Nhà văn Nguyễn Quang Sáng và những chuyện vui

29/03/2024 11:40 GMT+7

Nói đến tên nhà văn Nguyễn Quang Sáng (12.1.1932 - 13.2.2014) thì ai cũng biết. Rất nhiều người đã đọc tác phẩm của ông. Học sinh nhiều thế hệ đã học những tác phẩm của ông được đưa vào sách giáo khoa. Nhưng những chuyện vui về ông thì còn ít người biết.

Tôi xin kể vài chuyện vui về Nguyễn Quang Sáng, nhân kỷ niệm 10 năm ngày ông tạ thế, những chuyện rất dễ thương về một nhà văn Nam bộ nổi tiếng.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng bình ca vọng cổ

Có một lần, hình như khoảng năm 2012, vợ chồng tôi vào TP.HCM thăm con, rồi sang quận 7 thăm ông Sáng (nhà văn Nguyễn Quang Sáng). Mới gặp nhau, ông Sáng đã rủ: "Mình lại ra quán bờ sông nghe mầy!". Tôi "ok anh" liền.

Ông Sáng là người phát hiện ra cái nhà hàng tọa lạc bên sông Sài Gòn đó, còn tôi, được ông dẫn tới uống bia một lần và tôi thích chỗ đó quá. Quán nằm bên bờ sông, đã thích, nhưng hay hơn, là ngồi đó uống bia buổi chiều lại nghe được cả bìm bịp kêu nước lớn, rồi tiếng xuồng máy chạy trên sông, hệt như hồi còn chiến tranh, tôi ở vùng ven sông Tiền (Mỹ Tho).

Có lẽ ông Sáng thích quán đó cũng giống như tôi, vì ông quá gắn bó với những vùng sông nước Nam bộ hồi chiến tranh. Ai đã sống qua những cảnh ấy một lần, chẳng bao giờ quên được.

Chúng tôi ngồi lai rai. Ông Sáng kêu chai rượu, còn tôi uống bia, vợ tôi uống nước suối. 3 anh em 3 thứ đồ uống khác nhau. Thấy ông Sáng kêu chai Chivas 12, tôi vội nói: " Hôm nay có quới nhơn (ý là quý nhân) đãi mình, ông ơi! Ông kêu hẳn con Chivas 21 đi, tiền bạn, mình vui không sợ tốn kém đâu!". Ông Sáng cười, đổi chai rượu.

Đúng là có bạn, bạn quý, anh Lê Quốc Ân - cháu ruột nhà thơ Bích Khê, cùng nhóm bạn của anh. Nhóm này đến tối mới tới, lúc ông Sáng đã xơi được 1/3 chai rượu, còn tôi cũng cạn dăm chai bia.

Anh Ân vừa tới đã móc điện thoại gọi ai đó. Chỉ năm phút sau, một nhóm nghệ sĩ ca vọng cổ đã xuất hiện. Tôi vốn mê vọng cổ từ hồi còn chiến tranh, còn ông Sáng dân Chợ Mới (An Giang) thì rành… 6 câu vọng cổ (được sử dụng cho những bài hát vọng cổ hay trong các tuồng cải lương).

Quá vui! Nghe ca vọng cổ, từ bản vắn (ngắn) tới 6 câu, trên nền âm thanh sông nước, thật diệu vợi. Tôi mê đi, còn ông Sáng vẫn vừa nghe ca cổ vừa nhâm nhi ly rượu.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng và những chuyện vui- Ảnh 1.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng

T.L

Lúc nghỉ giải lao sau tuần ca cổ, ông Sáng chợt nói. Ông không bình giọng hát, mà mổ xẻ về kỹ thuật hát vọng cổ của các em, phải thế này, không được thế kia… Tôi ngồi nghe mà chả hiểu gì cả, vì tôi đâu có rành 6 câu vọng cổ, chỉ mê thôi, còn thiếu hẳn kiến thức.

Nghe ông Sáng nói, tôi thì không biết thế nào, nhưng thấy các em nghệ sĩ có vẻ nể và cả… sợ nữa, chắc là ông Sáng "điểm đúng huyệt" rồi. Tôi mới hàng hai tán khéo: "Bác Nguyễn Quang Sáng đây là nhà văn nổi tiếng cả nước, nhưng bác quê An Giang, quá rành 6 câu, những lời bình của bác chắc là chí lý. Nhưng các em ca và chơi đàn cũng rất ngọt, rất hay, anh thích lắm. Mình tiếp thu thêm lời dặn của bác Sáng, để nâng cao giọng ca hơn nữa, thì quá tốt!".

Nghe tôi nói, các nghệ sĩ vọng cổ như cởi tấm lòng, đều phấn khởi, lại thêm phần anh Lê Quốc Ân lo bồi dưỡng cho các em quá chu tất, nên cuộc vui tiếp tục một cách đầy hứng thú.

Sau khi nhóm ca cổ cáo từ, tôi nói nhỏ với ông Sáng: "Hồi nãy ông nói thiệt, hay… chém gió vậy ông?". Ông Sáng lườm tôi: "Tao nói thiệt chớ mầy! Ca cổ khó lắm nghe, hồi nhỏ tao học hơi bị kỹ, nên kỹ thuật ca tao rành. Mấy đứa nhỏ này ca được, nhưng cần luyện thêm về kỹ thuật".

Tôi phục lăn. Hóa ra, ngoài chuyện văn chương không kể, thì tài đánh bóng bàn của ông Sáng cả Hội Nhà văn đều biết, nhưng ông Sáng còn rành 6 câu vọng cổ nữa, thì đúng là đa tài. Biết đâu, ông còn rành nhiều thứ khác nữa, mà tôi không hay.

Lâu nay cứ nghĩ, người như ông Nguyễn Quang Sáng, ruột để ngoài da, tài phô cả ra, nhưng hình như không phải vậy. Còn nhiều điều thú vị, ẩn sâu trong con người nhà văn ấy, mà phải từ từ ta mới nhận thấy.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng và những chuyện vui- Ảnh 2.

Nhà thơ Thanh Thảo, tác giả bài viết


Nhà văn Nguyễn Quang Sáng và… thang cuốn

Xin nói ngay, thang cuốn ở đây không phải món ăn chơi của 36 phố phường Hà Nội. Đơn giản, nó là cái… thang cuốn, thay cho thang máy ở các nơi công cộng (dĩ nhiên với nước mình thì phải là những nơi quan trọng).

Nguyễn Quang Sáng là nhà văn Nam bộ nhưng cả nước biết danh, biết cả tác phẩm, thậm chí nhiều người đã đọc tác phẩm của Nguyễn Quang Sáng, xem phim của Nguyễn Quang Sáng. Phải nói hơi dài dòng thế vì có những nhà văn cũng rất nổi tiếng nhưng người ta không biết tác phẩm, càng không đọc tác phẩm của họ.

Trước đây, tôi từng nghe nói ông Sáng độ này khá, có bát ăn bát để. Vậy thì mừng cho ông. Làm văn nghệ mà có "bát ăn" đã mừng rồi, nay có "bát để" lại mừng hơn. Nhưng tình thực, mỗi lần gặp ông Sáng, tôi ít khi thấy ông ấy ăn. Ông Sáng chỉ… uống. Về khoản này ông vô địch, nếu cộng thêm vào đó tuổi tác của ông.

Khoảng năm 2012 thì ông Sáng đã 80 xuân, và đã chuyển chỗ ở sang quận 7, chứ không còn ở nhà ngay đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa có "cây mận đầu hè rung rinh quả ngọt" nữa. Với nhà văn, đi ở đâu chẳng quan trọng, miễn là có rượu uống cơm ăn, phải không ạ? Nhưng nếu có đủ 2 khoản kia mà viết không được nữa, thì cũng… toi.

Nguyễn Quang Sáng còn viết được, viết tốt nữa là khác, dù quan sát kỹ thấy bước chân ông già 80 hơi bị chậm. Ông vẫn uống rượu đều đều, khoản kia không biết thế nào, nhưng nghe đám đàn em thì thào có vẻ khâm phục lắm.

Có lần tôi tình cờ từ TP.HCM bay ra Hà Nội họp, lại tình cờ bay cùng chuyến với Nguyễn Quang Sáng và Chim Trắng. Mấy anh em ngồi với nhau (có Nguyễn Quang Lập nữa) ở phòng đợi sân bay, trong khi chúng tôi kêu nước suối, thì ông Sáng kêu hẳn một lon bia. Thế là đẳng cấp đã được xác lập: tụi tôi ít tuổi hơn ông Sáng, nhưng yếu hơn ông thấy rõ.

Ngồi nhìn ông Sáng uống bia với vẻ quắc thước, tôi chợt hỏi: "Người như ông thì còn biết sợ cái gì nhỉ?". Ông Sáng nghĩ một lúc, rồi nói: "Tao sợ cái… thang cuốn mình đi hồi nãy đó, mầy ơi! Nó cứ cuốn vèo vèo, tao sợ bước không kịp nó nghiến cái chân mình thì chết! Thế là tao đi cầu thang bộ, cho chắc ăn!".

Mấy anh em chúng tôi cười òa lên. Ngay tôi, chân di chuyển rất khó khăn, mà tôi đi thang cuốn vẫn như không, ông nhà văn Sáng này sợ cái gì nhỉ? Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, tôi chợt hiểu. Nếu như mấy năm trước, ông Sáng lại chả coi cái thang cuốn này như đồ bỏ! Nhưng 80 cái xuân xanh rồi, chân cũng đã yếu, phản ứng cũng đã chậm (ông Sáng vốn là danh thủ bóng bàn ở Hội Nhà văn tới mấy chục năm), thì cẩn tắc vô áy náy, vẫn hơn.

Ông Sáng sợ cái… thang cuốn, là phải! Dù chưa biết, nó có sợ ông không? Nhưng mình yếu rồi, mình cứ sợ nó trước, cho… phải đạo.

Xem ra, nhiều thứ không phải sinh ra để làm người ta sợ, mà người ta vẫn sợ, tùy vào hoàn cảnh và… sức khoẻ của từng người. Thế! Nếu ông Sáng sợ cái thang cuốn, thì tôi sợ cái khác, còn anh lại sợ cái khác nữa. Mỗi người sống ở đời cũng cần phải biết sợ một vài cái gì đó, hay nhiều cái gì đó. Nhưng "sợ thì sợ, mà chơi thì chơi", đó mới đúng là nhà văn Nguyễn Quang Sáng, chứ nhỉ?

Tôi không biết, cho tới trước khi mất, ông Nguyễn Quang Sáng còn đi máy bay mấy bận nữa, và cái thang cuốn còn khiến ông sợ thêm mấy lần nữa, nhưng cái thiệt thà thật dễ thương của nhà văn Nam bộ nổi tiếng này khiến tôi nhớ mãi.

Là một người con của quê hương Nam bộ, phong cách sáng tác của nhà văn Nguyễn Quang Sáng luôn thấm đẫm màu sắc và nhịp sống của vùng đất này, gần gũi mà giản dị vô cùng.

Nguyễn Quang Sáng đã để lại cho đời một kho tàng văn học với các thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết đồ sộ, tiêu biểu như: Con chim vàng (Tập truyện ngắn, 1956); Người quê hương (Tập truyện ngắn, 1968); Nhật ký người ở lại (Tiểu thuyết, 1961); Đất lửa (Tiểu thuyết, 1963); Câu chuyện bên trận địa pháo (Truyện vừa, 1966); Chiếc lược ngà (Tập truyện ngắn, 1966); Bông cẩm thạch (Tập truyện ngắn, 1969); Cái áo thằng hình rơm (Truyện vừa, 1975); Mùa gió chướng (Tiểu thuyết, 1975); Người con đi xa (Tập truyện ngắn, 1977); Dòng sông thơ ấu (Tiểu thuyết, 1985); Bàn thờ tổ của một cô đào (Tập truyện ngắn, 1985); Tôi thích làm vua (Tập truyện ngắn, 1988); 25 truyện ngắn (1990); Paris - tiếng hát Trịnh Công Sơn (1990); Con mèo của Foujita (Tập truyện ngắn, 1991); Nhà văn về làng (Tập truyện ngắn, 2008)…

Nguồn: nhavantphcm.com.vn

Tác giả bài viết này là nhà thơ Thanh Thảo, tên thật Hồ Thành Công. Ông sinh năm 1946. Quê quán xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 1977.

Nhà thơ Thanh Thảo tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, Sau đó ông vào công tác ở chiến trường miền Nam trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Sau 1975, ông chuyên hoạt động văn học nghệ thuật.

Ông từng nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1979 (tập thơ Dấu chân qua trảng cỏ); Giải thưởng của Ban Văn học Quốc phòng An ninh, Hội Nhà văn Việt Nam cho tập trường ca Những ngọn sóng mặt trời (1995); Giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - nghệ thuật Việt Nam, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam và Giải thưởng Hội Âm nhạc Việt Nam cho tập Trường ca chân đất (2012); Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, đợt I, năm 2001.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.