Nhà thơ Tế Hanh với tình yêu không tuổi 'trăng tròn không nghĩ đến hồi khuyết’

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
19/06/2021 11:07 GMT+7

Tế Hanh là nhà thơ Việt Nam thời tiền chiến, cùng với Nguyễn Vỹ, Bích Khê đã góp thành ba thi nhân Quảng Ngãi nổi tiếng trước năm 1945. Chất liệu làm nên thơ ông là những gì rất đỗi quen thuộc, cùng với... tình yêu không tuổi,

Ngày mai 20.6, đúng 100 năm ngày sinh của nhà thơ Tế Hanh. Ông sinh ngày 20.6.1921 tại làng Đông Yên, xã Bình Dương (H.Bình Sơn, Quảng Ngãi). Năm 1938,  thi sĩ Tế Hanh bắt đầu sáng tác bài thơ đầu tiên Những ngày nghỉ học rồi sau này tập hợp thành tập Nghẹn ngào. Năm 1939 tập thơ này đoạt giải khuyến khích của Tự Lực văn đoàn.

Một trong số nhiều tác phẩm của nhà thơ Tế Hanh

Ảnh: T.L

Đến năm 1942, Tế Hanh và một số bài thơ của ông được Hoài Thanh và Hoài Chân giới thiệu trong quyển Thi nhân Việt Nam. Có thể chia sự nghiệp văn chương của Tế Hanh thành 2 giai đoạn: thời kỳ đầu khi ông đứng trong hàng ngũ phong trào thơ Mới và thời kỳ ông tham gia Việt Minh từ năm 1945 trở về sau. Trong giai đoạn đầu ngoài tập Nghẹn ngào, Tế Hanh còn trình làng tập Hoa niên (1944). Trong hai tập này, chủ đề chính xuyên suốt trong thơ ông là tình yêu, tuổi trẻ và mùa thu, nhân vật chính trong thơ là ông, em (người yêu của ông) và cha mẹ.

Tình yêu của Tế Hanh dường như vô tận

Chất liệu làm nên thơ ông là những gì rất quen thuộc, đó là quê hương với dòng sông, cánh đồng; là hoa quỳnh, rặng liễu, đám cỏ, cây me, cây sấu, bằng lăng; là dế mèn, chim én; đôi khi là ánh trăng, mặt trời và cả những gì từ điển tích như Ngưu Lang, Chức Nữ, nhịp cầu Ô Thước hay sông Ngân, mưa ngâu...
Đâu đó trong thơ ông thấp thoáng những màu tươi tắn: “Trời xanh màu lá xanh, bóng chè xanh”; kế đến là màu “huệ trắng, màu giấy trắng, màu trắng tuyết, màu trắng hoa”; rồi màu cuộc đời “giống như em má ửng hồng”, màu “lá phong đỏ như mối tình đượm lửa”. Không có những màu buồn, u tối trong thơ ông, thay vào đó ngập tràn những “nắng vàng, lá vàng”, cái màu vàng của mùa thu: “Một màu vàng bất tuyệt, Một màu vàng vô biên” hay những câu óng ánh như “rót mật ong trải nắng vàng”, “Hoa cúc vàng như nỗi nhớ day dưa”…
Dường như Tế Hanh rất tiết chế âm thanh, nói cách khác, rất ít âm thanh trong thơ ông, chỉ có “tiếng còi tàu biệt ly” thoáng qua, “tiếng chuông rời rạc”, “tiếng cú kêu lạnh lẽo giục cơn sầu” hay “tiếng kêu mất mẹ bi thương của con gà nhỏ lạc trong thôn”. Ngay cả bài có nhan đề Kể lể, Tế Hanh cũng không cho thấy âm thanh nào cả.
Thời gian trong thơ ông không phải là quá khứ, tương lai hay hiện tại, đơn giản chỉ là những bình minh, hoàng hôn, song hiếm khi đêm tối, chỉ có “buổi chiều trầm mặc”, “dáng chiều lặng lẽ”. Mùa xuân và mùa hạ thoáng qua, quanh đi quẩn lại vẫn là mùa thu, tiếng thu đồng vọng trong thơ ông qua khá nhiều bài.
Sau năm 1945, khuynh hướng sáng tác của Tế Hanh hiện thực hơn, đậm chất tự sự hơn, đặc biệt là trong tập Lòng miền Nam (1956) – một tập thơ nói về quê hương, chiến tranh và con người, tình đồng chí, tình quân dân, khát vọng hòa bình: “Chúng ta nhìn nhau, Hai bàn tay siết chặt, Như đất nước chúng ta không thể nào chia cắt, Bắc Nam máu chảy một dòng”. Hình tượng người mẹ trong thơ ông bây giờ chính là ‘bà mẹ Việt Nam” tham gia kháng chiến. Đến tập thơ Tiếng sóng (1960) thì vẫn còn đó những âm thanh của chiến tranh, song dường như nhẹ nhàng hơn.

Nhà thơ Tế Hanh (phải) và nhạc sĩ Trần Thế Bảo.

Ảnh: T.L gia đình nhà thơ Tế Hanh

Về bố cục, trong giai đoạn đầu sáng tác, phần lớn thơ ông chỉ có 4 câu, thậm chí 2 câu cũng trở thành một bài thơ. Một số bài 8 câu chia thành 2 khổ; mỗi khổ 4 câu. Về sau tăng dần lên, khá nhiều câu 7 – 8 chữ, không có nhiều câu 9 chữ, tuy nhiên lại có những câu cá biệt lên tới 15 chữ (bài Văn xuôi cho em). Riêng bài Tiếng sóng là một trong những bài dài nhất với 15 khổ thơ, những khổ thơ dài nhất có từ 22 đến 25 câu.
Tế Hanh có ít nhất khoảng 30 tập thơ (bao gồm thơ thiếu nhi và tuyển tập). Ông sáng tác cùng thời với Huy Cận, Xuân Diệu và Thế Lữ… Ngoài giải thưởng của Tự Lực văn đoàn kể trên, Tế Hanh đã từng nhận Giải thưởng Phạm Văn Đồng do Hội Văn nghệ Liên khu V tặng và Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học (Nghệ thuật đợt I năm 1996). Bên cạnh những tiểu luận phê bình văn học, Tế Hanh còn đóng góp quan trọng trong việc dịch thơ, ông đã chuyển ngữ hàng trăm bài thơ của những nhà thơ nổi tiếng trên thế giới, trong đó bao gồm Guillaume Apollinaire (Pháp), Alexander Pushkin (Nga), Federico García Lorca (Tây Ban Nha), Mieczysław Jastrun (Ba Lan), Nazim Hikmet (Thổ Nhĩ Kỳ) và Pablo Neruda (Chilê)..., đặc biệt là chuyển ngữ khá nhiều thơ của Paul Éluard, Louis Aragon (Pháp), József Attila (Hungary), Heinrich Heine (Đức) và Andrei Voznesensky (Nga)...

Chất liệu làm nên thơ ông là những gì rất đỗi quen thuộc nơi quê hương với dòng sông, cánh đồng, rặng liễu, đám cỏ, bằng lăng; là dế mèn, chim én

Ảnh: T.L

Nhà thơ Tế Hanh có khá nhiều bài nói về tình yêu, không chỉ thể hiện từ nhan đề bài thơ như Anh yêu em, Ta đã yêu em, Nói về tình yêu, Tình yêu và vĩnh viễn... mà còn rõ nét trong những bài có vẻ như chẳng liên quan đến ái tình: Bão, Trăng, Cái nhìn, Bên phải bên trái hay Con đường... Tình yêu của Tế Hanh dường như vô tận: “Anh yêu em như hoa nở không nghĩ đến giờ tàn, Anh yêu em như trăng tròn không nghĩ đến hồi khuyết”. Ông quy phục trước ái tình: “Anh đến với em là lẽ tất nhiên, Như con sông trở về với biển... Như con chim buổi chiều quay về tổ”…
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.