Nhàn đàm: Gửi anh chị yêu thương của em

08/05/2022 07:30 GMT+7

Bây giờ thì quê tôi Quảng Ngãi , người nông dân cũng đốt đồng sau vụ gặt. Nhưng ngày xưa thì không. Vì bây giờ, nông dân quê tôi cũng sạ lúa chứ không còn cấy lúa như xưa nữa.

Ngày chiến tranh, khi đi vào chiến trường Nam bộ, khi lội qua đồng Tháp Mười, rồi vắt ngang lộ 4, rồi “về chốn Nhị Quý Ba Dừa”, như lời một câu vọng cổ, tôi mới tận mắt thấy những ngọn khói đốt đồng. Tùy độ mênh mông của cánh đồng mà khói lên từng ngọn hay lên từng bửng, khói lương vương ngọn cây hay khói bung từng khối giữa trời xanh vô tận.

Khói đốt đồng trong Nam bộ thường trang trải, vì nhiều khi giữa Tháp Mười, khói lên gió tạt cứ như những bức tường thành bằng khói, cứ như trời xanh trò chuyện với cánh đồng đất đen qua bức tường khói, với mùi cỏ cháy, mùi rơm rạ, mùi cay nồng của mùa khô, mùi báo hiệu những mương rạch nước cạn dần, lộ ra những mà lươn ổ cá. Sao hồi đó, dễ bắt cá làm vậy, dễ kiếm cái ăn làm vậy. Trời cho vùng đất đầy kênh rạch này bao nhiêu nguồn sống, chỉ thò tay là bắt gặp, chỉ lội xuống nước là thấy bữa trưa bữa chiều, chỉ mò trong bùn một lúc là có hẳn một cuộc nhậu hoành tráng.

Bây giờ, những cảnh sống như trong phim Cánh đồng hoang - kịch bản Nguyễn Quang Sáng, đạo diễn Hồng Sến gần như không còn nữa. Không còn chính những gì mà những người trẻ thèm gặp khi phượt trên miệt đồng hoang sơ nhất, mờ ảo nhất, nhiều phông đại cảnh nhất, vừa gặp những gì nhỏ nhít mà lươn ổ cá thơm mùi bùn mùi cỏ.

Với tôi, hai phần thưởng lớn nhất trong tuổi thanh xuân của mình là được đi bộ suốt dãy Trường Sơn trong 4 tháng trời, được băng qua đồng Tháp Mười trong một tháng rưỡi, được bắt cá bằng tay không dưới mương rạch, được đi đò máy trên sông Tiền có thể nhìn thấy những tàu tuần tiễu của đối phương. Chính vì được sống trong thiên nhiên hoang dại mà đời tôi có nhiều bạn. Chính vì những chuyến đi có phần nguy hiểm mà mình cảm nhận được chiến tranh là thế nào…

Chính vì thế mà tôi yêu thương những cuốn sách của nữ nhà thơ Lê Giang, những tâm tình của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ. Bây giờ, từ khoảng cách nghìn cây số, mỗi khi bấm điện thoại may gặp được giọng nói của anh chị Lư Nhất Vũ - Lê Giang, tôi như gặp lại những tháng năm mình sống ở chiến trường Nam bộ, gặp lại mùi khói đốt đồng, mùi mắm kho quẹt, mùi cá lóc nướng trui, mùi vỏ chanh trên những cánh đồng. Đôi vợ chồng già nghệ sĩ này đã bao lần hít thở mùi mắm kho quẹt, đã bao lần đi ngang đi dọc, chạm tay vào bức tường khói đốt đồng, nói những lời âu yếm với bông điên điển, hát cùng sương gió miền Tây Bắc, leo lên cột cờ Lũng Cú để chờ nghe tiếng trống trận Quang Trung. Họ thật sự là cặp vợ chồng hạnh phúc giữa cuộc đời hữu hạn và không ít khó khăn buồn tẻ này.

Hai vợ chồng Lê Giang - Lư Nhất Vũ đã đi qua đúng hai cuộc kháng chiến, vừa hòa bình lại tiễn con lên biên giới, vừa ăn bo bo vừa sáng tác những bài hát còn âm vang tận tới bây giờ.

Hạnh phúc đúng nghĩa, là dâng hiến, là tận hiến.

Chị Lê Giang, hơn 90 tuổi vẫn làm thơ, vẫn viết lời cho nhạc của chồng, vẫn viết những câu chuyện mà “Bỏ qua rất uổng”. Vâng, làm sao có thể bỏ qua chính đời mình, những được mất những thăng trầm của chính đời mình. Làm sao có thể bỏ qua thơ, bỏ qua âm nhạc, bỏ qua hạnh phúc?

Từ khói bếp, chúng ta đã đi ra để gặp khói đốt đồng. Từ nhà mẹ, chúng ta đã đi để vượt qua dãy Trường Sơn. Từ chiến khu sốt rét, chúng ta đã xuống chiến trường để gặp kênh rạch bưng biền và những đàn cá rô cá sặt. Còn mong gì hơn nữa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.