Nhạc kịch thuần Việt: Giấc mơ xa...

01/12/2018 07:00 GMT+7

Tiên Nga, Chuyện tình nàng Giáng Hương, Tấm Cám, Thủy Tinh ... những vở nhạc kịch thuần Việt đã từng tạo nên 'cơn sóng' trong lòng khán giả; song để trở thành 'món ăn tinh thần' đồng hành cùng các loại hình khác trong đời sống văn hóa giải trí thì vẫn còn xa...

Tối 28.11, vở diễn mang phong cách broadway (nhạc kịch) với những tác phẩm nhạc Việt có tên Hà Nội, ngày... tháng... năm - những thanh xuân rực rỡ vừa ra mắt khán giả tại Hà Nội. Vở diễn cho thấy bước đi “đột phá” và có phần mạo hiểm của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long (Hà Nội). Hà Nội, ngày... tháng... năm - những thanh xuân rực rỡ gồm hầu hết là những tác phẩm mới. “Tôi chưa từng xem chương trình nào thuần nhạc kịch tại Hà Nội. Đây là vở diễn có những tác phẩm mang hơi hướng nhạc kịch rất rõ. Toàn tác phẩm có kết cấu xâu chuỗi, thống nhất chặt chẽ, còn tổng thể để nói là một vở nhạc kịch thì chưa hẳn”, nhạc sĩ Dương Cầm - Giám đốc âm nhạc của vở diễn, chia sẻ.
Vào ngày 29.12 tới, Dế mèn phiêu lưu ký, một vở diễn mang nhiều phong cách nhạc kịch broadway của nhạc sĩ Vũ Việt Anh, dựa trên cốt truyện cùng tên của nhà văn Tô Hoài, sẽ lần đầu công diễn với phiên bản hòa nhạc tại Nhà hát TP.HCM. Đây là vở diễn được đầu tư lớn nhất trong năm 2018 của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM, với dàn dựng của đạo diễn Phạm Hoàng Nam, biên đạo múa John Huy Trần. Dự kiến phiên bản đầy đủ sân khấu sẽ được ra mắt vào tháng 6.2019.
Theo thông tin mới nhất từ ông bầu Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Sân khấu kịch Idecaf, nhạc kịch Tiên Nga sau đợt diễn hồi tháng 9.2018, dự kiến sẽ tái ngộ khán giả vào dịp 30.4.2019 tại Nhà hát Bến Thành, TP.HCM.

Nhiều nghệ sĩ làm nhạc kịch không mong mỏi quá lớn về cát sê, chỉ mong muốn có kinh phí tối thiểu để trang trải chi phí

NSƯT Tấn Minh, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long

Nhìn vào số tác phẩm nhạc kịch thuần Việt đã đến với công chúng trong 3 năm trở lại đây, đó không phải là ít. Cụ thể, nhạc kịch Tiên Nga diễn tổng cộng 37 suất; Chuyện tình nàng Giáng Hương sau lần công diễn cuối năm 2016 đã tái diễn thêm 4 đợt (mỗi đợt từ 3 - 6 suất); Tấm Cám diễn 4 đợt với 16 suất... Tuy nhiên, đến nay thì duy nhất Tiên Nga có lịch tái diễn”. Những vở còn lại đều được ê kíp sản xuất cho biết sẽ ngưng diễn hoặc chỉ diễn kiểu tài tử cho vui, vì đam mê.
Giữ lửa đam mê giữa muôn vàn khó khăn
Theo NSƯT Tấn Minh, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, sở dĩ Hà Nội, ngày... tháng... năm - những thanh xuân rực rỡ chưa thể trở thành một vở nhạc kịch hoàn chỉnh bởi... thiếu kinh phí. “Nhạc kịch luôn là ước mơ của chúng tôi, nhưng việc đầu tư quá tốn kém. Tôi hay Dương Cầm, Trần Ly Ly (tổng đạo diễn) cùng nhiều anh chị em nghệ sĩ đều muốn làm nhạc kịch để thỏa mãn đam mê. Nhưng để một vở nhạc kịch ra đời tốn kém rất nhiều, mà doanh thu thì cũng ít”, anh chia sẻ.
Nhạc kịch thuần Việt: giấc mơ xa...1
Chuyện tình nàng Giáng Hương chưa biết khi nào tái diễn Ảnh: N.V
Không chỉ vậy, theo anh, trên thế giới một vở nhạc kịch thông thường có thể “ăn nằm” hàng chục năm. “Họ có những nhà hát cố định để diễn. Trong khi chúng tôi không có nơi diễn cố định”, NSƯT Tấn Minh cho biết và lấy ví dụ, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long vừa sửa nhưng chỉ có vỏn vẹn 150 chỗ, quá nhỏ để đón khán giả cũng như đảm bảo đủ không gian biểu diễn. “Một buổi đi thuê nhà hát chúng tôi mất ít nhất 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, số lượng nhạc công, nghệ sĩ tham gia lớn. Nhiều nghệ sĩ làm nhạc kịch không mong mỏi quá lớn về cát sê, chỉ mong muốn có kinh phí tối thiểu để trang trải chi phí”, anh nói.
NSƯT Tấn Minh ước mơ chỉ cần có một nhà hát riêng với khoảng 500 chỗ để sáng đèn hằng tuần, thay cho việc phải đi thuê khắp nơi, trong khi không có sự ưu đãi nào. “Chúng tôi mong có sự ổn định, chắc chắn về nơi biểu diễn. Chỉ cần như vậy, tôi sẵn sàng lấy tiền nhà để đầu tư, để được làm nghệ thuật thật sự”, NSƯT Tấn Minh bày tỏ.
Trong khi đó, theo “nỗi niềm” của đạo diễn Chuyện tình nàng Giáng Hương Trần Nguyễn Thiên Hương, dù ê kíp đầu tư cao (hơn 10 tỉ đồng) với tâm huyết mang nhạc kịch thuần Việt dàn dựng theo chuẩn sân khấu broadway đến nhiều hơn với khán giả, xác định chịu lỗ thời gian đầu nhưng “không thể gồng gánh mãi được”. Lý do theo bà cũng như những nghệ sĩ “trót mang đam mê”, là muôn vàn khó khăn, từ vấn đề của diễn viên (vẫn chưa có khóa đào tạo chuyên nghiệp ở các trường về sân khấu nghệ thuật, nên nghệ sĩ tham gia tập hợp từ nhiều lĩnh vực từ diễn viên, ca sĩ, nghệ sĩ múa...); của khán giả (khi nhạc kịch không phải là loại hình thưởng thức phổ biến ở ta) đến sân khấu... “Cũng vì lịch diễn, điểm diễn không ổn định, nên các đơn vị lữ hành dù từng có kết nối để đưa vào tour cho du khách, chúng tôi cũng đành chịu...”, bà Hương chia sẻ.
Tương tự, sở dĩ Sân khấu Buffalo đành phải tạm ngưng giấc mơ nhạc kịch cũng bởi “Chúng tôi hết sức rồi...”, như tâm tư của Giám đốc sản xuất Vũ Hoàng Quân. Buffalo là nhóm kịch độc lập, với nguồn vốn là tự thân và sau 8 năm thành lập, tuy phải thuê mướn từ sân khấu đến nhà hát, khán phòng để diễn, song nhóm đã thành công nhất định về nghệ thuật, có những vở được phản hồi tích cực từ khán giả (nhạc kịch Tấm Cám giành giải Mai Vàng cho Vở diễn được yêu thích nhất năm 2016). Dù vậy, anh cho biết Buffalo sẽ tạm ngưng để làm mới mình chứ không phải chia tay khán giả.
Nhạc kịch broadway trước đây thường được hiểu là những nhà hát tập trung ở trục đường Broadway, New York (Mỹ), nhưng sau này được hiểu rộng ra là để chỉ nhạc kịch (musicals), loại hình sân khấu kết hợp múa, hát, nói lời thoại, diễn xuất.
Được trình diễn trên sân khấu Broadway là niềm mơ ước của nghệ sĩ. Nhiều ngôi sao nổi tiếng Hollywood đã gắn bó và bước ra từ sân khấu Broadway. Nơi đây trở thành một trong những điểm đến văn hóa nổi tiếng tại Mỹ. Theo Hiệp hội The Broadway League, trong mùa diễn 2017 - 2018 (tính đến ngày 27.5.2018), các nhà hát ở Broadway có doanh thu hơn 1,6 tỉ USD.
Ngọc An
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.