Nhận biết các cấp độ nguy hại do không khí ô nhiễm

Liên Châu
Liên Châu
19/01/2024 18:40 GMT+7

Phản ứng viêm quá mức do ô nhiễm không khí có thể gây ra một số bệnh, đặc biệt liên quan đến hệ hô hấp. Cộng đồng nên nhận biết các cấp độ không khí ô nhiễm để ngăn ngừa.

Ô nhiễm không khí gây phản ứng viêm

Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết, chất lượng không khí, mức độ không khí ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe con người được đánh giá bằng chỉ số chất lượng không khí (viết tắt là AQI).

Theo Tổ chức Y tế thế giới, các chất gây ô nhiễm không khí có thể được phát thải trực tiếp vào bầu khí quyển (chất ô nhiễm sơ cấp) hoặc có thể được hình thành trong bầu khí quyển (chất ô nhiễm sơ cấp).

Nhận biết các cấp độ nguy hại do không khí ô nhiễm- Ảnh 1.

Người dân nên đeo khẩu trang đúng quy cách khi ra đường để ngừa tác hại do không khí bị ô nhiễm

ĐINH HUY

Bụi là một trong những chất ô nhiễm phổ biến nhất, có thể là cả chất ô nhiễm sơ cấp và thứ cấp. Bụi là tổng các hạt (lỏng hoặc rắn) lơ lửng trong không khí. Mức độ độc hại của bụi có thể được xếp hạng theo kích thước, với các hạt bụi thô (PM10), hạt bụi mịn (PM2.5) và hạt bụi siêu mịn (PM0.1) có đường kính khí động học lần lượt nhỏ hơn hoặc bằng 10 µm, 2,5 µm và 0,1 µm.

Cơ chế ảnh hưởng sức khỏe của ô nhiễm không khí vẫn đang được nghiên cứu. Tuy nhiên, có 2 cơ chế được thống nhất, bao gồm: phản ứng viêm (inflammation), ứng kích ô xy hóa (oxidative stress) với các độc tố trong các thành phần trong chất ô nhiễm.

Trong đó, phản ứng viêm được đặc trưng bởi một số triệu chứng gồm sưng, nóng, đỏ, đau. Mặc dù là cơ chế bảo vệ nhưng phản ứng viêm quá mức cũng có thể gây ra một số bệnh, đặc biệt liên quan đến hệ hô hấp như viêm phổi hay bệnh tắc nghẽn phổi mạn tính.

Chỉ số AQI được tính theo thang điểm (có 6 khoảng giá trị AQI) tương ứng với biểu tượng và các màu sắc để cảnh báo chất lượng không khí và mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

Chất lượng không khí của các tỉnh, thành phố thường xuyên được cập nhật trên trang thông tin điện tử của Bộ TN-MT (https://cem.gov.vn) và sở TN-MT các tỉnh, thành. Có thể tham khảo 6 cấp độ AQI (trong bảng dưới đây), lưu ý các cấp độ gây ô nhiễm để tăng cường phòng ngừa.

Khoảng giá trị AQI

Chất lượng không khí

Màu sắc

Ảnh hưởng tới sức khỏe con người

0 - 50

Tốt

Xanh

Chất lượng không khí tốt, không ảnh hưởng tới sức khỏe

51 - 100

Trung bình

Vàng

Chất lượng không khí ở mức chấp nhận được. Tuy nhiên, đối với những người nhạy cảm (người cao tuổi, trẻ em, người mắc các bệnh hô hấp, tim mạch…) có thể chịu những tác động nhất định tới sức khỏe

101 - 150

Kém

Da cam

Những người nhạy cảm gặp phải các vấn đề về sức khỏe, những người bình thường ít ảnh hưởng

151 - 200

Xấu

Đỏ

Những người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn

201 - 300

Rất xấu

Tím

Cảnh báo hưởng tới sức khỏe: mọi người bị ảnh hưởng tới sức khỏe nghiêm trọng hơn

301 - 500

Nguy hại

Nâu

Cảnh báo khẩn cấp về sức khỏe: toàn bộ dân số bị ảnh hưởng tới sức khỏe tới mức nghiêm trọng

Đeo khẩu trang đúng cách

Về các biện pháp dự phòng, bảo vệ sức khỏe chung ngăn ngừa ảnh hưởng chất lượng không khí tới sức khỏe, Cục Quản lý môi trường y tế khuyến cáo, người dân nên thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng không khí trên trang thông tin điện tử của Bộ TN-MT, sở TN-MT các tỉnh, thành phố để thực hiện các biện pháp dự phòng, bảo vệ sức khỏe phù hợp.

Khi ra khỏi nhà, thường xuyên đeo khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách; hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, đốt rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp gas.

Với người hút thuốc lá, thuốc lào nên bỏ hẳn hoặc hạn chế hút, không hút thuốc trong nhà. Người không hút thuốc nên tránh xa khói thuốc.

Người mắc các bệnh hô hấp, tim mạch cần tuân thủ và duy trì điều trị theo đơn của bác sĩ chuyên khoa. Nếu có dấu hiệu khó chịu, tăng nặng nên đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để khám và được tư vấn, điều trị.

Người già, người mắc các bệnh hô hấp, tim mạch cần tuân thủ việc khám sức khỏe định kỳ.

Theo Bộ Y tế, khi đeo khẩu trang cần xác định phần trên, dưới của khẩu trang; xác định mặt trong, ngoài theo đường may hoặc mặt đậm hơn ở bên ngoài; đeo và điều chỉnh để khẩu trang che kín mũi, không có khe hở giữa mặt và khẩu trang.

Thay hoặc thải bỏ khẩu trang sau mỗi lần sử dụng hoặc khi bị bẩn, thấm nước. Với khẩu trang được sử dụng nhiều lần, phải giặt theo hướng dẫn của nhà sản xuất sau mỗi lần sử dụng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.