Nhà thơ Thanh Thảo - Người kể chuyện thơ trong gió mưa

Việt Chiến
Việt Chiến
11/04/2022 06:34 GMT+7

Tập thơ mới Hát giữa gió mưa của nhà thơ Thanh Thảo (NXB Hội Nhà văn ấn hành) cuốn hút tôi ngay bởi cách kể chuyện thơ thật giản dị, gần gũi với cuộc đời mà vẫn thấm đẫm một chất thơ mang thi pháp của riêng ông.

Ở tập thơ này, dường như Thanh Thảo lắng mình xuống sau những tìm tòi, cách tân ở 17 tập thơ và trường ca trước đây, để tìm một cách diễn-đạt-thơ thật tình cảm, một cách nói-thơ thật dân dã mang hơi thở mộc mạc, chân chất, khó nhọc và thân thuộc của đời sống.

Trong bài thơ Thầy tôi, Thanh Thảo kể chuyện về thân phụ của mình, người một đời vất vả, gian lao: “Khi nằm xuống gói tròn ba tấc đất/khỏi cần điếu văn vớ vẩn lôi thôi/bấy nhiêu đó đổi mười năm tù ngục/bao nhiêu năm cơ cực giữa đời/bấy nhiêu đó kèm theo bao uất ức/gió thoảng mây bay lặng lẽ mỉm cười”, và nhà thơ cầu mong một điều duy nhất, nếu được đầu thai kiếp khác vẫn xin được làm con của cha mẹ mình dù cháo rau khổ cực như dưới mái nhà xưa. Cái đọng lại trong cách kể chuyện thơ này là tình người, tình cha con, tình bè bạn và tình yêu thương.

Bìa tập thơ Hát giữa gió mưa

Việt Chiến

Với bài thơ Những mùi thơm bình dị, Thanh Thảo kể chuyện ngày đi học ông thèm mùi cơm chín, rồi ngày ở chiến khu luôn thèm mùi sắn nướng và đêm ở một vùng quê, mùi ổi đào dẫn ông đi về phía hương tóc của một người con gái để ông thao thức mãi: “có mùi thơm giữa anh và em/còn nghe được cách nhau nghìn cây số/không nước hoa không xạ hương không rõ/vì sao thơm khi mùi ấy yêu thương”.

Trong bài thơ kể chuyện về anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy, người từng bắn rơi 7 máy bay các loại của Mỹ, Thanh Thảo nhấn mạnh vào chi tiết: Sau chiến tranh, các cựu binh phi công hai phía ngày xưa từng đối mặt sinh tử trên bầu trời, nay gặp nhau trở thành bạn bè tâm tình và ông Bảy nói với họ: “Nếu bay nữa có khi tôi chết/hoặc thêm mấy bạn phi công Mỹ không còn trên cõi đời/cuộc chiến tranh kỳ quặc mà buồn quá đi thôi/vì chúng ta sinh ra để là bạn tâm giao/mà phải đi qua cửa những cựu thù”. Câu chuyện giản dị, có hậu và thật cảm động về tình con người sau chiến tranh.

Trong tập thơ Hát giữa gió mưa, Thanh Thảo dành nhiều bài thơ viết về miền Trung, dải đất nghèo khổ, gian khó năm nào cũng oằn mình chìm trong bão lụt. Ông kể chuyện về người nữ ca sĩ nổi tiếng đã đến hát giữa mưa gió, hát cho những người cùng khổ và mang đến cho họ từng bao gạo, từng thùng mì tôm để sẻ chia trong cơn hoạn nạn đói rét.

Kể chuyện Những người tốt không về nữa, Thanh Thảo đã khiến ta xúc động khi nhắc đến những người lính trong đoàn cứu hộ do một vị tướng dẫn đầu đi cứu đồng bào mình ở thủy điện Rào Trăng 3, và 13 người lính ấy đã hy sinh trong vụ sạt lở đất kinh hoàng khiến cả nước đau xót.

Cách kể chuyện độc đáo như viết nhật ký thơ hằng ngày của Thanh Thảo trong tập Hát giữa gió mưa thêm một lần cho ta thấy những ngẫm ngợi, trăn trở, suy tư trước đời sống xã hội, trước con người và đất nước luôn là mạch chảy nhân văn giàu sức lao động sáng tạo nghệ thuật của thi ca ông. Và, Thanh Thảo với những hành trình thơ suốt nửa thế kỷ qua vẫn luôn bền bỉ như thế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.