Giữa không khí rộn ràng đất trời vào xuân, người nhạc sĩ vốn quá quen thuộc với hàng chục ca khúc nổi tiếng Tôn Thất Lập bồi hồi nhớ về những mùa xuân, về người từng đi qua hay “va” vào đời ông để làm nên các tác phẩm nổi tiếng.

>> DẠ LY

Trong số hàng chục bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ, có một bài mọi người hay nghe và hát vào mùa xuân là Tình ca mùa xuân. Nhiều người thắc mắc những câu:“Gọi tên anh thầm nhớ/Lời ru em dạt dào... Em đứng hát bên trời/Hát tặng anh xuân này...” có phải anh viết về một “bóng hồng” trong cuộc đời mình?

Đúng vậy, tôi viết tặng Liên Hương (vợ nhạc sĩ - NV), giọng ca từng đoạt HCV toàn quốc những năm 1980. Với tôi, trong những năm tháng đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh, tất cả những giọng ca đều là những “bông hồng” rực rỡ, nồng nàn... cho tôi cảm xúc sáng tác. Thời đó sức sống mới của nền âm nhạc VN được phát triển tổng hòa qua một giai đoạn kháng chiến chống xâm lược. Đó là sự phát huy truyền thống dân tộc yêu chuộng hòa bình; đó là sự thấu hóa tài tình của một dân tộc yêu âm nhạc, luôn luôn tiếp thu những trào lưu mới của thế giới rồi lắng đọng lại... Cả một bầu trời xuân rợp tình yêu. Bao nhiêu giọng ca, chỉ nói về nữ thôi, là bấy nhiêu “bông hồng”. Nghĩ lại, nhớ lại, nghe lại, chúng ta luôn choáng ngợp với những giọng ca ngày ấy như: Cẩm Vân, Nhã Phương, Ngọc Bích, Liên Hương, Thu Đông, Thu Hà, Lệ Thu, Thu Cúc, Hoàng Lan, Phương Thảo, Thủy Tiên..., nhiều và nhiều nữa không nhớ hết.

Ngoài Liên Hương, nhạc sĩ có thể hé lộ thêm “bóng hồng” đã cho ông cảm xúc sáng tác? Nghe bài Mưa thì thầm khiến bao trái tim cô gái thổn thức nếu như được một chàng trai hát tặng: “Tình như không nói là tình trăm năm... Em dịu dàng tình anh bão bùng.... Xin yêu em, yêu em một lần... Em đi xa, em đi xa để thương cho nhớ, để sầu cho ai”; hay bài Tình yêu mãi mãi cũng rất tha thiết, thưa ông?

Bài Mưa thì thầm đúng là một kỷ niệm không bao giờ quên trong đời tôi. Đó là lần sang Nhật Bản. Lúc ấy tôi được Bộ Văn hóa cử đi làm giám khảo Liên hoan tác phẩm âm nhạc dân gian các nước châu Á - Thái Bình Dương. Vì muốn giúp đỡ tôi trong thời gian 15 ngày chấm thi nên phía Nhật đã cử một cô thư ký riêng. Cô gái ấy xinh đẹp, thông minh, dịu dàng nhưng cũng có lúc mạnh mẽ. Cô luôn hỏi những câu đào sâu vào bản chất vấn đề, về tự do sáng tác... Cô rất yêu âm nhạc và muốn tìm hiểu nhiều hơn. Thật sự tôi đã có rung động nhất định. Tôi nhớ mãi buổi trưa cuối trước lúc chúng tôi chia tay, trời mưa bong bóng lúc gần, lúc xa cùng với tiếng nhạc dìu dặt. Nhưng tôi lúc đó muốn xác định: “Tình như không nói là tình trăm năm...”. Đó là một trong những “bóng hồng” của đời tôi. Tuy xa nhau nhưng năm nào cô cũng gửi thiệp chúc tết đều đặn cho tôi.

Ông đang nhắc về mùa xuân, về những nỗi nhớ, niềm thương và giờ nhạc sĩ đã đi qua 77 mùa xuân, sắp bước vào mùa xuân thứ 78. Với ông, mùa xuân thời nào để lại nhiều điều nhớ nhung nhất? Có kỷ niệm nào về mùa xuân mà mỗi khi nhớ lại làm ông rưng rưng?

Tôi lớn lên cùng với chiến tranh, do đó tôi thường xa nhà từ nhỏ. Nhiều mùa xuân đã đến và đi cùng tôi, với nhiều dáng vẻ khác nhau. Nhưng tựu trung mùa xuân nào cũng đặc biệt cả. Tôi nhớ nhất là mùa xuân 1968 tại Sài Gòn. Vào những ngày cuối năm, đồng bào Sài Gòn tất bật với sự đi lại làm ăn. Bừng sáng hôm đó mọi người đều đổ dồn đôi mắt về ngọn cờ hồng tung bay trên nền trời giữa Trường Quốc gia Hành chánh Sài Gòn (nay là Học viện Hành chính quốc gia, cơ sở TP.HCM - NV). Không ai hẹn ai nhưng đến chiều đó tất cả các ngả đường dẫn vào bên trong trường đều đông nghịt. Bài hát Người đợi người hòa cùng sinh viên, học sinh cầm đuốc cháy sáng hát vang: “Người đợi người trong hàng trăm hội trùng tu… Người đợi vào Thăng Long một tối”. Bài hát như báo trước là sẽ có cuộc tổng tấn công nổi dậy ở Sài Gòn và các đô thị miền Nam. Cho đến bây giờ, lòng tôi vẫn rưng rưng khi nhớ về thực tiễn từng diễn ra như chiếu một cuốn phim đã quay sẵn.

Trong số nhiều tác phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ, được biết có một bài hát khá đặc biệt khi ông viết vào thời khắc khi đang ở tận Paris (Pháp) nghe tin quê nhà độc lập?

Vâng, đó là kỷ niệm mà tôi lại rưng rưng khi nhớ về mùa mưa Paris tháng 4.1975. Sáng đó tình cờ tôi nghe được tiếng chuông điện thoại và tiếp theo là giọng của một nữ tu: “Anh Lập ơi, hãy đến đây mở chai champagne mừng VN hoàn toàn chiến thắng. Miền Nam đã giải phóng rồi!”. Trưa hôm đó tôi cùng bạn bè, anh em đang ở Paris và dòng người diễu hành hát vang Giải phóng miền NamTiến quân ca giữa đường phố Paris tráng lệ... Niềm vui cứ tràn ngập cho đến tối là đêm văn nghệ của các tổ chức Việt kiều tại Pháp. Đêm đó tôi đã song ca cùng nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo bài Hướng về quê hương độc lập do tôi sáng tác ngay sáng ấy tại Paris.

Là một trong những nhạc sĩ nổi tiếng của phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe, có những bài Xuống đường, Hát cho dân tôi nghe…Vậy những ca khúc này ra đời trong thời khắc, hoàn cảnh ra sao? Và sức mạnh tinh thần được sinh viên, học sinh thời ấy thể hiện như thế nào qua các ca khúc, thưa nhạc sĩ?

Tôi thường sáng tác trong 2 hoàn cảnh khác nhau. Những bài mình có ý để phê phán, vạch trần tội ác của Mỹ và chính quyền Sài Gòn thì mình tìm hiểu thực tế trước, ví dụ về sưu cao thuế nặng, chống dồn quân bắt lính (bắt sinh viên và trí thức đi lính...), sau đó nhạc sĩ sáng tác và phổ biến dưới nhiều hình thức. Về hoàn cảnh thứ hai là gặp thực tế nào cần thì sáng tác trong đề tài đó để tố cáo tội ác. Tuy vậy các nhạc sĩ phong trào thường ngồi bàn bạc nhau phải có những tác phẩm lớn, dài hơi để kêu gọi lòng yêu nước, yêu quê hương, hướng về hòa bình. Đó là những bài hợp xướng, nhạc cảnh, kịch đường phố… như nằm lòng trong học sinh, sinh viên. Họ nắm bắt và nung nấu trong tim để thể hiện ra bằng tình yêu, bằng xương máu trong các cuộc xuống đường, bị tra tấn dã man… Như bài Hát trong tù, tôi sáng tác ngay trong phòng giam kín đặc biệt. Tôi đã hát và hướng dẫn các anh chị bị tù hát ngay trong nhà giam.

Ngày xưa, để “nuôi nấng” ý tưởng và cảm xúc viết lên một tác phẩm hay có quá khó không thưa ông? Có bao giờ ý tưởng, cảm xúc đã có nhưng không thể viết thành lời vì một lý do “đặc biệt” nào đó mà ông đành giấu kín, chôn vùi?

Ngày xưa tôi thường nghĩ đến những đề tài lớn để sáng tác. Và nghĩ đề tài lớn thì buộc mình phải tích lũy, phải đi tìm, khám phá… Nhưng trong thực tế, nhiều lúc trằn trọc, nghĩ mãi đến lúc đặt bút viết thì cảm xúc bay đâu mất (cười). Bây giờ tôi nghiệm ra đề tài không phải lớn hay nhỏ mới là tác phẩm vĩ đại, mà bất cứ điều gì mình đi tìm, mình bắt gặp và thấy có tính khái quát trong đó là phải “chộp” ngay. Điều quan trọng là phải dấn thân để thấy được bản lĩnh của chính mình.

Đến bây giờ hỏi thật ông có “sống được” bằng sự nghiệp sáng tác của mình?

Đến giờ tôi chưa “sống được” bằng sự nghiệp sáng tác của mình (cười). Tiền tác quyền không đủ nuôi sống một nhạc sĩ về hưu như tôi đây. Nhưng tôi vẫn sống rất ổn bằng… việc khác.

Với những người về hưu như nhạc sĩ thì thú vui thường là gì để thấy cuộc sống mỗi ngày không phải là “ngày buồn dài... lê thê”?

Tôi thường thích đàm đạo với bạn bè thân thuộc để tìm niềm vui và được trao đổi thông tin, nhiều điều mới lạ. Với những người lớn tuổi, tinh thần rất quan trọng. Tôi chơi thân không nhiều bạn bè nhưng tôi rất thân thiện với mọi người. Bạn bè rất cần thiết trong cuộc sống này, nhưng phải chân thật.

Là một nhạc sĩ gạo cội, nhạc sĩ có thường nghe nhạc của người trẻ, ví như Mỹ Tâm, Hà Anh Tuấn, Sơn Tùng M-TP…; hoặc các ca sĩ luôn có hàng chục triệu view mỗi khi phát hành MV?

Tôi vẫn nghe nhạc của người trẻ. Mỹ Tâm, Hà Anh Tuấn… là những ca sĩ chuyên nghiệp đã đạt đến trình độ nghệ sĩ thật thụ. Còn Sơn Tùng M-TP là một hiện tượng tôi cũng rất quý. Các bạn còn trẻ và đang dồi dào năng lượng, nắm bắt nhanh công nghệ hiện đại, hãy học tập bằng mọi hình thức để nâng tầm lên với thời đại, với thế giới... Các bạn trẻ không nên thỏa mãn với những gì mình đang có.

Khi nhắc về nhạc sĩ Tôn Thất Lập, khán giả dường như ít biết về gia đình nhỏ của ông?

- Tôi có 1 vợ, 2 con (cười). Con trai tôi đã lập gia đình với một cô gái Nhật Bản và đã có 2 cháu. Được nghe gọi ông nội, bà nội chúng tôi rất thích và vui lắm.

Đồ họa: Duy Quang | Ảnh: NVCC

Báo Thanh Niên
12.01.2020

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.