Nhà văn best-seller Dương Thụy tiết lộ kỷ niệm không quên với nhà văn Nguyễn Đông Thức

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
01/04/2022 10:53 GMT+7

"Mỗi lần viết văn, tùy theo nhân vật và chất xúc tác sẽ đưa đến tình huống khác nhau. Duyên mới và sự chờ đợi của mọi người luôn mong đón nhận những câu chuyện tình xuyên biên giới sẽ xuất hiện”, nhà văn Dương Thụy tâm sự.

Nói về những trải nghiệm với nghề viết văn, nhà văn best-seller Dương Thụy tiết lộ: “Tôi đã có dịp đến tất cả những vùng đất, quốc gia mà mình đưa vào trong các tác phẩm. Với độc giả không biết thế nào chứ riêng tôi, khi nghe nhiều đến những vùng đất dự định làm chất liệu viết bài, sáng tác truyện mà chưa được đặt chân bằng các chuyến đi thực tế thì tôi thấy ấm ức lắm. Vì chuyện tình trong các tác phẩm của tôi không chỉ lấy cảm hứng tình yêu mà còn chia sẻ ra thế giới về việc các bạn trẻ sẽ không chấp nhận ở trong vòng an toàn, luôn dám bước ra và bứt phá”.

Nhà văn Dương Thụy (đầu tiên bên trái, ngồi) tại chương trình Tháng Ba sách Trẻ vừa tổ chức tại TP.HCM

NVCC

Ngày trước lúc chưa bắt đầu viết về du học, nhà văn Dương Thụy chỉ tập trung viết truyện ngắn. Vừa hoàn thành tập truyện ngắn Bồ câu chung mái vòm, nhà văn Nguyễn Đông Thức có lần gặp và nói: “Hay em thử viết truyện dài đi. Viết về đề tài nào mà các nhà văn chưa khai thác".

Thế là nhà văn Dương Thụy bỗng nghĩ tới các truyện về đi du học, bước ra và viết về môi trường bên ngoài, viết thử và thành công. Một kỷ niệm với tác giả Ngọc trong đá mà không bao giờ nhà văn Dương Thụy có thể quên.

"Ngày xưa còn trẻ, tôi cũng 'lý tưởng hóa' chuyện tình yêu"

Khi các cuốn sách về du học ra đời, nhiều độc giả phản hồi qua email của nhà văn nói rằng, truyện đã tạo cảm hứng và động lực học có phương pháp, dám mơ ước du học để giành được học bổng. Động lực và niềm vui ấy trải dài khá lâu, có một vài bạn còn viết email chia sẻ cảm nghĩ, ý kiến về cuốn sách cho nhà văn nghe nữa, giúp chị có thêm nhiều kinh nghiệm tích lũy cho những sáng tác sau này.

Trả lời câu hỏi thắc mắc của nhiều người: “Trong tác phẩm của chị, thường có một cái kết rất vui, nhẹ nhàng, tình yêu dễ thương”, nhà văn Dương Thụy cho rằng:Thực ra trong số tác phẩm của tôi vẫn có kết thúc để lại sự nuối tiếc, ví dụ cuốn sách Chờ em đến San Francisco, hoặc tác phẩm Em rắc thính anh tả tình cũng không phải là cuộc sống màu hồng mà các nhân vật cũng luôn gặp những rắc rối thử thách riêng, cho dù họ trải qua cả chặng đường phấn đấu, nương tựa nhau”.

Đặc biệt, ở tác phẩm mới Yêu em bằng mắt, giữ nhau bằng tim, hai nhân vật chính kể cả khi cưới nhau rồi vẫn phải tìm cách giữ được cuộc hôn nhân của mình. Nói chung quá trình yêu nhau và hiểu nhau không có kết thúc bao giờ cả. Thời điểm này bạn cảm nhận là một tình yêu đẹp, nhưng thời điểm khác lại chưa chắc. Nên nhà văn luôn quan niệm, một tình yêu đủ đẹp là hội đủ các yếu tố khiến 2 người đến với nhau và hạnh phúc trong thời điểm đó.

Tiểu thuyết Oxford thương yêu của nhà văn từng gây xôn xao

Nhà văn Dương Thụy

NVCC

“Ngày xưa khi tôi còn trẻ cũng 'lý tưởng hóa' chuyện tình yêu. Còn bây giờ thấy cảm xúc hiện tại quan trọng hơn là một hành trình yêu kéo dài nhưng đã mất cảm xúc rồi. Mỗi người đều có những cảm xúc trong từng giai đoạn khác nhau. Bạn lập gia đình sẽ thấy tình yêu nó khác lúc mới 'thả thính', hay phải lòng nhau là đương nhiên đấy”, nhà văn Dương Thụy chia sẻ.

Chị cho biết: “Đôi khi yêu không phải bắt đầu từ dáng vẻ bề ngoài gây thu hút mà vì một khoảnh khắc, thời điểm nào đó xảy ra khiến mình cảm thấy rung động, cảm thấy anh ấy 'ăn khớp' với mình. Yêu ai đó thấy hợp và thoải mái thì yêu. Giữ bằng tim, là sự chân thành, là yêu qua nhiều năm tháng. Tôi thấy tình cảm phải xuất phát từ trái tim thì mới bền lâu dễ dẫn đến kết thúc tốt đẹp”.

Tác giả Dương Thụy (trái) trong một lần giao lưu với độc giả tại TP.HCM

NVCC

Nói về cách ứng xử với nhau hằng ngày, nhà văn tâm sự: “Trong đời sống hằng ngày, lời khen lẫn nhau, khen ngoại hình là dễ nhất, bởi vì chúng ta chỉ thấy ở ngoài thôi. Như khen hôm nay tóc đẹp, áo đẹp, hay một điểm gì cụ thể đặc biệt khác… ta vẫn thấy vui. Sự chia sẻ cảm xúc, lời khen của mình ra bên ngoài với một ai đó không nhất thiết phải nhận lại lời cám ơn hay đáp lễ đâu".

"Người ta có yêu mình không đó là chuyện của người ta, mình cứ nên chân thành gửi họ lời khen của mình trước đã. Bản thân tôi đã từng sống hết mình cho cảm xúc của mình, quý ai, thấy điều hay điều tốt của ai là sẵn sàng trân trọng và khen ngợi. Để về sau nhớ lại mình không bao giờ tiếc và cảm thấy kỷ niệm ấm áp”, nữ văn sĩ Dương Thụy nhấn mạnh.

"Tôi quen biết với nhà văn Dương Thụy từ rất lâu và yêu thích các tác phẩm của 'cô em ruột' (nói vui) như 'một thời thanh xuân tươi đẹp'. Các tác phẩm của Dương Thụy giúp người đọc có nhiều cảm xúc và chân thành. Tôi nghĩ trong cuộc đời mỗi người, không phải chúng ta sống dài hay sống thọ, mà chúng ta sống phải luôn có cảm xúc, những cảm xúc đó cho chúng ta chất liệu cuộc sống. Chúng ta sống ngắn thôi cũng được nhưng sống đủ yêu thương và chân thành” - bác sĩ Vũ Hải Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.