Nhà văn Vũ Hạnh giao lưu nhân ra mắt sách Người nhà trời

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
26/09/2020 06:23 GMT+7

Sáng 26.9 tại Đường sách TP.HCM diễn ra chương trình giao lưu Nhà văn Vũ Hạnh - Ngòi bút tỏa sáng tinh thần văn hóa dân tộc nhân dịp ông ra mắt tác phẩm mới Người nhà trời và tái bản Đọc lại Truyện Kiều, Bút máu, do NXB Văn hóa - Văn nghệ ấn hành.

Sau hơn 60 năm kể từ khi tra đời, Bút máu vẫn giữ nguyên những giá trị đạo đức và thời sự. Nhà văn Triệu Xuân nhận định: “Đây là tập truyện ngắn đặc sắc trong cuộc đời cầm bút của Vũ Hạnh, như là tuyên ngôn của tác giả về văn chương nghệ thuật. Mười hai truyện ngắn toát lên ý chí, nghị lực, lòng nhân ái của một nhà văn dấn thân nhưng luôn tươi rói niềm tin vào cuộc sống, vào tình người và không bao giờ lẫn lộn, thỏa hiệp giữa chính và tà, nhân nghĩa và phi nhân...”.
Với Đọc lại Truyện Kiều, nhà văn Vũ Hạnh sẽ cùng độc giả “ngẫm” Truyện Kiều, suy ngẫm về thế thái nhân tình qua đoạn trường suốt 15 năm lưu lạc của Kiều. Bằng cảm nhận và bút pháp lạ, tác giả đã khéo léo dẫn dắt người đọc đến với câu chuyện của người xưa mà vẫn thấy luôn tươi mới. Riêng tác phẩm mới Người nhà trời được nhà văn Vũ Hạnh sáng tác trong vòng 3 năm trở lại đây, người đọc có dịp trở về quá khứ, trên cỗ máy thời gian để nghe ông kể lại những chuyện về “thứ luật rừng” khiếp hãi của thế lực áp bức và phẫn uất trong lòng dân khi luật pháp không can dự đến được. Nói về dự định sắp tới, nhà văn Vũ Hạnh cho biết: “Tôi đang viết hồi ký Cũng một kiếp người, xâu chuỗi lại những giai đoạn đáng nhớ để viết về những thăng trầm đã trải qua trong cuộc đời, cùng những năm tháng chiến tranh, khi nhiều người nằm xuống ở biển khơi, nơi rừng sâu không tìm ra xác hay những nấm mồ vẫn chưa xác định danh tính. Những con người đó có tuổi trẻ, có tình yêu, cũng có tài năng, hoài bão, một lòng chiến đấu và hy sinh nhưng họ không bao giờ được trở về nhà”.
Nhà văn Vũ Hạnh tên thật là Nguyễn Đức Dũng (sinh năm 1926, các bút danh khác: Hoàng Thanh Kỳ, cô Phương Thảo, Minh Hữu, Nguyên Phủ), sinh ra tại Quảng Nam trong một gia đình nho học. Sau khi tốt nghiệp tú tài, ông tham gia cách mạng rồi trải qua 5 lần bị địch bắt, chịu sự tra tấn trong quá trình hoạt động, vẫn bền bỉ đấu tranh. Đến nay, dù đã bước tới tuổi 95 nhưng ông vẫn duy trì thói quen sáng tác và cống hiến. Ông từng là Tổng thư ký Liên hiệp Các hội VHNT TP.HCM và vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về VHNT. Các tác phẩm đã xuất bản: Tuyển tập: Bút máu, Chất Ngọc, Vượt thác, Người chồng thời đại. Truyện dài: Lửa rừng, cô gái Xà - Niêng, Tính sổ cuộc đời, Con chó hào hùng, Ngôi trường đi xuống. Tiểu luận, phê bình: Đọc lại truyện Kiều, Tìm hiểu văn nghệ, Cha mẹ bơ vơ, Tuổi trẻ nổi loạn, Người Việt cao quý…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.