Nhà văn - tiến sĩ Đào Trung Hiếu tiết lộ 'vùng cấm’ trong phim 'Bão ngầm'

Thu Thủy
Thu Thủy
02/03/2022 07:32 GMT+7

Phim Bão ngầm vừa phát sóng những tập đầu tiên đã 'gây bão' trên màn ảnh nhỏ. 'Cha đẻ' của phim đã có cuộc trò chuyện với Thanh Niên, tiết lộ những 'vùng cấm' khi phim lên sóng.

Nhà văn - tiến sĩ Đào Trung Hiếu, tác giả của tiểu thuyết trinh thám Bão ngầm và cũng là phó đạo diễn phim

NVCC

Tôi đã mất nhiều công sức để “làm mờ” đi những thứ không được công khai

* Bão ngầm vừa phát sóng đã thực sự “gây bão” với khán giả. Nhưng nhiều người cũng tò mò khi lên màn ảnh nhỏ, nội dung phim sẽ chuyển tải bao nhiêu phần trăm hiện thực, có điều gì mà anh phải tiết chế trong sáng tác của mình?

- Nhà văn - tiến sĩ Đào Trung Hiếu: Là người lính đi ra từ thực tiễn cuộc chiến đấu bài trừ tội phạm ma túy, tội phạm hình sự trong gần 20 năm, khi sáng tác tiểu thuyết Bão ngầm sau đó chuyển thể thành kịch bản phim cùng tên, tôi đã sử dụng bút pháp hiện thực, mô tả khá toàn diện những vấn đề nảy sinh trong lòng cuộc chiến phòng chống tội phạm hôm nay. Đó là những thứ mà một trinh sát như tôi đã trải, đã thấy, đã cảm trong hiện thực đời sống ở lĩnh vực khu biệt này.

Nhà văn - tiến sĩ Đào Trung Hiếu chỉ đạo ở hậu trường phim Bão ngầm

FBNV

Trong các sáng tác của mình, tôi đã kể về tính khốc liệt của cuộc chiến diễn ra ở cả 3 địa hạt: đấu tranh bài trừ tội phạm, đấu tranh làm trong sạch nội bộ, đấu tranh trong tư tưởng, nội tâm người lính để giữ gìn sự liêm chính. Trong 3 cuộc chiến này, tôi lấy xung đột với tội phạm để tạo môi trường, chất dung môi, làm cái cớ để kể về 2 cuộc xung đột còn lại, diễn ra trong nội bộ và ở nội tâm. Tựa đề “Bão ngầm” với hàm ý kể về những cơn bão không nhìn thấy bằng mắt thường. Đó không phải là sự tìm tòi phá cách hay sáng tạo cao siêu gì, mà đơn giản chỉ là phản ánh hiện thực.

Tuy nhiên, quá trình sáng tác tôi cũng đã tiết chế rất nhiều, viết xong lại tự mình biên tập, bởi tôi hiểu không thể kể thật chi tiết những vấn đề liên quan đến hoạt động nghiệp vụ của ngành. Trong câu chuyện, tôi chỉ mới gợi mở vấn đề thôi, dành lại việc nhận định, đánh giá cho khán giả. Vì tôi hiểu không được mô tả sâu kỹ các vấn đề nghiệp vụ. Về việc này, tôi đã mất rất nhiều công sức để “làm mờ” đi những thứ không được công khai, hoặc “bẻ lái” câu chuyện thoát khỏi những “góc chết” dẫn đến yếu tố nghiệp vụ phá án. Hơn nữa, tôi cũng phải tính toán về phản ứng của xã hội, về hiệu quả truyền thông đối với hình tượng người chiến sĩ công an trong cuộc đấu tranh bài trừ tội phạm. Với tư tưởng chủ đề là ngợi ca, tôn vinh những chiến công vang dội cùng sự hi sinh thầm lặng của người chiến sĩ công an nhân dân, nên tôi hết sức cân nhắc khi phải đưa vào đó những hình ảnh phản diện, đồng thời tính toán kỹ về mặt “liều lượng” cũng như cách kể chuyện, sao cho những nét “chấm phá” này không làm ảnh hưởng đến cái nhìn của khán giả về ngành của chúng tôi.

Phim Bão ngầm sau 1 tuần phát sóng đang "gây bão" trên màn ảnh nhỏ

Chụp màn hình

* Là “cha đẻ” của Bão ngầm, anh luôn nhấn mạnh tính hiện thực và phản ánh đúng hiện thực trong tác phẩm của mình. Dù hiện tại với tư duy mới, ý thức xã hội thông thoáng, môi trường sáng tác tự do… nhưng với nội dung về đề tài công an nhân dân, phòng chống tội phạm thì việc phản ánh hiện thực trên màn ảnh có khi lại đụng chạm đến những vấn đề nhạy cảm khác… Anh có những giới hạn không thể vượt qua được không, thưa anh?

- Như đã nói trên, chủ đề tư tưởng khi tôi viết tiểu thuyết và kịch bản phim là để tôn vinh đồng đội của mình - những người lính can trường trên mặt trận đấu tranh bài trừ ma túy và tội phạm hình sự. Bão ngầm không phải bộ phim phê phán, móc máy hay bóc mẽ những chuyện nào đó đang diễn ra trong thực tại xã hội, dù có đề cập đến nó theo logic câu chuyện. Những vấn đề xã hội được nhắc trên phim, chỉ tạo ra môi trường cho câu chuyện phim diễn ra.

Có rất nhiều câu chuyện gây "bão ngầm" trong phim, không chỉ là những tên tội phạm ma túy...

Chụp màn hình

Sau khi phim khởi chiếu, cũng có người gọi cho tôi hỏi về việc vì sao đưa nhân vật phản diện trong ngành lên sóng. Tôi nói mâu thuẫn giữa các mặt đối lập là một quy luật khách quan, không thể phủ nhận. Triết học Mác-xít đã khẳng định rằng các mặt đối lập luôn tồn tại khách quan trong đời sống xã hội, trong mỗi cơ quan, tổ chức, thậm chí trong bản thân mỗi con người chúng ta. Bão ngầm là câu chuyện về cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, chính và tà. Nếu không kể về cái ác, hay coi như không có cái ác, thì làm gì có cuộc đấu tranh mà kể? Không có phản diện thì làm gì có chính diện? Trong khi hiện nay Đảng, Nhà nước ta và lãnh đạo ngành công an đang rất quyết liệt chống tham nhũng, tiêu cực để làm trong sạch đội ngũ, với phương châm “không có vùng cấm trong xử lý sai phạm, tiêu cực”. Bộ phim này cổ vũ cho chủ trương đó, chứ không nhằm làm xấu đi hình ảnh của người chiến sĩ công an nhân dân. Giới hạn mà tôi tự xác định cho mình là nên mô tả cái xấu với liều lượng thế nào, đến đâu thì vừa, để tránh bị hiểu lầm sang chuyện khác.

Nhà văn - Tiến sĩ Đào Trung Hiếu trong buổi lễ ra mắt phim Bão ngầm

FBNV

* Được biết anh “ôm đồm” khá nhiều vai trò trong phim như biên kịch, phó đạo diễn phụ trách nghiệp vụ tác chiến và đối ngoại. Vậy anh đã gặp những khó khăn gì khi thực hiện những vai trò này?

- Để hoàn thành bộ phim này, đoàn làm phim Bão ngầm đã nỗ lực cố gắng hết mình trong khoảng thời gian hơn 2 năm trời. Cá nhân tôi sau khi chuyển giao kịch bản, được nhà đầu tư nhờ hỗ trợ đoàn phim, tôi đã tham gia với tư cách phó đạo diễn phụ trách nhiều khâu quan trọng của quá trình tác nghiệp.

Vấn đề rất khó khăn và áp lực nhất đối với tôi, đó là phụ trách toàn bộ hoạt động đối ngoại, liên hệ với các bộ ngành liên quan, các địa phương tạo điều kiện giúp đỡ cho đoàn phim về bối cảnh, con người, phương tiện… để tác nghiệp. Vì phim Bão ngầm có đặc thù là phim trinh thám hình sự, với nhiều hoạt động nghiệp vụ của ngành công an và quân đội, nên nếu không được các ngành này hỗ trợ về con người, trang thiết bị, vũ khí, khí tài, phương tiện chiến đấu, cũng như bối cảnh trụ sở làm việc… thì phim không thể hoàn thành các cảnh quay hoành tráng như đang thấy. Hơn nữa, phim được quay trên địa bàn 10 tỉnh, thành phố toàn quốc… Tôi luôn phải đi tiền trạm, kết nối quan hệ với chính quyền, các ban ngành chức năng của địa phương để sau đó đoàn phim chỉ việc đến tác nghiệp.

Ngoài ra, trong phim có rất nhiều đại cảnh diễn tả các cuộc tấn công, đánh bắt tội phạm quy mô lớn của lực lượng công an nhân dân, tôi đã bám sát đoàn phim, hỗ trợ, cố vấn cho đạo diễn về mặt nghiệp vụ, tác chiến để tạo ra các góc máy, tạo dựng hình ảnh hành động chân thực như thật. Điều này ban đầu cũng khá bỡ ngỡ với tôi, một người hoàn toàn xa lạ với điện ảnh.

Một cảnh hậu trường phim Bão ngầm

FBNV

* Bão ngầm được anh viết từ chính những trải nghiệm trong cuộc đời làm lính trinh sát của mình, liệu đó có phải là mấu chốt để tác phẩm này khác biệt với những bộ phim thuộc sê-ri cảnh sát hình sự trước đó?

- Tôi nghĩ đó là điều rất quan trọng để làm nên sự khác biệt giữa phim Bão ngầm với các phim cùng thể loại trinh thám hình sự đã công chiếu trước đây. Lĩnh vực an ninh, trật tự mang tính khu biệt, không phải ai cũng có “duyên” tiếp cận với nó. Là người lính đi ra từ cuộc chiến đấu khốc liệt với tội phạm, nên chúng tôi có thể kể câu chuyện thật như thực tế đời sống. Tôi nghĩ tính chân thật là thứ làm nên sự khác biệt của Bão ngầm so với các phim cùng dòng cảnh sát hình sự đã chiếu trước đây. Thật từ câu chuyện, nhân vật, mưu kế, lời thoại, hành động, cảm xúc… được kể trong phim, đơn giản vì đó là thứ chúng tôi đã chứng kiến, thậm chí là một phần trong đó suốt chặng đường gần 20 năm cầm súng. Người khác ngoài lực lượng viết phim về công an, họ sẽ phải tưởng tượng nhiều, nhưng chúng tôi thì chỉ việc nhớ lại và viết.

Cũng phải gây "sốc nhẹ" để mọi người hiểu rõ sự nguy hiểm của ma túy

* Sự thật vốn phũ phàng. Trong phim ngày tập đầu tiên đã có những cảnh hơi rùng rợn như cảnh ngáo đá giết người… Mà những cảnh tương tự như vậy nếu không khéo “nêm nếm” thì khi lên màn ảnh sẽ trở nên phản cảm. Mà bộ phim đến 75 tập, vậy trong quá trình quay, dựng, anh và đạo diễn Đinh Thái Thụy có cân nhắc không?

- Bão ngầm là phim thuộc thể loại trinh thám hình sự, hành động võ thuật nên đương nhiên sẽ có những cảnh mang tính xung đột, hành động, bạo lực. Ngoài việc là biên kịch phim, tôi còn là tiến sĩ tội phạm học, nên rất hiểu những gì không nên đưa lên màn ảnh.

Đành rằng không thể tránh việc phải kể chuyện bạo lực trên phim, nhưng liều lượng, cách kể (bằng hình ảnh) ra sao, thuộc quyền quyết định của đạo diễn. Với vai trò của mình tôi cũng đã tham mưu, góp ý cho anh Thụy. Chẳng hạn, không nên đặc tả hành động tội ác, không để những cảnh rùng rợn, phi nhân tính… quá nhiều khiến phim xem nặng và không mang ý nghĩa giáo dục. Anh Thụy cũng đã cân nhắc rất kỹ, nên chọn các góc quay không mô tả chi tiết hành động bạo lực, mà dùng các kỹ thuật máy để thể hiện nó.

Hà Việt Dũng được "đo ni đóng giày" cho nhân vật cảnh sát ngầm - Đào Hải Triều trong phim

chụp màn hình

Thực tế chỉ có cảnh ngáo đá giết người đầu phim hơi kịch tính, nhiều người bảo thấy sợ… Nhưng nếu xem kỹ thì thấy tất cả hành động đâm, chém dao vào người trong phân đoạn này đều không đặc tả. Chỉ có hành động vung dao, sau đó là hậu quả người chết cũng được máy quay lướt qua. Dụng ý của anh Thụy, tôi hiểu là, cũng phải gây “sốc nhẹ” để mọi người thấy rõ sự nguy hiểm của ma túy trong đời sống, từ đó hiểu hơn tính chính nghĩa của những người lính bài trừ tệ nạn này để bảo vệ bình yên cuộc sống. Hơn nữa, trường đoạn này còn tạo môi trường cho câu chuyện diễn ra. Đó là sự căng thẳng, một mất một còn trong cuộc đấu tranh bài trừ ma túy. Về sau phim ít dần những cảnh bạo lực, chỉ còn lại là các cuộc đấu mưu, đấu trí, hay các đại cảnh tấn công tội phạm mà thôi.

* Tôi hỏi câu này vì cũng từng có ý kiến cho rằng những bộ phim thuộc dạng đề tài về thế giới ngầm, tội phạm kiểu như vậy khi chiếu sẽ ảnh hưởng đến giới trẻ, làm gia tăng tội phạm?

- Là người nghiên cứu về tội phạm học, tôi hiểu rằng có sự tác động từ môi trường sống, trong đó có yếu tố văn hóa đến việc hình thành các đặc điểm nhân cách ở con người.

Hiện nay các kênh phim nước ngoài như Netflix, HBO, Cinimax, hay trên YouTube… tràn ngập các loại phim về thế giới ngầm, với hàm lượng bạo lực rất cao. Mặc dù chưa có nghiên cứu tội phạm học, xã hội học nào về mối quan hệ nhân quả giữa phim bạo lực với diễn biến của tình hình tội phạm, nhưng tôi cũng cho rằng điều này có tác động ít nhiều đến các khán giả trẻ trong giai đoạn định hình nhân cách.

Ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, tội phạm, bạo lực hay thế giới ngầm vẫn là những hiện tượng xã hội tiêu cực đang tồn tại, hiện hữu trong đời sống, không thể phủ nhận nó. Trong phim Bão ngầm, đời sống trong thế giới ngầm được mô tả với không ít xung đột. Đây là điều khó tránh khỏi vì là phim tôn vinh lực lượng công an, đương nhiên phải nói về công việc của họ, tức là bài trừ tội phạm. Logic của phim không thể không đề cập tới sự tàn bạo, khốc liệt của đối tượng đấu tranh. Tội phạm càng nguy hiểm thì càng làm nổi bật lên sự quả cảm cùng mưu lược của lực lượng công an nhân dân. Có điều là đạo diễn Đinh Thái Thụy cũng đã cân nhắc tiết chế rất nhiều sự dữ dội trong các cuộc xung đột. Càng về sau, những hành động bạo lực càng ít đi, nhường chỗ cho những diễn biến ly kỳ khác.

Cao Thái Hà vào vai thiếu úy Hạ Lam

Chụp màn hình

* Anh là phó đạo diễn của phim. Vậy trong quá trình thực hiện giữa anh và đạo diễn Đinh Thái Thụy có xảy ra bất đồng ý kiến? Và phải giải quyết ra sao?

- Tôi và đạo diễn Đinh Thái Thụy phối hợp làm việc rất ăn ý. Vì đều là người cầu thị, giữ lễ, biết rõ phạm vi công việc của mình đến đâu, nên giữa chúng tôi chỉ có tình anh em quý mến nhau, chứ không có bất đồng, khúc mắc gì. Thụy rất tôn trọng và lắng nghe tôi, vì anh hiểu tôi không chỉ là biên kịch, mà còn là một chuyên gia nghiên cứu về tội phạm, một chiến sĩ công an nhân dân… nên am hiểu sâu về những thứ anh chưa biết. Ngược lại, tôi biết rõ Thụy là người chịu trách nhiệm cao nhất về bộ phim này trước nhà đầu tư, nên mọi ý kiến của tôi chỉ để anh tham khảo. Tôi không lấn sân, chỉ cố làm tròn vai của mình. Có việc tôi đề xuất nhưng Thụy làm khác thì tôi cũng không trách, vì vai trò quyết định là của anh ấy, và tôi hiểu Thụy cũng chỉ làm những thứ tốt đẹp nhất cho bộ phim mà thôi.

* Anh có nhận xét thế nào về hai diễn viên chính Hà Việt Dũng trong vai Hải Triều và Cao Thái Hà trong vai Hạ Lam?

- Khi phim chuẩn bị quay, tôi lo nhất là tìm ai vào vai nhân vật Đào Hải Triều, một trinh sát ngầm trong hang ổ tội phạm. Tôi lo vì đây là vai khó. Người vào vai phải “bật” lên được vẻ du côn, phong trần, ngang tàng… nhưng mưu lược và chính trực. Đây là hình tượng người trinh sát mà tôi xây dựng từ chính trải nghiệm của bản thân. Người lính phải giống tội phạm hơn cả tội phạm, thì mới bắt được chúng. Đến khi anh Đoàn Nam Phương, Giám đốc Hãng phim Phương Sáng, cho tôi xem ảnh của Hà Việt Dũng, đồng thời qua tra cứu trên Google mọi thông tin về chàng người mẫu - diễn viên này, được biết cậu ấy xuất thân hàn vi, từng lăn lộn, bươn chải với cuộc sống, tôi bảo anh Phương: “Ra rồi đấy. Chính cậu ta sẽ vào vai”. Lý do tôi nghĩ như vậy, là vì nhân vật của tôi có xuất thân như cảnh đời thực tế của Dũng. Hành trình phá án của nhân vật trong phim trải qua bao quăng quật trong đời sống, nên có sự tương thích tự nhiên với Dũng, vì vậy mà cậu ấy sẽ diễn mà không phải là diễn, đạt được sự tự nhiên cần có. Tôi còn bảo anh Phương rằng vai diễn này không hợp với một chàng tài tử con nhà giàu, lên ngựa xuống xe. Nếu vào phim, có thể diễn viên sẽ gượng gạo với những cảnh thử thách phong trần.

Kết quả là chúng tôi đã chọn đúng người cần tìm. Hãy nhìn Dũng diễn trong Bão ngầm rất nhuyễn vai, như nhập hồn vào nhân vật. Khán giả rất khen cậu ấy qua mấy tập phim vừa chiếu.

Phim Bão ngầm trong quá trình thực hiện và khi lên sóng cũng không tránh khỏi những "vùng cấm" được "làm mờ"

chụp màn hình

Về Cao Thái Hà, tôi cũng đã xem một số phim Hà thủ vai trước đây và khá thích thú vẻ mạnh mẽ, nghị lực trong cô gái này. Hà biểu cảm khá tốt trong các phân đoạn cần lấy nước mắt khán giả, nhưng bùng nổ, cương quyết trong các pha hành động kịch tính. Vào phim Bão ngầm, Hà đã hoàn thành tốt vai diễn. Ra được “chất” của một nữ sĩ quan cảnh sát. Có nhược điểm là cô ấy giọng Nam, nhưng bối cảnh phim ở miền Bắc, nên buộc phải lồng tiếng, giảm phần nào hiệu quả biểu cảm của vai diễn.

* Bão ngầm giờ đã không còn là trong tiểu thuyết nữa mà đã “đổ bộ” lên màn ảnh nhỏ. Vậy điều anh cảm thấy hài lòng nhất trong vai trò “cha đẻ” là gì ạ?

- Tôi vui vì câu chuyện chiến đấu, hi sinh thầm lặng của đồng đội mình đã được kể bằng ngôn ngữ điện ảnh, để xã hội thêm hiểu và tin yêu những người lính trên mặt trận đấu tranh bài trừ tội phạm, bảo vệ bình yên cuộc sống. Những ngày qua, bạn bè các nơi gọi điện chúc mừng, cũng có người nhận xét khen chê… tôi rất vui và trân trọng mọi ý kiến góp ý, vì biết rằng bộ phim đang gây được sự quan tâm, chú ý của đông đảo khán giả cả nước.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.