Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Giải thưởng là thứ nhà văn nên quên đi

Yến Trinh
Yến Trinh
28/10/2018 09:06 GMT+7

Giải thưởng nào cũng là của ngày hôm qua. Ngày mai tôi là một kẻ tay trắng, nếu không viết thứ gì mới.

Đó là lời nhà văn Nguyễn Ngọc Tư chia sẻ khi trả lời phỏng vấn Thanh Niên.
Viết chỉ vì muốn viết
Thông tin thời sự nhất liên quan đến chị lúc này có lẽ là giải thưởng LiBeraturpreis 2018 trao cho Cánh đồng bất tận. Thế nhưng, vài người quen của chị khuyên là “đừng hỏi đến giải thưởng nghen, Nguyễn Ngọc Tư không thích nói về giải thưởng này nọ đâu”. Tại sao vậy?
Bạn nhắc thì tôi buộc phải nhớ. Nhưng giải thưởng là thứ nhà văn nên quên đi, ngay lập tức. Bởi ngay từ đầu, người ta viết không phải vì giải thưởng. Viết chỉ vì muốn viết, vì bị thôi thúc bởi những lời thì thầm bên trong anh (chị) ta.
Một nhà văn mà bị ám ảnh bởi giải thưởng cùng những khen chê thì giống kẻ đẽo cày giữa đường. Và với tôi, chuyện của một giờ đồng hồ trước nghĩa là chuyện đã qua, bồi hồi vì nó chẳng ích gì. Giải thưởng nào cũng là của ngày hôm qua. Ngày mai tôi là một kẻ tay trắng, nếu không viết thứ gì mới.
Khi viết Cánh đồng bất tận, có bao giờ chị nghĩ cái cánh đồng heo hút ở một góc miền cuối đất một ngày nào đó lại được đi xa tận trời Tây, nó được chuyển ra nhiều ngôn ngữ và tiếp cận với bạn đọc quốc tế?
Phải vừa viết vừa ngồi hoang tưởng kiểu đó thì tác phẩm chắc chẳng ra gì, tôi nghĩ vậy. Lúc đó tôi chỉ nghĩ ba mình mà đọc cái truyện này chắc sẽ sốc cho coi, thứ này nhiều gai quá. Ờ mà mình sẽ kết sao đây, khi mọi chuyện đã bị đẩy quá xa tới mức này. Có quá nhiều thứ cho một người viết trẻ (thời điểm đó) phải làm với từng nhân vật, từng câu chữ, tôi hơi đâu mơ mộng xa xôi. Cho tới bây giờ tôi tin vào chữ duyên. Có duyên sẽ gặp. Chuyện cuốn sách đi chơi khắp nơi cũng không nằm ngoài niềm tin đó.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Giải thưởng là thứ nhà văn nên quên đi1
Người hâm mộ chờ nhà văn Nguyễn Ngọc Tư ký tặng trên sách trong sự kiện gần đây Ảnh: Lê Nam
Tôi cho rằng dịch giả chuyển ngữ quyển sách của chị phải rất “can đảm”. Bởi lẽ không gian trong tác phẩm của chị quá đặc trưng miền Tây Nam bộ, đặc biệt là vùng đất mũi Cà Mau. Chị nhận phản hồi như thế nào của các bạn đọc quốc tế?

Với tôi, chuyện của một giờ đồng hồ trước nghĩa là chuyện đã qua, bồi hồi vì nó chẳng ích gì. Giải thưởng nào cũng là của ngày hôm qua. Ngày mai tôi là một kẻ tay trắng, nếu không viết thứ gì mới

Người dịch thì than thổ ngữ trong văn chị làm khó chúng tôi. Bạn đọc thì kêu rên viết chi mà buồn thảm. Nhưng họ đều giống nhau ở chỗ nhìn thấy con người vui buồn, đi lại trong cuốn sách tôi, sao mà quen.
Khi đặt bút viết, điều đầu tiên chị nghĩ đến là gì?
Tùy thời điểm. Có lúc tôi nghĩ tới nhuận bút. Đó là khi tôi lên kế hoạch đi lang thang, nghĩ tới khoản tiền vé máy bay. Có lúc tôi phấn khích phát sốt bởi ảo tưởng trời ơi cái ý tưởng này viết ra chắc hay lắm đây, một bước ngoặt lớn chớ chẳng phải chơi (cho tới khi nhận ra câu chuyện kia, khi bày lên trang viết lại lầm bụi, tầm thường, vô giá trị).
Nhưng những năm gần đây, mỗi khi bắt đầu, tôi tự hỏi cái thứ mình sắp viết đây, rốt cuộc có gì mới không, có làm bạn đọc mất thời gian vào cái thứ văn chương lặp lại?
Ý tưởng và hiện thực luôn có một khoảng xa
Sau khi vừa nhận giải thưởng cho tác phẩm Cánh đồng bất tận về, chị ra mắt ngay quyển Cố định một đám mây với phong cách hoàn toàn mới mẻ. Có người cho rằng, đến đây, Nguyễn Ngọc Tư đã không còn ở trên “cánh đồng” nữa rồi. Cô ấy đã nghĩ đến một cuộc di cư...
Tôi nghĩ mình đã đi ngay ấy chứ, từ Gió lẻ.
Tôi nhớ hồi ấy không ít bạn đọc bần thần, sao Tư này không là Tư kia. Nhiều khi, tôi còn cảm thấy mình đã rời đi hơi chậm. Chắc những lần trước tôi rời đi không dứt khoát chăng? (Cười). Trong thâm tâm, tôi đã bỏ đi lâu rồi, nhưng không phải những gì mình viết ra đều như mơ ước. Ý tưởng và hiện thực luôn có một khoảng xa.
Chị có sợ những bạn đọc thân quen sẽ không nhận ra mình?
Tôi không lo lắng, nghĩ ngợi gì lúc viết. Nhưng khi làm bản thảo, nhìn bao quát tập truyện, tôi lường được phản ứng của người đọc. Tôi nghĩ nếu là “bạn đọc thân quen”, thì đã hình dung con đường mà tôi sẽ đi, từ Đảo, đến Không ai qua sông. Nếu thỏa hiệp thì đã có Cánh đồng bất tận 2, hay Cánh đồng bất tận 3. Thỏa hiệp hay không thỏa hiệp, hình như tôi đã lựa chọn rồi. Tản văn là thỏa hiệp, đơn giản bởi đó là thể loại khó làm mới.
Khi bước ra khỏi “cánh đồng”, chị muốn đi đến đâu?
Không quan trọng. Với tôi, quan trọng là có dịch chuyển, vượt qua dấu chân của chính mình. Nhiều người hỏi tôi về tự do sáng tác, và tự do của tôi chính là không nghĩ gì về tự do, cũng như không nghĩ gì về chuyện mình sẽ về đâu tới đâu. Một ý tưởng ở lại trong đầu, chính là duyên, và tôi sẽ nuôi nấng, tạo dáng hình của nó.
Nhận xét ban đầu về những tác phẩm mới của chị, giới chuyên môn đánh giá cao. Nhưng nhiều bạn đọc có vẻ hụt hẫng vì không gặp lại một Nguyễn Ngọc Tư quen thuộc. Có bao giờ chị cân nhắc giữa chọn một phong cách quen thuộc mà người đọc đã chấp nhận, đã tin yêu với việc mạo hiểm bước chân vào một “vùng trời” mới không?
Tôi sợ rồi mình sẽ không sống được bằng nghề, thứ mà trước giờ tôi luôn tự hào. Nhưng tôi còn sợ hơn nữa, sự mất hứng thú với văn chương, bởi viết những thứ mà mình không thích. Người đọc có quyền đặt ra những mặc định, nhưng nhà văn, mặc định là một cái bẫy của nhàm chán, tẻ nhạt. Sẽ có người đọc cảm thấy bị tôi phản bội, nhưng tôi nghĩ một ngày nào đó họ sẽ nhận ra, một nhà văn giẫm chân tại chỗ cũng là kiểu phản bội khác.
Với chị, điều đáng sợ nhất của một người cầm bút là gì?
Lười, ngủ quên với vinh quang (đôi lúc vinh quang ấy là ảo tưởng của con ếch ngồi trong giếng). Tôi cũng sợ những nhà văn tự hào về những thứ không thuộc về văn chương.
Người phụ nữ, nhất là phụ nữ ở vùng nông thôn VN, luôn chịu nhiều thiệt thòi. Trong các tác phẩm của chị, những nhân vật nữ luôn gặp trắc trở, luôn lâm vào bi kịch. Nói chung là buồn. Nhưng có vẻ, cách mà những người phụ nữ ấy đối diện với nỗi buồn trong các tác phẩm sau này có phần mạnh mẽ hơn, lý tính hơn?
Họ rồi cũng lớn. Như tôi. Người già luôn cảm thấy đau ấy, khổ này chẳng là gì hết. Và họ tỉnh táo đón nhận, tiêu hóa chúng thật chậm rãi, đôi lúc còn thưởng thức hương vị của sự đau đớn. Nếu kêu khóc chẳng làm cho ta bớt thiệt thòi, ta bèn tìm cách dửng dưng hơn sống chung với chúng.
Chỉ ngưng viết vào lúc ngủ sâu
Được biết chị có dự định hỗ trợ một nguồn quỹ dành cho văn chương về phụ nữ. Chị có thể chia sẻ thêm về ý tưởng này?
Đây là một phần của giải LiBeraturpreis 2018. Tôi sẽ dùng một phần tiền của dự án này cho hai thư viện trường học, phần còn lại sẽ tài trợ cho một giải thưởng truyện ngắn viết về phụ nữ VN đương đại. Nhưng mọi thứ mới là bắt đầu, tôi vẫn đang nghĩ cách. Việc khoa trương cái dự án này, là bất khả kháng, vì nhà tài trợ cần có thông tin. Nhưng tôi ước gì mình có thể cho đi mà chẳng để lại tin tức gì, giống như những nhà thiện nguyện thật sự, họ cho và chẳng nhớ đã cho gì.
Một nhà văn Nguyễn Ngọc Tư với những tác phẩm sắc sảo. Và cũng có một Nguyễn Ngọc Tư - một bà nội trợ có nụ cười hiền lành ngày ngày vẫn tất bật với chuyện đưa đón con đi học rồi vào bếp chăm chút từng bữa cơm. Thế thì chị viết văn khi nào? Giữa bà nội trợ và nhà văn có gì giống và khác nhau?
Không tách bạch được hai con người đó. Bởi lúc tôi đang nấu những món cơm canh quen thuộc, hay đưa đón tụi nhỏ đi học, tôi viết một câu chuyện trong đầu. Tranh thủ ngồi vào bàn viết giữa những khoảng thời gian bị cắt vụn, tôi chỉ việc cho chữ nhảy ra. Tôi nghi là mình chỉ ngưng viết vào lúc ngủ sâu, vô ý thức. Nhưng vài lần tôi thấy mình ngồi viết gì đó, trong mơ.
Nếu phải tự bạch ngắn gọn về mình, chị sẽ nói như thế nào?
Ờ, trên blog tôi có ghi phần giới thiệu về mình, hồi mười năm trước, đến giờ vẫn không thay đổi. Đen, buồn, háo sắc, và hơi khùng. Ờ mà nếu có, chắc phải thêm chữ “già”. Tôi là kiểu người bi quan, mỗi sáng thấy đàn chim bay qua, lại nghĩ chiều nay có con trong bầy trúng đạn, không trở về. Tâm lý này cũng ảnh hưởng tới tác phẩm của tôi.
Nguyễn Ngọc Tư sinh năm 1976 tại H.Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Chị hiện sinh sống cùng gia đình tại TP.Cà Mau.
Những tác phẩm tiêu biểu: Cánh đồng bất tận, Ngọn đèn không tắt, Gió lẻ, Sông, Đảo, Không ai qua sông...
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Giải thưởng là thứ nhà văn nên quên đi12
Nhà văn ký tặng độc giả Đức tại nhà sách Hugendubel - Frankfurt Ảnh: Nguyễn vĩnh Nguyên
Một số giải thưởng
• Tác phẩm Ngọn đèn không tắt: Giải nhất cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần II năm 2000, giải B ở Hội Nhà văn VN năm 2001.
• Tác phẩm Cánh đồng bất tận: Giải thưởng Hội Nhà văn VN năm 2006, giải thưởng LiBeraturpreis 2018 do Hiệp hội Quảng bá văn học châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh tại Đức (Litprom) bình chọn dựa trên việc xem xét các bản dịch tiếng Đức tác phẩm nổi bật của các tác giả nữ đương đại tiêu biểu trong khu vực. Giải thưởng được trao hằng năm nhằm vinh danh các tác giả nữ đến từ châu Á, Phi, Mỹ Latinh, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và vùng Caribe.
Chị đã rời “cánh đồng” từ lâu”
Nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên
Ảnh: NVCC
Với tôi, Nguyễn Ngọc Tư đã rời “cánh đồng” từ lâu, trong kỹ thuật, nghệ thuật viết. Điều đó nên buồn hay nên vui?
Với tư cách người đọc, tôi vui vì cây bút này còn hứa hẹn mang đến cho mình sự bất ngờ thú vị qua từng cuốn sách. Dù chất liệu, bối cảnh trong các tác phẩm về sau của chị vẫn là con người nhỏ nhoi và quẩn quanh, cùng sự lãng quên quen thuộc...
Với tư cách người viết, Nguyễn Ngọc Tư là số ít cây bút đem lại cho tôi ý nghĩ rằng viết văn là một lao động kiên trì, một sự hành trì đầy kiên định. Khi đã tạo ra thành tựu trong văn nghiệp, người ta rất dễ ở lại trong vùng an toàn. Nơi đó, một phần tha lực từ sự ái mộ, định kiến và những nhu cầu “hương đồng gió nội” bất tận của người đọc dễ nhấn chìm nhà văn trong những trang viết cũ kỹ, triệt tiêu mọi năng lượng sáng tạo. Nhưng bằng một cách nào đó, đơn độc và lầm lì, Nguyễn Ngọc Tư đã thoát ra khỏi những xưng tụng lẫn phê phán. Chị chọn một “thế viết” trọn vẹn, độc lập; viết từ những thôi thúc nội tại đầy âm thầm, mạnh mẽ và bền bỉ.
Nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên
Viết chi mà thấm từ từ, thấm tầng tầng
Nhà văn Võ Thu Hương
Ảnh: NVCC
Ở nhà tôi có gần chục cuốn sách của chị Tư nhưng số sách tôi đã đọc chỉ khoảng 6, 7. Có những cuốn sách không chỉ đọc một lần. Tôi thích đọc chị Tư theo cách nhẩn nha đọc. Không phải đọc một lèo cho bằng hết những cuốn mình có, cũng chưa cần tìm mua bằng được cuốn mới ra, lật đật xin chữ ký vào đó… Dù là người viết, tôi hiểu rằng nhà văn cực kỳ thích có những độc giả lật đật đi mua sách của mình.
Mà đó là “lỗi” tại những trang sách chị Tư viết. Viết chi mà thấm từ từ, thấm tầng tầng. Kiểu như đọc xong rồi, để đó dăm tháng sau hay dăm năm sau kéo ra đọc lại vẫn thấy đang thấm, vẫn thấy hay. Cách viết ấy khiến tôi vừa yêu thích vừa thán phục.
Nhà văn Võ Thu Hương
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.