Nhà thơ Việt Nam hiện đại: Ngày đang mở sáng, một trường ca của người lính

06/08/2023 03:21 GMT+7

Tôi muốn bắt đầu từ câu thơ ở đoạn kết của trường ca này: "Ta ngạt thở chờ bước chân em tới".

Nghe bước chân em, ta chợt thấy con đường. Con đường người lính dãi dầu qua chiến tranh. Con đường người mẹ dãi dầu qua đợi chờ tuyệt vọng. Con đường em ta mông lung chẳng biết đi đâu, chẳng biết về đâu. Có hai địa danh thường được nhắc lại trong trường ca này, hai địa danh của quê tôi: sông Vệ và núi Ðình Cương. Cả hai có trước chúng ta, có trước những trường ca, và sẽ còn lại sau chúng ta, sau những trường ca. Có trước và sau một cuộc chiến tranh. Có trước và sau những cái chết.

Nhà thơ Việt Nam hiện đại: Ngày đang mở sáng, một trường ca của người lính - Ảnh 1.

Nhà thơ Trần Anh Thái

TƯ LIỆU

Trần Anh Thái đã từng là người lính đánh vây lấn ở núi Ðình Cương - một trận đánh kéo dài và khốc liệt. Thái cũng đã từng uống nước dòng sông Vệ, như đã uống nước sông quê miệt biển Thái Bình: "Khi tôi hát gió trong nhà thắt ngạt/Lúc vui cười nước mắt mẹ nghẹn đêm/Và tôi ngủ mẹ ôm đêm thức/Sáng tôi ra khỏi nhà mẹ run rẩy quay đi/". Ở một đất nước chiến tranh, tôi đã được đọc bao nhiêu bài thơ chiến tranh, cả nhiều trường ca chiến tranh. Tôi đọc quen như đã từng quen với chính gương mặt không thể nào quen được của chiến tranh. Bây giờ đọc Ngày đang mở sáng của Trần Anh Thái, tôi hiểu: đây là cuộc chiến tranh sau chiến tranh, là mất mát sau mất mát, những nỗi đau sau những nỗi đau.

Chúng ta đã cách chiến tranh rất nhiều năm, nhưng Ðình Cương hay sông Vệ vẫn còn đó, những ai cùng chia sẻ với ta những tháng ngày: "Bạn tôi chết ở đây/Ðình Cương đổ chiều cây rũ lá/Mồ bạn không dấu vết/Chơ vơ vòm trắng mây bay", những ai đó hãy đang còn, như những bụi sim héo quắt ngày ấy còn tha thủi dọc những chiến hào khuất lấp.

Trần Anh Thái là người đa cảm. Người làm thơ mà đa cảm thì khổ, dù ai cũng biết thơ gắn với phần đa cảm, phần yếu đuối nhất của con người. Khi những lên gân hô hoán hay gào thét không còn là lá chắn, những nhà thơ sẽ quay trở lại với cái phần dễ vỡ, dễ bị tổn thương nhất của mình. Và khi ấy, "ta ngạt thở chờ bước chân em tới". Thông thường, người ta đọc một tập thơ, một bản trường ca bắt đầu từ trang 1, khúc 1, nhưng tôi quá vội vàng, tôi không thể chờ người bạn lính, người thơ lính dắt tôi đi qua bao thống khổ của đời lính, tôi muốn chồm tới cái kết, tới khúc XI, tới "the end", khi "những trái tim lần tìm nhau run rẩy". Và tôi đã thấy:

"Không có vùng sáng nào đặc quyền"

Tôi đã thấy:

"Chúng ta bị dối lừa trong lời tụng ca rối rắm, giấc mơ vấy đục

Gã hề lăng xăng sàn diễn u mê"

Tôi còn thấy:

"Không ai độc chiếm hào quang

Những sinh linh yếu mềm dựng lên gương mặt trần gian"

Những câu thơ không còn yếu đuối, không hề yếu đuối. Và tôi hiểu: tất cả chúng tôi đã bước qua một thời kỳ khác, một anh hùng ca, một trường ca kiểu khác. Khác với chính chúng tôi, như 50 năm sau khác với 50 năm trước, dù sông Vệ hay núi Ðình Cương vẫn còn. Nhưng ngay những dòng sông và ngọn núi cũng đã khác.

Người làm thơ nào không có những lúc "ngạt thở chờ" những câu thơ tới. Không ai hình dung được gương mặt những câu thơ sẽ tới, và đó chính là bí mật của thơ ca, bí mật của nghệ thuật.

Tôi đọc Trần Anh Thái khoảng vài chục năm nay, và thú thật, tôi nhiều lúc cũng "ngạt thở" vì chưa biết những bài thơ những câu thơ sẽ tới của Thái sẽ có gương mặt thế nào. Ðó là nhà thơ không chịu dừng bước, không chịu định hình quá sớm để tận hưởng những gì mình đã có. Vì như thế, tôi không dám nói trường ca này đã là cái sau cùng của anh, hay đây là cái thành công nhất hay nhì của anh. Tôi đọc nó khi đang "ngạt thở" vì chờ đợi.

Tôi biết, Trần Anh Thái vẫn đang đi. Ngay cả khi "Ngày đang mở sáng". Anh lầm lũi với thơ, ăn chịu với thơ, được và mất với thơ. Khi đã có câu thơ này, trường ca này, là anh đang "ngạt thở" chờ câu thơ khác, trường ca khác. Anh viết như anh thở, viết như anh vui như anh buồn như anh đau như anh chết: "Tôi đã viết như tôi đã chết/Nước mắt tạc vào gió thổi ngàn sau/". Nhưng anh đang sống đây, lấm láp như chính những câu thơ anh viết. (còn tiếp)

Trần Anh Thái sinh năm 1955 tại Tiền Hải, Thái Bình; tốt nghiệp khoa ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội; từng chiến đấu tại các chiến trường miền Trung và Tây nguyên; viết báo, viết tiểu thuyết, làm thơ từ năm 1980. Anh được đánh giá là nhà thơ nổi trội ở thể loại trường ca.

Các tác phẩm đã in:

- Độc thoại trắng (Thơ)

- Vọng trắng (Thơ)

- Chát đắng ngọt ngào (Tiểu thuyết)

- Số phận nghiệt ngã (Tiểu thuyết)

- Đổ bóng xuống mặt trời (Trường ca)

- Ngày đang mở sáng (Trường ca)

- Mỗi loài hoa một mặt trời (Trường ca)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.