Nhà xuất bản 'thả nổi' biên tập sách liên kết xuất bản?

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
26/09/2023 21:10 GMT+7

Cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành Nguyễn Nguyên cho rằng một số nhà xuất bản không thực hiện nghiêm quy trình biên tập xuất bản với các cuốn sách liên kết xuất bản.

Chất lượng sách liên kết xuất bản là trọng tâm của hội thảo "Đổi mới, nâng cao hiệu quả của liên kết xuất bản". Hoạt động do Cục Xuất bản, in và phát hành tổ chức ngày 26.9 tại Hà Nội.

Nhà xuất bản 'thả nổi' biên tập sách liên kết xuất bản?   - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Nguyên phát biểu tại hội nghị

BTC

Cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành Nguyễn Nguyên đánh giá: "Một số nhà xuất bản (NXB) thiếu chủ động trong quá trình tổ chức, khai thác bản thảo dẫn đến chưa thể hiện đúng vai trò chủ trì trong hoạt động liên kết; có biểu hiện buông lỏng quản lý, không thực hiện nghiêm quy trình biên tập xuất bản, để lọt, để sót nhiều chi tiết sai phạm, đưa ra thị trường những cuốn sách kém chất lượng, gây bức xúc dư luận…".

Báo cáo đề dẫn của ông Nguyên nhận định: liên kết xuất bản là một chủ trương đúng, hoạt động liên kết xuất bản cũng đã đem lại diện mạo mới cho xuất bản. Theo đó, 100% các NXB có liên kết xuất bản. Trong đó, có 32/57 NXB có tỷ lệ liên kết cao (trên 70% tổng số xuất bản phẩm).

Một số cuốn sách liên kết xuất bản đạt giải thưởng cao như: Súng, vi trùng và thép: định mệnh xã hội loài người (NXB Thế giới liên kết với Công ty Omega Books) đạt giải A Giải thưởng Sách quốc gia năm 2021; Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (NXB Thế giới liên kết với Công ty CP sách Thái Hà) đạt giải A Giải thưởng Sách quốc gia năm 2022.

Mặc dù vậy, ông Nguyên đánh giá có nhiều vấn đề tồn tại trong hoạt động liên kết xuất bản. 

Thứ nhất, một số doanh nghiệp không chấp hành nghiêm quy định pháp luật và thỏa thuận với NXB về liên kết như: tự in tăng số lượng, không nộp lưu chiểu, thay đổi nội dung bản thảo, vi phạm pháp luật về xuất bản và bị xử lý…

Thứ hai, vấn đề phí quản lý trong liên kết giữa NXB và đơn vị liên kết còn nhiều bất cập; mặt bằng phí quản lý chưa phù hợp; bài toán kinh tế liên kết chưa có lời giải thỏa đáng. Cũng bởi mối liên kết lỏng lẻo này nên một số trách nhiệm của NXB trong việc hỗ trợ đơn vị liên kết còn hạn chế. Nhiều đơn vị sau khi biên tập, cấp phép hầu như không còn quan tâm đời sống của cuốn sách; không đầu tư tạo giá trị gia tăng từ thương hiệu NXB.

Nhà xuất bản 'thả nổi' biên tập sách liên kết xuất bản?   - Ảnh 2.

Đắc nhân tâm là cuốn sách liên kết xuất bản bán rất chạy

NXB

Cục Xuất bản, in và phát hành đánh giá có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế của liên kết xuất bản. Trong đó có nguyên nhân từ bất cập về cơ chế, chính sách; chuyển dịch chậm, không bắt nhịp được với cơ chế thị trường của các NXB. Cũng có nguyên nhân do hạn chế về trình độ, nghiệp vụ của cả lãnh đạo và biên tập viên NXB;  hoặc yếu kém còn do tư duy kinh doanh thiếu tầm nhìn, thậm chí là "chụp giật" của một bộ phận đơn vị tham gia liên kết.

Đại diện NXB Đại học Sư phạm TPHCM cho rằng do nhiều NXB không tự tổ chức được bản thảo mà do các đối tác liên kết tự thiết kế, dàn trang, vẽ hình. Lâu dần, NXB mất đi khả năng tổ chức bản thảo, chỉ còn thu "khoán" giá bán giấy phép mỗi đầu sách. Khi số NXB như vậy tăng lên, cạnh tranh tăng dẫn đến giá giấy phép xuất bản giảm, thậm chí chỉ còn trên dưới 1 triệu đồng. Quy trình xuất bản cũng bị cắt bớt, chất lượng sách kém đi vì nguyên nhân nguồn thu sụt giảm này.

Ông Phạm Minh Phúc, quyền Giám đốc NXB Khoa học xã hội, cho rằng quy trình biên tập kỹ lưỡng kéo theo đơn giá dịch vụ liên kết xuất bản tăng. Tuy nhiên, việc tăng đơn giá dịch vụ liên kết xuất bản cũng khiến cho việc liên kết xuất bản gặp khó khăn. Vì thế, có đối tác phát biểu đơn giá đơn vị của ông cao nhất Việt Nam, rồi mang bản thảo đến NXB khác. 

"Như vậy ở đây xuất hiện một mâu thuẫn rất lớn giữa việc nâng cao chất lượng xuất bản phẩm với bài toán kinh tế. Chính vì vậy, NXB Khoa học xã hội kiến nghị cơ quan có thẩm quyền quy định giá sàn đối với các công việc liên quan đến liên kết xuất bản, đặc biệt là đơn giá biên tập, duyệt nội dung xuất bản đối với từng loại sách", ông Phúc nói.

Theo lãnh đạo Cục Xuất bản, in và phát hành, hội thảo là cơ sở để tìm ra các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả chủ trương xã hội hóa, giữ vững và khẳng định liên kết xuất bản vẫn là một trong những động lực cho sự phát triển của ngành xuất bản.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.