Theo dõi Facebook của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, đồng nghiệp lẫn khán giả hâm mộ âm nhạc anh hẳn sẽ biết được đó là một trong những điều thôi thúc và khiến anh không thể tiếp tục làm “một gã thủy thủ hèn nhát, cố thủ trong cabin một con tàu, mặc cho sóng gió táp vào boong tàu ngoài kia...” như anh chia sẻ.

Và cuộc trò chuyện với tác giả của những Tiếng rao, Ước gì, Bạn tôi, Xích lô, Buổi sáng ở Ciao Cafe, Chuông gió, Vòng tròn, Giấc mơ mùa thu... bắt đầu từ những trăn trở đối với đời sống âm nhạc Việt.

Mạng xã hội được nghệ sĩ sử dụng với nhiều mục đích, từ sức ảnh hưởng của mình. Trang Facebook “đóng băng” từ rất lâu của anh nay “nóng” trở lại. Anh sẽ làm gì ở đây?

Tôi quay lại Facebook trước hết là để truyền cảm hứng, lôi kéo đồng nghiệp cùng làm những điều tốt đẹp. Vì thế tôi sẽ sử dụng Facebook như là nơi hội tụ của những nghệ sĩ khao khát khám phá chân trời mới của âm nhạc VN; nơi giao lưu học hỏi, truyền cảm hứng cho nhau, cùng tạo một miền đất âm nhạc hiện đại, văn minh và tràn đầy năng lượng tích cực. Trong những ngày mới quay lại mạng xã hội, tôi rất vui vì mục đích của mình được nhiều đồng nghiệp, nhất là nhạc sĩ trẻ, hào hứng hưởng ứng (trong đó, có một số bạn trẻ đã - đang bị hoang mang, sáng tác không còn vô tư bởi bị thị hiếu, cơm áo gạo tiền... chi phối).

Để diễn đạt những điều đó, tôi mượn câu chuyện về bài hát Mùa xuân đầu tiên của nhạc sĩ Văn Cao - câu chuyện đã ám ảnh và truyền cảm hứng cho tôi thật mạnh mẽ. Theo đó, Văn Cao đã viết bài hát này từ sự thôi thúc nội tâm của chính ông, và tôi tin chắc rằng ông không quan tâm ai sẽ nghe bài hát của ông, phân khúc khán giả nào sẽ là đối tượng của ông, trào lưu nào đang thịnh hành... - tất cả những băn khoăn mà một nhạc sĩ trẻ thời nay đang bị bủa vây.

Ông viết đơn giản là khi cảm xúc dâng trào! Giữa một rừng các hành khúc của những nhạc sĩ thời đó, điệu valse của bài hát như cánh chim lạc lõng. Rồi không biết bằng cách nào, cánh chim ấy bay theo hành trình những người Việt qua khung trời Nga. Rồi một ngày quay trở về VN hóa thành ca khúc bất hủ.

Khi mà tình người, lòng trắc ẩn là điều gì đó rất xa xỉ của thời nay, Mùa xuân đầu tiên vẫn chưa bao giờ vơi nỗi khao khát muôn thuở:

Vậy nên, khi bạn lạc lõng giữa những trào lưu, đừng sợ hãi! Khi bạn có niềm thôi thúc, hãy viết nó ra. Là nghệ sĩ, đừng làm một vị vua của một vương quốc trong lòng khán giả mà hãy là nhà thiên văn luôn hướng lên bầu trời ngàn sao! Bản chất của người nghệ sĩ là gì? Là đi tìm cái đẹp, cái mới lạ đến cho công chúng, chứ không phải ở yên trên ngôi vị của mình.

Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh với ca sĩ Hà Anh Tuấn

Có vẻ như anh cũng từng rơi vào “nỗi niềm” tương tự, với đĩa Cafe sáng thực hiện cho Hà Anh Tuấn?

Tôi để ý và thấy rằng, có những album mình đặt hết tâm huyết, cảm xúc vào và không quan tâm nhạc này khó hay dễ nghe, thì sẽ có ngày album đó quay lại với khán thính giả. Như điểm rơi vậy, ban đầu có thể chưa gặp nhưng rồi sẽ gặp. Đĩa Cafe sáng của Hà Anh Tuấn đúng là như thế, khi ra mắt nó chưa phải là đĩa ăn khách, nhưng bẵng đi 5, 7 năm sau người ta lại nghe nhiều hơn. Điều đó chứng minh qua thống kê của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN. Có những đĩa, những bài hát viết lâu rồi nhưng về sau mới biết chúng được nghe nhiều ra sao. Do đó, khi sáng tác, cứ đặt hết tâm huyết vào thì trước sau gì khán giả cũng tìm đến, gặp được; vấn đề chỉ là thời gian.

Nhưng không phải ai cũng chờ đợi được, hơn nữa ca sĩ lại càng sốt ruột khi bài hát mình không ăn khách?

Đó cũng là nỗi khổ. Với giới sáng tác như chúng tôi thì có thể thong dong, nhưng ca sĩ thì khác. Tôi hoàn toàn thông cảm cho sự nôn nóng của họ. Họ cần phải có bài hát hay - hợp thị hiếu, bắt trend... càng sớm càng tốt, mà khi chờ lâu không thấy thì họ tự sáng tác.

Nghệ sĩ đa năng cũng là xu hướng phổ biến, anh không nghĩ thế?

Đa năng là rất cần, nhưng dù thể loại nào (rap, hiphop, pop, jazz...) cũng phải đạt tiêu chuẩn của thế giới. Chuẩn này bao gồm các yếu tố: kỹ thuật sáng tác đặc trưng từng thể loại, hòa âm, phối khí, chuẩn về âm thanh... để khi phát hành trên các nền tảng như iTunes, Spotify... không bị tụt hậu. Nhiều tác phẩm được cho là ăn khách hiện nay của nhạc Việt, có lẽ, dưới chuẩn.

Anh nhận xét thế có hơi bi quan quá không?

Không phải chỉ một mình tôi nhận thấy điều đó. Nhiều đồng nghiệp cũng nghe thấy, nhưng lại ngại lên tiếng, rồi dần dà nản, buông xuôi, như tôi đã từng thờ ơ. Có một thực trạng là ít nghệ sĩ chịu dấn thân - mạnh dạn thực hiện những sản phẩm mang tính khám phá, sáng tạo. Nói cách khác, họ ngại làm những gì mới mẻ và cần thời gian để chinh phục, chỉ thích tư duy đi tắt đón đầu.

Thử nghĩ xem, trong khu chợ, hàng chất lượng cao tìm không ra, người đi chợ không có lựa chọn thì lâu ngày họ sẽ quen những sản phẩm chất lượng không cao và mất dần khái niệm về chất lượng.

Nhưng chúng ta cũng có những hiện tượng “ra thế giới”, như Sơn Tùng M-TP chẳng hạn?

Chúng ta có sự ngộ nhận về đẳng cấp thế giới.

Từ ngày có YouTube, khán giả thưởng thức (không phải ai cũng am hiểu hay có trình độ thẩm mỹ cao) bị dẫn dắt bởi một số nghệ sĩ bằng cách căn cứ vào lượng view khủng. Từ đó, cứ nghĩ âm nhạc VN đã tương đương với âm nhạc thế giới rồi, thực ra không phải. Những lượng view khổng lồ ấy chỉ gói gọn trong phạm vi quốc gia.

Công bằng mà nói, Sơn Tùng M-TP đã mang lại sự tươi tắn giữa lúc nhạc Việt toàn những bài hát buồn bã và có dấu hiệu chững lại, tôi ghi nhận nỗ lực của cậu ấy, nhưng đó cũng chỉ là hình ảnh của K-pop. Mình có cảm giác Sơn Tùng đã ra quốc tế rồi, thật ra không phải, tôi nghĩ là chỉ gói gọn ở những nước ảnh hưởng K-pop thôi. Tùng phải thoát khỏi K-pop và phải là chính mình!

Chưa kể, bằng những nỗ lực mời khách mời quốc tế tham gia sản phẩm âm nhạc của mình cũng không nói lên chất lượng của một sản phẩm hay nền âm nhạc.

Vậy đâu mới là yếu tố quyết định chất lượng một nền âm nhạc, thưa anh?

Sự tiến bộ của một nền âm nhạc phải bắt nguồn từ hệ thống các trường đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp song song với giáo dục thẩm mỹ âm nhạc cho người dân.

Như anh nói, lỗ hổng nằm ở giáo dục thẩm mỹ âm nhạc?

Ở ta có một sự lệch pha giữa giáo dục thẩm mỹ âm nhạc cho cộng đồng và giảng dạy ở những trường, trung tâm đào tạo âm nhạc. Ví dụ ở các nhạc viện, đào tạo kinh điển là chính, dù cũng có khoa nhạc nhẹ; trong khi giáo dục thẩm mỹ âm nhạc cho đại chúng lại bất cập.

Nhưng gần đây đã có nhiều trung tâm, học viện đào tạo nhạc nhẹ tư nhân trên cả nước…

Đó là điều đáng mừng, nhưng nếu giáo dục về thẩm mỹ âm nhạc cho công chúng không đồng bộ với đào tạo nghệ thuật ở các trường chuyên nghiệp thì có ý nghĩa không? Những nghệ sĩ được đào tạo ra bị lạc lõng bởi thị hiếu, và lâu ngày vì sự sống còn, vì cơm áo gạo tiền họ phải hạ trình độ biểu diễn xuống cho khớp với dân trí, với thẩm mỹ âm nhạc của số đông, từ đó mới sinh ra một hiện trạng: nghe nhạc cảm thấy đỏ mặt, hát không nghe được nội dung gì và tuổi thọ ca khúc chấm hết khi qua trend… Tất cả những bất cập trên thể hiện ở guồng máy game show - tạo trend - các nhãn hàng quảng cáo. Guồng máy ấy chỉ quan tâm lợi nhuận, còn khói thải của nó, xã hội lãnh đủ. Lâu dần, tâm thức xã hội bị chai lì và không còn sự tinh tế. Thay vì nói thì thầm với nhau, phải hét vào tai người ta mới nghe!

Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh với ca sĩ Khánh Linh

Vậy làm sao để 2 hướng ấy tiệm cận?

Tôi nghĩ điều duy nhất là phải nâng cao giáo dục thẩm mỹ âm nhạc cho người dân chứ không thể nào hạ cái chuẩn của các trường đào tạo chuyên nghiệp xuống được. Vì những trường này phải theo chuẩn của quốc tế.

Cứ cho rằng hệ thống các nhạc viện, các trường đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp của chúng ta đang làm tốt đi. Thế còn mảng giáo dục thẩm mỹ cho công chúng vẫn bỏ mặc thì sao? Điều này giống như bán ô tô sang trong một thị trường thu nhập thấp và hậu mãi kém.

Và điều đáng sợ hơn nếu một xã hội đang mất dần tâm thức nhạy cảm và đôi tai thưởng thức tinh tế, sẽ dẫn đến những thể loại âm nhạc chuyên nghiệp mang tính thẩm mỹ cao, nâng cao tâm hồn người nghe không thể tồn tại.

Phải chi chúng ta cho lũ trẻ nghe một giai điệu Hồ thiên nga tuyệt đẹp của Tchaikovsky, một khúc nhạc chiều của Schubert... hay những bài hát tuyệt đẹp của Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Trần Tiến, Dương Thụ..., những bài dân ca VN đặc sắc... Những điều cần làm này không hề thấy trong sách dạy nhạc các trường phổ thông. Và rồi chúng ta có dạy cho lũ trẻ thế nào là nhạc cổ điển, những kho tàng âm nhạc thế giới, lịch sử phát triển nhạc pop thế giới, ABBA là nhóm nhạc nào không?... Nói cách khác, chúng ta cần có một giáo trình giáo dục âm nhạc phải được soạn thảo mới mẻ, cập nhật hài hòa giữa âm nhạc trong nước và thế giới. Một khi bọn trẻ được tiếp cận một giáo trình âm nhạc tiến bộ như vậy trong nhà trường, bọn trẻ sẽ biết như thế nào là âm nhạc đẹp đẽ và chất lượng; để rồi sau đó, hiển nhiên rằng các nghệ sĩ sẽ thoải mái sáng tạo bay bổng và tự do. Vì họ sáng tạo cho một lớp người nghe tương lai có đôi tai cự phách và đẳng cấp.

Khi nhu cầu thưởng thức được nâng cao, nghệ sĩ phải thật sự nâng niu những sáng tạo của mình để vừa lòng một mặt bằng thẩm mỹ nghe nhạc khó tính của công chúng. Lúc đó, nền âm nhạc chúng ta mới thật sự tiến bộ và sánh ngang thế giới!

Báo Thanh Niên
23.01.2021

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.