Nhàn đàm: Chạm vào ký ức

09/02/2020 05:00 GMT+7

Tồn tại song hành và biến ảo, ký ức nhiều khi thật lạ! Chẳng cứ chủ định gì, mà nó vẫn tươi ngời cùng năm tháng, lúc theo tuyến tính thời gian, mà cũng có khi không hẳn thế...

Lần ấy, trong chuyến đi của các nhà khoa học giáo dục sang Đức nghiên cứu xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa phổ thông, ngày nghỉ cuối tuần, các giáo sư có nhã ý sang thăm đất nước Hà Lan. Xe đi trong đêm, cầm lái là một trung niên người Việt. Nghe nói anh em từ Hà Nội sang, anh phấn chấn như gặp người nhà. Thì ra, sinh ra tại ngôi làng Yên Thái nổi tiếng nghề làm giấy thuộc vùng đất cổ Thăng Long, sau khi trở về từ Quảng Trị mùa hè đỏ lửa, anh xuất khẩu lao động sang Đức đầu thập niên 1980, cứ vài năm nhớ bố mẹ, vợ con thì lại về Hà Nội. Giọng anh thật ấm, ăm ắp kỷ niệm ấu thơ với những trò nghịch ngợm bắt ve trèo sấu, rồi nghe còi báo động xuống hầm công sự tránh bom, với tiếng tàu điện leng keng rong ruổi khắp 36 phố phường, những trận đá bóng mê tơi trốn học quên ăn dưới gầm cầu Long Biên... Mọi người trên xe được dịp trở về một Hà Nội thời bao cấp bộn bề gian khó, tem phiếu sổ gạo xếp hàng... rưng rưng trong lời kể bồi hồi, chan chứa nhớ nhung và tình yêu mộc mạc của anh. Một ký ức nao lòng về Hà Nội trải dọc 5 tiếng đồng hồ, với gần 600 km, xuyên Berlin sang Magdeburg, Hannover rồi Dortmund, qua biên giới vào thủ đô Amsterdam lúc nào không biết...
Ký ức là gì nhỉ? Là khoảng trời riêng của mỗi người đã được định hình, giống như bao diêm lúc nào cũng có thể bùng cháy? Phải vì thế mà giáp Tết Canh Tý, nhà giáo Nguyễn Tấn Huy bất ngờ xuất hiện ở Hà Nội với nụ cười tươi rói, rằng "tháp tùng" nhà thơ Thanh Thảo, cũng chẳng vì hội hè gì đặc biệt. Các anh là bạn bầu một thời áo lính nhớ nhau vẫn thường tụ lại - khi thì tại nhà anh ở Quảng Ngãi, khi là tư gia của nhà văn Nguyễn Đình Chính - nơi tổ chức đám cưới của anh, đôi khi lại là một quán cà phê vắng khách trên đường Điện Biên Phủ, nhưng thường xuyên nhất vẫn là căn gác nhỏ tầng 2, nhà số 8 phố Tràng Tiền - nơi ở của gia đình dịch giả Nguyễn Trung Đức - người bạn thân thiết nhất của anh, mặc dù dịch giả đã đi xa cả chục năm rồi. Tìm về ký ức, những người bạn chí cốt thuở nào chỉ kịp bên nhau bữa cơm đạm bạc, đơn sơ mà ấm áp, dường như được ngồi bên nhau, được nghe tiếng cười nói của nhau cho đỡ nhớ là thỏa nguyện lắm rồi!
Hôm nay sẽ là ký ức của ngày mai? Phải vì thế khi nghe mình muốn mấy hôm nữa trời ấm lên sẽ trở lại núi rừng Tây Bắc - thì cậu em đồng nghiệp Hà Công Thái cứ muốn đi cùng vì nhớ miền đất ấy, nơi cách đây vài tháng, khi thì Thái quyên áo ấm cho học sinh mầm non ở Lai Châu, khi đem sách giáo khoa, vở viết, quần áo cho học sinh Hà Giang, gần đây nhất là gánh quà tết tặng bà con ở Bắc Kạn. Thì ra, nhắc đến vùng cao là chạm vào "kênh", vào "tần số" ký ức của chàng trai có trái tim nhân hậu, luôn mong ước có những chuyến thiện nguyện đến với trẻ em vùng còn khó khăn, thiếu thốn ấy.
Ký ức là gì - nếu đó không phải là những chiều kích, biên độ phong phú của đời sống tâm hồn, làm cho cuộc sống của con người thực sự là một hành trình mang nghĩa?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.