Nhà văn Bích Ngân nói về nghề và những kỷ niệm với nhà văn Trang Thế Hy

09/06/2022 10:51 GMT+7

Nhà văn, người viết văn nói riêng và làm nghệ thuật nói chung, ai cũng biết, đó là công việc tự đày đọa, tự xoay trở vật vã, tự tìm lối thoát và tìm thấy ánh sáng của lối đi, lối đi của riêng mình.

Trước khi trở thành nhà văn, 5 năm làm phóng viên của báo Minh Hải (tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu), tôi bắt đầu thấy dung lượng cho một bài viết cũng như khuôn cho một bài báo như thu hẹp mỗi ngày. Thông tin, sự kiện được bày trên trang báo chỉ là những gợn sóng lăn tăn mà cuộc sống bộn bề như dòng chảy xiết cuộn theo nó biết bao được mất. Thế là tôi muốn viết thứ gì đó không giản đơn như những bài báo được nộp đúng ngày theo yêu cầu của tòa soạn, dù tôi vẫn tiếp tục nộp bài viết, và thường là nộp bài sớm hơn thời gian quy định, nộp bài ngay sau một chuyến đi thực tế, những bài viết được viết dưới ánh đèn dầu.

Nữ văn sĩ Bích Ngân

FBNV

Viết thứ gì đó không giản đơn… Và thứ tôi chọn là truyện ngắn, thể loại mà tôi thích đọc, và đọc khá nhiều, từ tác giả trong nước đến tác giả nước ngoài. Thế là tôi viết truyện ngắn đầu tay. Viết xong, tôi chép lại cho sạch, cho đẹp và gởi cho báo Văn Nghệ TP.HCM, tờ báo văn nghệ duy nhất có mặt trong thư viện của tỉnh thời đó mà tôi đọc được. Tôi gởi truyện theo địa chỉ của tòa soạn báo và không hy vọng nhiều vào việc tác phẩm đầu tay của một phóng viên tỉnh lẻ được lọt vào mắt Ban biên tập mà những thành viên ắt hẳn là những nhà văn tiếng tăm.

Khoảng 2 tuần sau, tôi nhớ mãi khoảnh khắc khó có thể quên. Nhà báo Huỳnh Lãnh, một đồng nghiệp chơi thân, bước từ trên xe lôi đạp (từ bến xe Bạc Liêu về tòa soạn là ngôi biệt thự nằm trên đường Trần Phú) vào tòa soạn. Vừa đi Lãnh vừa gọi to như hét: “Bích Ngân, Bích Ngân, đâu rồi?”. Tôi chạy ra: “Cái gì mà réo tên tui om sòm?”. Khi tôi bước tới trước mặt, Lãnh lùi lại một bước: “Bích Ngân có viết truyện gởi báo Văn Nghệ TP.HCM không?”. Tôi gật đầu: “Có…”. Tôi mới nói được từ “có”, đồng nghiệp đã nhào tới nhấc bổng tôi lên (may là lúc đó tôi nhẹ hơn bây giờ hơn hai chục ký). Khi thả tôi xuống đất, Lãnh lôi ra 2 tờ báo Văn Nghệ TP.HCM đưa cho tôi một tờ: “Tui mua và đọc ở Xa cảng miền Tây, không ngờ bạn mình viết được truyện này, tui đọc tới đọc lui trên xe muốn nát tờ báo luôn!”.

Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM Bích Ngân thay mặt các nhà văn tặng quà cho đơn vị y tế tuyến đầu trong đại dịch Covid-19

NVCC

Các nhà văn Hội Nhà văn TP.HCM luôn hết mình trong các hoạt động xã hội

PHƯƠNG HUYỀN

Kỷ niệm với nhà văn Trang Thế Hy

Truyện ngắn Đâu phải là tình yêu được in trang trọng trên trang nhất số báo năm 1985. Rồi hai tuần sau, truyện ngắn Đâu phải là tình yêu được báo Tiền Phong đăng lại gần 2 trang báo, dù chẳng xin phép tác giả mà cũng có biết tác giả ở đâu mà xin phép. Truyện viết về sự ngộ nhận giữa tình yêu với thứ na ná giống tình yêu. Có nhân vật yêu và nhân vật giả vờ yêu. Có ảo tưởng của hạnh phúc và đắng chát của nỗi thất vọng khi nhận chân ra sự thật. Vài ba độc giả dù mấy chục năm trôi qua vẫn còn nhớ truyện này và có cùng nhận xét “Truyện viết rất thật, người đọc thấy mình trong đó”.

Truyện đem cho người đọc có cảm nhận “rất thật” đó, có hơn 90 % truyện là... bịa, bịa từ tình huống cho tới từng tình tiết...

Bịa mà như thật - Yếu tố quan trọng nhất của một tác phẩm văn chương. Bịa đòi hỏi trí tưởng tượng. Tưởng tượng càng phong phú, tác phẩm càng được cơi nới cả bề rộng lẫn chiều sâu.Thiếu tưởng tượng, chỉ có thể viết thể loại phi hư cấu, mà ngay thể loại này cũng cần trí tưởng tượng.

Phát huy khả năng “bịa như thật”, tôi viết tiếp. Viết chậm. Viết kỹ. Truyện nào gởi đến cũng được Ban biên tập báo Văn Nghệ TP.HCM chọn đăng. Sau một thời gian, trong một dịp từ Bạc Liêu lên Sài Gòn tôi có đến tòa soạn báo Văn Nghệ TP.HCM và may mắn gặp được nhà văn Trang Thế Hy. Lúc đó, tôi vừa bất ngờ vừa cảm thấy hân hoan khi được biết, chính ông là người đọc và chọn đăng truyện ngắn đầu tay của tôi. Tôi cũng còn nhớ, lần thứ 2, tôi gặp nhà văn Trang Thế Hy tại căn hộ của ông ở tòa nhà văn nghệ sĩ trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Lần đó, ông pha trà cho tôi uống.

Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM Bích Ngân tại tọa đàm, ra mắt sách Nhà văn nói về nghề sáng 8.6

LAM ĐIỀN

Nhà văn Bích Ngân và nhà văn Trang Thế Hy (phải) trong một lần gặp gỡ

FBNV

Ông nói ít và chỉ nói về nghề của nhà văn. Tôi nhớ ông dặn: “Đừng đem cay nghiệt của chính mình vào trang viết mà đọa đày nhân vật”. Sau này, đọc nhiều truyện ngắn của Trang Thế Hy, càng thấm hơn điều ông nói. Cuộc đời ông chịu đựng không ít đắng cay thậm chí là khổ nhục nhưng trang viết của ông luôn rộng mở yêu thương. Hầu hết truyện ngắn của Trang Thế Hy, tư tưởng của tác phẩm, một phần triết lý sống của tác giả được thể hiện ngay cả tên truyện: Mưa ấm, Vết thương thứ mười ba, Nợ nước mắt… (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.