Nhàn đàm: Áo dài thương quý

08/12/2019 04:00 GMT+7

Từ lúc lên năm tuổi sắp sửa vào lớp một, tôi đã được mẹ may cho chiếc áo dài đầu tiên vào dịp tết năm ấy.

Tôi còn nhớ chiếc áo dài dễ thương với vải mịn màu hồng nhạt điểm những đóa hoa tròn nhỏ màu đậm hơn. Thời ấy, chiếc áo của tôi đã được mẹ “cách tân” may theo kiểu cổ tròn có nhún bèo viền quanh. Thì ra thời nào áo dài cũng được chú ý làm mới, từ việc chuyển đổi những chi tiết của áo. Cổ áo cao từ năm phân bớt xuống còn hai phân. Cổ tròn rồi cổ thuyền, hay cổ hình chữ V. Tay áo từ nối ống tay chuyển sang tay áo raglan. Tà áo khi thì dài quá đầu gối một chút, khi lại dài phết gót chân. Nhưng cũng chẳng có gì làm suy suyển ý nghĩa sự có mặt của áo dài, vì áo dài vẫn là chiếc áo thương quý, nữ giới đã mặc nhiên xem đó là quốc phục của mình.
Tôi đã gắn bó với áo dài suốt những năm đi học. Mỗi khi đi ra đường với chiếc áo dài, bỗng nhiên thấy mình nên có những bước đi vừa phải, nên có dáng điệu chững chạc hơn một chút, hai tà áo quấn quýt bước chân như đã cùng đồng hành, đã chở che cho mình. Thời ấy ở xứ sở miền Trung của tôi, hầu hết phụ nữ khi đi ra khỏi nhà đều mặc áo dài. Áo dài theo bước chân người ra chợ, đi làm công sở, dạy học, khi buôn bán hàng rong, bán hàng ở chợ, ở cửa hàng… Đặc biệt người phụ nữ đi ăn xin cũng mặc áo dài, thường khi áo dài màu sẫm bạc, có nhiều mụn vá ở khuỷu tay, ở vai.
Tự bao giờ nhiều người đã mất đi thói quen mặc áo dài? Thật là một chuyện dài nếu phân tích lý do khách quan lẫn chủ quan. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở mốc điểm khi đất nước đã hết bom đạn, thì thấy mình vẫn là người thương quý áo dài chẳng có gì thay đổi cả.
Khi tôi bắt đầu đi dạy học, có những lần tôi đã bị áp lực khi bị khép vào khung “tiểu tư sản“ vì mặc áo dài đến trường lớp. Rồi dần dần, với biết bao cuộc vận động của nhiều người trong xã hội, trong đời thường, thiện cảm trở về với chiếc áo dài và cũng dần dần mất đi những định kiến không phù hợp dành cho người mặc áo dài trước đây. Bên cạnh sự lựa chọn khác của nữ giới là bộ âu phục, gồm áo sơ mi, quần tây, áo đầm các kiểu dạng, thì việc chọn áo dài trong nhiều trường hợp đã giúp cho áo dài trở lại cuộc sống hằng ngày với vẻ đẹp dịu dàng, hiền hòa, trở thành nguồn cảm hứng cho thi nhạc họa, càng làm nổi bật thêm bản sắc trang phục nền nã lâu đời của người phụ nữ. Hiện nay áo dài vẫn là trang phục chính của nữ sinh Việt Nam trong các trường học.
Song hành với thời gian, áo dài cũng theo sắc thái của từng mùa trong năm mà đi vào ký ức của mỗi đời người. Mùa xuân áo dài tinh khôi trong nắng mới. Mùa hạ áo dài tung bay theo nắng gió nam. Mùa thu nắng trong như hổ phách, áo dài làm dịu dàng cả con đường. Rồi mùa đông nhiều nơi sương mù che phủ cảnh vật, áo dài làm ấm thêm từng bước chân đi. Cũng chính vì thế mà áo dài đã trở nên thân thương, gần gũi hơn và còn ở lại mãi trong tâm thức của mỗi người.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.