là những gạch-nối-trong-quá-khứ. Cũng không quên rằng, có nhiều người không còn hiện hữu, đã ra đi về miền xa hun hút.

Còn lại, vẫn ghi khắc trong lòng đóa hoa năm ấy, một đóa hoa dâng nhiệm mầu luôn tỏa hương từ tâm tưởng! 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.