Nhạc sĩ Hoài An viết và 'sống' cùng lịch sử

Nguyên Vân
Nguyên Vân
04/07/2021 07:00 GMT+7

Không chỉ nổi tiếng với những ca khúc thành “hit” cho nhiều ca sĩ: Tình thơ, Tình khúc vàng, Phố hoa…, nhạc sĩ Hoài An còn sở hữu nhiều bài hát về lịch sử, truyền thuyết.

Có thể kể đến: Truyền thuyết Cổ Loa, Trương Chi - Mỵ Nương, Tiếng trống Mê Linh (Hai Bà Trưng), Hào khí Thăng Long, Tinh thần Đông A, Bạch Đằng giang, Sơn Tinh - Thủy Tinh, Bánh chưng - Bánh giầy, Công ơn Hùng Vương, Cổ tích Thạch Sanh, Ngọn cờ lau...
Nhạc sĩ Hoài An cho biết ba anh - nhà giáo Võ Đại Mau, đã truyền cho anh tình yêu sử Việt bằng những câu chuyện kể từ khi anh còn rất nhỏ, từ chính sử, huyền sử cho đến các truyền thuyết dân gian.
Ca khúc đầu tiên anh viết về đề tài này là Truyền thuyết Cổ Loa, năm 2001. “Một đêm khi về nhà tôi thấy cuốn Việt Nam Sử Lược (Trần Trọng Kim) để trên đầu tủ, với các tình tiết quan trọng được ba tôi gạch dưới sẵn. Tôi hiểu ba cũng có một sự trông chờ nhất định, nên tôi quyết viết xong trong đêm. Còn nhớ lúc đó, ba nằm ngủ trên giường xếp, tôi thì ngồi ở cái ghế xếp cạnh bên, lấy guitar điện rải thử vài nốt, nhưng sợ ba không ngủ được nên tôi cất đàn, viết “chay” trong đầu, và đến khoảng 5 giờ sáng, Truyền thuyết Cổ Loa ra đời”, anh kể.

Nhạc sĩ Hoài An

Ảnh: NSCC

Hoài An bảo ban đầu anh định làm album riêng chủ đề sử và truyền thuyết, thậm chí đã thu xong kha khá và nhờ họa sĩ thiết kế bìa; nhưng “duyên” chưa đủ. Đến liveshow Giờ H (2004) của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Truyền thuyết Cổ Loa mới xuất hiện lần đầu, được sản xuất công phu và hoành tráng.
Tuy là dân chuyên toán nhưng Hoài An yêu thích và học khá giỏi các môn văn, sử, địa. Tất cả các sáng tác về lịch sử, truyền thuyết của anh đều xuất phát từ niềm xúc động, tự hào đối với quá khứ vẻ vang của dân tộc. Anh chia sẻ, khi viết Tiếng trống Mê Linh, anh như được sống trong không khí hào hùng “Từ Nhật Nam, từ Cửu Chân, từ Hợp Phố cũng về Mê Linh”. Và anh cay mắt khi viết đoạn cuối “Hồn linh thiêng Trưng Vương, về đây trong hơi sương…”.
Trong loạt tác phẩm sử ca, Hoài An viết 3 bài về đại thắng Nguyên Mông của nhà Trần Hào khí Thăng Long, Tinh thần Đông A, Bạch Đằng giang. Theo anh, 3 lần đại thắng ấy là nét son hào hùng của lịch sử dân tộc, bởi đội quân xâm lược này từng càn quét từ Á châu sang Đông Âu, nhưng liên tiếp nhận thất bại trước sự kiên cường của quân dân ta. “Càng đọc nhiều, tôi càng thấy cảm phục Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Với Tinh thần Đông A, tôi muốn nói đến sự chuẩn bị, rèn luyện của quân tướng nhà Trần, cũng như tinh thần thượng võ. Hào khí Thăng Long là sự quyết tâm, là “Lời thề trên vai, ta làm nên sức trai. Sát Thát vang rền hai tiếng giữa đất trời…”. Riêng Bạch Đằng giang (sắp được giới thiệu), tôi lại có một cảm xúc mạnh mẽ, khi trên dòng sông Bạch Đằng này cha ông ta đã 3 lần chiến thắng giặc ngoại xâm: Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán, Lê Đại Hành phá tan quân Tống, Trần Hưng Đạo đại thắng quân Nguyên Mông. Do đó, dù viết Bạch Đằng giang cùng với chùm ca khúc về nhà Trần, nhưng tôi có đoạn “Bạch Đằng giang - dòng sông đã 3 lần, quân xâm lược tan tác thua. Nhuộm dòng sông rực đỏ máu quân thù. Bạch Đằng giang anh hùng!”. À, ngoài ra, em trai tôi - nhạc sĩ Võ Hoài Phúc cũng có ca khúc Nước mắt An Tư, một góc nhìn khác về sứ mạng người con gái lấy thân mình làm thư nạn nước trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông”, nhạc sĩ nói.

“Kén” cả ca sĩ và khán giả

Khi sáng tác đề tài lịch sử, Hoài An nói anh khá thoải mái trong việc lựa chọn chất liệu, màu sắc hiện đại hoặc dân gian. Và anh “đặc biệt thích, ưu tiên dùng các tổ hợp tiết tấu hiện đại, phối hợp một số quãng nhạc dân gian thay đổi theo dòng cảm xúc cụ thể từng trường đoạn của bài. Như trong Bạch Đằng giang, tôi viết thể loại rock, âm vực hơn 2 quãng 8. Hoặc bài tôi rất thích là Tiếng trống Mê Linh với 5 trường đoạn rất khác nhau: hào hùng, đau khổ, bi tráng…”. Ngoài ra, những câu nói nổi tiếng của các anh hùng, anh cố gắng giữ nguyên và thử nghiệm nhiều hướng giai điệu khác nhau để tìm cách đẩy mạnh thông điệp, hình ảnh…
Theo Hoài An, anh có may mắn là rất gắn bó với anh em ban nhạc, bộ phận sân khấu và studio, nên được nhiều “ưu đãi” về chi phí, thiết bị, thời gian khi thu âm, ghi hình… Với các ca sĩ cũng vậy, nếu thu cho chương trình của anh, họ cũng giảm chi phí - xem như hỗ trợ nhạc sĩ. “Dù vậy, việc sản xuất bài hát lịch sử, truyền thuyết vẫn khó khăn hơn nhiều so với ca khúc về tình yêu. Thứ nhất, bài hát phức tạp từ hòa âm phối khí, thứ hai là “kén” từ ca sĩ đến khán thính giả, thứ ba là thời điểm phát hành và kênh phát hành sao cho hiệu quả”, anh nhìn nhận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.