Tôi và Bình trò chuyện, nhắn tin, kết nối mạng xã hội trao đổi thông tin. Mọi việc diễn ra trơn tru đến nỗi có lúc tôi không nghĩ Bình là một người “đặc biệt”, một chàng trai khiếm thị bẩm sinh. Bình thông báo đã cùng gia đình chuyển từ Hà Nội vào TP.HCM hồi đầu năm ngoái. Một tin có phần bất ngờ với tôi. Bởi không phải lúc nào sự dịch chuyển, thay đổi môi trường sống cũng là dễ dàng đối với nhiều người.

Lý do nào khiến anh quyết định “Nam tiến”?

Cuối năm 2019, tôi có làm giám đốc âm nhạc cho show của Vũ Cát Tường ở TP.HCM. Lúc tôi vào làm chương trình, nhiều bạn bè khuyên hay là vào hẳn luôn đi. Tôi đưa ra quyết định vào TP.HCM chỉ trong khoảng vài tuần. Tháng 1 năm ngoái tôi mua nhà, đến tháng 3 thì đưa vợ con vào.

Tôi cũng thích vào TP.HCM từ lâu, bởi nói về thị trường âm nhạc thì ở đây rất sôi động, có nhiều đất hoạt động hơn so với Hà Nội. Theo đánh giá của tôi, ở TP.HCM dịch vụ âm nhạc cũng được cung cấp có phần đầy đủ hơn. Hiện tại, những dịch vụ cung cấp ra cho thị trường âm nhạc đa số đều ở đây. Ai vào TP.HCM cũng nhận ra “thượng vàng hạ cám” cái gì cũng có, từ những thứ hay ho cho đến những thứ dở hơi đều có hết. Không thể phủ nhận ở nơi này âm nhạc rất thức thời, thay đổi rất nhanh, bắt kịp “trend” tốt, dù ở góc nào đó cần độ sâu sắc nhiều hơn.

Có khi nào giữa những “hạ cám”, anh chấp nhận dễ dãi hơn trong âm nhạc của mình?

Tôi nghĩ nếu mình vào TP.HCM chỉ để làm những công việc mà nhiều người khác đã làm thì chắc mình cũng sẽ sớm phải quay về thôi. Ngay từ đầu tôi đã xác định mình đến đây phải làm những thứ khác biệt. Chỉ có khác biệt mới tồn tại được. Và tôi tin là những đối tác, khách hàng mà tôi làm việc đều có tư duy mới.

Mặt khác, có thể mặt bằng chung về thưởng thức âm nhạc của khán giả ở mình chưa được cao. Nhưng thực ra âm nhạc mà có số đông người nghe thì cũng là thành công. Khi làm việc cho những dự án của ca sĩ mà tạo thành “hot trend” hay “hot hit”, được thị trường đón nhận, tôi thấy trân trọng điều đó, trân trọng những thứ khán giả yêu thích. Với tôi, mình làm nghề quan trọng nhất là có khán giả, như thế thì mình mới tồn tại được, mới thành công được.

Còn sự cạnh tranh trong giới làm nhạc hòa âm, phối khí thì sao?

Rất nhiều, nhất là khi công nghệ phát triển. Làm công việc phối khí thực tế không
cần chứng chỉ hay bằng cấp, vì trong nhạc viện ở Hà Nội hay TP.HCM cũng không dạy môn này. Hơn nữa, bây giờ công nghệ phát triển, nhạc cụ ảo hỗ trợ cho con người nhiều sẽ sinh ra những người có thể không cần biết nhiều về nhạc nhưng vẫn có thể phối khí được. Vì thế, để phân biệt được những bản phối của những người chuyên nghiệp và của những người có học hành hay nghiên cứu, có kiến thức đàng hoàng thì ca sĩ cần tai nghe tương đối ổn mới đánh giá được.

Nhưng ở đâu cũng vậy thôi, cạnh tranh càng nhiều thì thị trường sẽ phát triển lên, những người làm công việc như mình sẽ đông vui lên. Nhưng với tôi, có cạnh tranh là tốt nhưng đi kèm với đó chất lượng cần phải đi lên thì mới giúp ích được nhiều hơn cho thị trường, có nghĩa là cần có nhiều hơn những bản nhạc, bản phối thay đổi được thẩm mỹ nghe nhạc của khán giả chẳng hạn.

Tôi tò mò cách mà anh tạo “thương hiệu” cho mình trong cuộc cạnh tranh ấy...

Tôi nghĩ mình là người cân bằng tốt giữa mong muốn của nghệ sĩ cộng tác và cái tôi của mình. Chính vì thế, các nghệ sĩ tin tưởng tôi, bởi ngoài việc mà tôi đưa cái tôi của mình vào trong bản phối thì các nghệ sĩ còn thấy được họ cũng để lại dấu ấn trong đó. Lâu dần, các nghệ sĩ “đồn nhau” và tìm đến tôi.

Thực ra, công việc này không phải là ngành kinh doanh như bán hàng tiêu dùng, mà là bán sản phẩm trí tuệ nên niềm tin là rất quan trọng. Tôi nghĩ cách thuyết phục họ không phải bằng lời nói mà phải bằng âm nhạc. Và chỉ có như vậy mới giúp mình tồn tại được lâu. Mà muốn vậy thì mình phải chịu khó trau dồi kiến thức, cập nhật chuyên môn. Mình làm mới mình mỗi ngày thì những người làm việc cùng sẽ cảm nhận được sự thay đổi và luôn cảm thấy hài lòng.

Anh vừa nhắc đến việc cập nhật âm nhạc, điều vô cùng quan trọng với các nhạc sĩ, nhưng lại không dễ dàng gì với người không thể nhìn thấy. Anh vượt qua khó khăn ấy bằng cách nào?

Tôi may mắn có những người thân, người bạn xung quanh trợ giúp. Vợ tôi, hay bạn bè, những người bạn yêu nhạc, những cộng sự làm việc trong studio của tôi nữa, họ rất chịu khó cập nhật nhạc mới cho tôi nghe, giúp tôi về công nghệ.

Chẳng hạn, mọi người tìm hiểu gần đây có công nghệ mới nào xuất hiện thì tìm trên mạng cho tôi nghe thử xem cái nào hay. Bên cạnh đó, mình tham khảo, nghe nhiều những sản phẩm mới, những sản phẩm của nước ngoài giúp mình phát triển rất nhiều.

Vậy còn năng lượng sáng tạo, khi không thể tiếp nhận cảm xúc từ đôi mắt, anh đã làm như thế nào?

Đầu tiên là mình cứ sống vui mỗi ngày đi, điều đó sẽ giúp mình tiếp thêm nhiều năng lượng. Tôi cũng có cách nạp năng lượng ở nhiều nguồn khác nhau, như nếu không có dịch bệnh thì tôi hay đi du lịch, mỗi chuyến đi giúp mình khám phá thêm nhiều thứ mới mẻ, được cảm nhận mọi thứ tươi mới. Ngoài ra, công việc cũng giúp tôi có cơ hội đi biểu diễn cùng ca sĩ, được gặp khán giả ở nhiều vùng miền có văn hóa khác nhau. Điều đó rất thú vị và tạo cho tôi nhiều cảm hứng trong công việc.

Tôi hầu như không khi nào thấy mệt mỏi. Thực tế những người như tôi mà mất đi năng lượng là rất nguy hiểm (cười). Những người bị khiếm thị vất vả hơn người bình thường nên nếu có nhiều năng lượng tiêu cực thì sẽ càng khó khăn hơn cho cuộc sống của mình.

Showbiz luôn phức tạp, nhiều bon chen, tị hiềm. Một nghệ sĩ khiếm thị như anh có khó khăn để hòa hợp?

Những người kết hợp với tôi luôn có sự thân thiện dành cho tôi, chứ không phải là dành lòng thương hại, hay là lòng nhân ái cho tôi. Quan trọng hơn hết, tôi nghĩ cùng với sự nhân từ mọi người dành cho mình thì vẫn là sự trân trọng về chuyên môn. Tôi không cảm thấy lạc lõng gì cả. Mà cũng có thể việc không nhìn thấy thái độ của người khác đã giúp mình không bị bận tâm. Đó có khi cũng là may mắn thì sao! (cười)

Anh hãy nói về ca khúc mới vừa ra mắt!

Th anh xuân này có nhau là ca khúc tôi viết từ những cảm xúc hồi tưởng về những chuyến đi cùng vợ. Như tôi đã nói, tôi thích đi nhiều nơi, gặp nhiều người và được cảm nhận cảnh đẹp ở những nơi mình đến. Dịch bệnh nên tôi gần như chả đi đâu, thấy nhớ lắm những chuyến đi.

Ca khúc hoàn thành, vợ tôi là người đầu tiên được nghe. Cô ấy còn hỗ trợ về phần hình ảnh, lời cho video cho ca khúc khi chia sẻ trên mạng nữa. Nói chung, những gì liên quan đến hình ảnh thì vợ là người chịu trách nhiệm cho tôi. Vợ là một “chất xúc tác” để tôi có cảm hứng hơn làm những ca khúc gần đây và nhiều ca khúc khác tới đây về chủ đề tình yêu. Tôi thích chủ đề này có lẽ vì hợp với tôi nhất, dù tôi cũng làm nhiều ca khúc về xã hội khác. Như năm ngoái, tôi có viết ca khúc Cười lên Việt Nam để cổ vũ tinh thần các y bác sĩ, tôi cũng viết ca khúc cho chương trình Cảm ơn cuộc đời.

Lấy vợ rồi vừa được trở thành bố của một bé gái xinh xắn. Sự thay đổi đó trong đời sống tác động thế nào đến sự thay đổi trong âm nhạc của anh?

Chắc chắn mình chín chắn, trưởng thành hơn. Khi có con, cảm thấy mình lớn so với bình thường, và nếu có thể làm được gì nhiều hơn mình cũng muốn làm. Ví dụ hồi xưa tôi thấy không cần thiết phải làm nhiều lắm, còn khi có con mình thấy phải làm nhiều lên, chăm chỉ hơn. Tôi cũng đã viết ca khúc dành cho con. Có lẽ chờ đến một thời điểm nào đó thích hợp như lúc con tròn 2 tuổi, tôi sẽ gửi đến khán giả để mọi người cùng nghe. Tôi vốn làm nhiều về phối khí, hòa âm, nhưng tôi vẫn muốn có nhiều hơn những đứa con tinh thần bằng việc sáng tác cá nhân.

Chỉ vừa quyết định vào Nam là anh đã mua luôn nhà. Có vẻ công việc giúp anh có một cuộc sống khá giả đấy chứ?

Tôi may mắn được sự hỗ trợ của gia đình. Thực ra, những người lao động phía sau những sản phẩm của ca sĩ sẽ vất vả hơn và không thể nào bằng với ca sĩ (cười). Nhưng một cách thẳng thắn thì công việc này giúp tôi ổn định và thoải mái, giúp cho tôi được sáng tạo mà không phải quá bận tâm vào những thứ khác. Công việc cũng khá bận rộn với nhiều dự án nối tiếp. Tôi đang dự định làm một sản phẩm cùng Lê Hiếu, Janice Phương và tiếp đến là tham gia trong dự án của Mỹ Anh…

Xin cảm ơn anh!

Báo Thanh Niên
12.12.2021

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.