Nhàn đàm: Diệu kỳ mùa đông phương Nam

04/12/2016 05:00 GMT+7

Trời sáng sớm Sài Gòn đã se lạnh rồi. Mỗi ngày ra công viên thấy người đi tập thể dục đã khoác thêm chiếc áo gió, tôi nghe đứa con gái nhỏ nói với mẹ: “Mùa này ở ngoài kia chắc bà lạnh lắm mẹ nhỉ?”. Người mẹ kéo cao cổ áo rồi thủ thỉ kể cho con nghe những ngày ở quê nhà, lạnh buốt ra sao, mùa đông khắc nghiệt thế nào… Cô bé thỉnh thoảng lại bước chân sáo cười giòn tan, má ửng lên đôi chút trong gió sớm.

Ở quê nhà những mùa đông sau này đã bớt cảnh co ro, vì đã có chăn, có nệm. Chẳng bù cho ngày trước, mỗi mùa hè phải đi đào gốc cây sim, cây móc trên đồi về trữ sẵn ở chái tranh. Để rồi trong những đêm đông dài, trong mưa phùn gió bấc, lại lom khom ra đầu hồi nhà lấy gốc cây đun vào bếp lửa, cả nhà quây quần sưởi ấm, bởi rét quá chẳng ai ngủ được. Khổ nhất là đến giờ đi học, trường huyện xa quá lại phải đi bộ. Đành phải rời bếp lửa ấm, nắm thêm chút cơm độn gói trong lá chuối cầm tay để đến trường. Đường đi qua nhiều đồng trống và vài con sông nhỏ. Gió hun hút thổi như xát vào mặt những cơn buốt giá. Vậy mà, đến trường cũng đâu có được ấm lên chút nào. Ngôi trường tôi học nằm ở giữa bãi cát trắng mênh mông. Những lớp học cũ kỹ, những cánh cửa sổ đã long ra treo hờ hững. Gió cứ thế tuồn tuột thổi vào, thốc vào da thịt thầy cô và học trò. Ai ai cũng co lại, để giữ ấm và đôi khi dựa vào nhau cho bớt lạnh. Đến nỗi sau này, có lúc tôi đã ngẫu hứng nhớ lại bằng mấy câu “Gió bạt gió mùa qua lùa cửa sổ. Tái tê dồn một góc, bút run tay!”…
Vậy mà, đó chỉ là những cơn rét ở vùng bán sơn địa miền Trung. Còn những nơi núi cao ở các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An… và nhiều nơi ở vùng núi cao Tây Bắc, những cơn gió lạnh hành hạ nghiệt ngã đến cỡ nào đối với những đứa học trò nhà nghèo, nhiều khi không có một manh áo ấm. Chúng vượt đèo vượt suối đến trường, tìm được đôi cái chữ trong mùa rét mướt này, thì thử hỏi liệu cái chữ ấy, niềm đam mê học tập ấy có còn rung lên trong chúng với sự háo hức hay không? Thử hỏi, những thầy cô giáo ở miệt rừng núi cao vời vợi ấy liệu có chịu nổi những cơn rét để đến bản làng của các cô cậu trò nhỏ động viên chúng trở lại lớp trong mùa đông nghiệt ngã này không?
Mới thấy rằng, một khi nào đó trong cái se lạnh buổi đầu đông, chợt nghe vẳng lại bài hát Gửi nắng cho em của nhạc sĩ Phạm Tuyên, ông đã rất thần tình khi viết rằng “Trời Sài Gòn xanh cao quyến rũ. Thật diệu kỳ là mùa đông phương Nam”. Cái diệu kỳ ấy, là những gì thiên nhiên ban tặng cho con người ở cái xứ có hai mùa mưa nắng, nhưng con người sống trong lòng thiên nhiên tuyệt vời ấy, chắc hẳn không thể quên những cơn gió rét vẫn đang dội về ngoài kia, trên bước chân mòn mỏi của những đứa trẻ thơ còn đói ăn thiếu mặc để cắp sách đến trường.
Tôi vẫn tin người Sài Gòn không quên điều đó, bởi họ là như thế!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.