Nhàn đàm: Cái duyên chị Bốn

12/02/2023 08:30 GMT+7

Lớp người trên dưới 60 tuổi, quê Quảng Ngãi, hẳn thuộc hoặc từng nghe bài ca dao này: "Tiếng đồn chị Bốn có duyên/ Anh Bốn đi cưới một thiên cá mòi/ Hổng tin giở quả ra coi/ Mít non ở dưới cá mòi ở trên".

Ca dao Quảng Ngãi có cái mô típ "chị Bốn" hoặc "cô Bốn", hai câu ca dao trên không đề cập đến tên chị là gì nhưng chắc là thứ 4 nên gọi chị Bốn. Tác giả khuyết danh cũng không đặc tả dung nhan chị Bốn mà chỉ đề cập đến cái "duyên" thôi. Có thể duyên ở đây là duyên số (lấy được anh Bốn chẳng hạn), cũng có thể là cái duyên mặn mòi (chỉ một dạng của nhan sắc). Nhưng "giá trị" của cái duyên chị Bốn thì… không phải dạng vừa đâu, những "một thiên cá mòi" kia đấy.

Không biết ở những nơi khác thế nào chứ ở huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) quê tôi, đơn vị "thiên" không phải là một ngàn mà là một trăm. Mẹ tôi hay nói đến "thiên lúa", ví dụ "mùa rồi thu được hai thiên", nghĩa là 200 ang lúa, bằng một ngàn ký (một ang = 5 ký). Khoảng 50 năm về trước, đồ sính lễ mà nhà trai mang đến nhà gái trong ngày cưới hầu như không có nhẫn vàng khuyên bạc (trừ những gia đình giàu có) mà là những vật phẩm có giá trị. Đồ sính lễ giá trị nhất mà anh Bốn mang tặng họ nhà gái trong bài ca dao này là "một thiên cá mòi" (100 con). Nói nó giá trị nhất là bởi vì có người "đồn". Giá trị của vật phẩm như thế nào thì mới có tiếng đồn chứ đồ sính lễ chỉ là vài chục con cá thì ai đồn làm gì!

Tác giả bài ca dao còn sợ "tiếng đồn" nọ sẽ làm nhiều người không tin, bèn dấn thêm một bước nữa: "Hổng tin giở quả ra coi/ Mít non ở dưới cá mòi ở trên". Vậy là đã rõ, đồ sính lễ được đựng trong một cái quả, gồm hai thứ là mít non và cá mòi, được sắp xếp theo lớp lang chứ không bỏ lộn xộn. Mít non thì không rõ bao nhiêu trái chứ cá mòi thì đúng một thiên! "Duyên" chị Bốn quê tôi chỉ vậy, có một thiên cá mòi nhưng cũng đủ để cho xóm làng đồn đại!

Qua đây cũng thấy "vị trí" của con cá mòi trong đời sống của người dân thôn quê một thời nó giá trị biết chừng nào. Nó có thể thay nhẫn vàng khuyên bạc, thay cả xe hơi nhà lầu như thời nay chứ chả chơi. Thế mới thấy ông bà mình một thời nghèo khó đến nhường nào! Tôi còn nhớ, cả nhà sáu, bảy miệng ăn nhưng đến bữa, mẹ tôi chỉ "nhón" đúng một con cá mòi, rắc thêm nắm muối, bỏ vào một cái tộ, đợi cơm sôi chắt nước xong mới bỏ vào nồi để chưng. Nước mỡ từ con cá mòi rỉ ra hòa với nắm muối mà mẹ tôi đã bỏ vào tô cũng đủ cho cả nhà qua bữa. Cái duyên của chị Bốn đã đủ cho cả nhà qua một trăm bữa ăn, kể mà thương cho phận người một thuở.

Dễ có đến bốn năm chục năm nay, con cá mòi quê hương đã "bỏ đi" biệt tích. Duyên chị Bốn cùng đồ sính lễ cũng chỉ còn trong trí nhớ của lớp người già. Nhưng mùi thơm ngây ngất của con cá mòi trong chiếc quả đựng đồ sính lễ cũng như khi nó được lấy ra trong nồi cơm vừa chín tới từ tay bà mẹ quê sao cứ đeo đẳng lấy tôi chẳng thể nào rời.

Coi đám cưới chị Bốn theo chồng mà còn vui hơn xem hoa hậu. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.