Nhà thơ Nam Thiên: Để lại cho đời một cái tên…

28/09/2023 07:22 GMT+7

Nếu TP.HCM không có ngày ra quân của Lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) 28.3.1976 làm theo lời căn dặn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt:"TNXP: Đó là sức mạnh đi lên làm đẹp cuộc đời, làm đẹp lòng người của thành phố mới" thì chắc chắn thành phố này không có dòng thơ, văn xuôi TNXP.

Từ năm tháng đó, chúng ta mới có một đội ngũ tác giả mới đã góp phần làm nên một diện mạo văn học mới ngay sau năm 1975. Trong số đó có nhà thơ Nam Thiên, tên thật Ông Văn Chiến, sinh năm 1951 tại Đà Nẵng, vừa mất ngày 24.9.2023 tại TP.HCM...

Nhà thơ Nam Thiên: Để lại cho đời một cái tên…  - Ảnh 1.

Nhà thơ Nam Thiên qua nét vẽ của họa sĩ NOP

1.

Năm 1985, khi đang học năm thứ hai Trường đại học Tổng hợp, tôi được giải nhất cuộc thi thơ của Lực lượng TNXP, lúc ấy anh Nam Thiên đã là cây bút chủ lực của đặc san Tuyến đầu và trên báo chí nói chung. Tôi hết sức ngạc nhiên khi biết người đối diện với mình, gương mặt gầy, khắc khổ ấy đã từng là cựu tù chính trị ở Côn Đảo, vì anh tham gia trong phong trào đấu tranh học sinh sinh viên, lúc đang học Trường đại học Khoa học Sài Gòn.

Khác với nhiều bạn thơ, tôi nhận thấy ở anh là sự khắc kỷ, không xuề xòa với bản thân, đâu ra đó một cách nghiêm túc, thế mà lúc anh cười thì lại khác hẳn. Một nụ cười hết sức trẻ thơ trên gương mặt như trái chín héo, kể ra cũng ngộ nghĩnh hết sức. Những lúc ấy, tôi lại nhớ đến câu thơ của anh:

Nụ cười xung phong bền như đất

Như nắng hồng chan giọt nắng mừng

Thời gian anh sống trong môi trường TNXP gần như hết một thời trai trẻ, hơn 10 năm, từ năm 1976 đến tháng 6.1989. Với "bề dày cống hiến" như thế, anh dễ dàng xin được việc làm chăng? Có lần anh nói như đùa: "Đi đến đâu mình cũng gặp phải câu trả lời: "Kẹt biên chế"". Nào ngờ với… tinh thần TNXP, anh bắt đầu lao một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ: tin học. Anh học giỏi đến mức được mời tham gia xây dựng đề án Điện toán hóa của Q.1, TP.HCM và đi dạy "xóa mù tin học" cho cán bộ, công nhân viên ở trong quận và người lớn tuổi.

2.

Nam Thiên bộc bạch: "Làm thơ, đối với tôi, là một cách ghi nhật ký - nhật ký vần điệu trên đường đời". Do đó, khi đọc thơ anh, ta có thể nhìn thấy dấu vết cụ thể. Thí dụ, bài thơ nổi tiếng Trên đường đời của anh, chính là lấy cảm hứng từ câu nói của anh Lê Tấn Việt Nam - Liên đội trưởng TNXP Liên đội Quyết Tâm, khi trao đổi với đội viên: "Có khuyết điểm thì ghi vào vạt áo để nhớ đời mà phấn đấu. Khóc có ích gì". Từ câu nói đó, Nam Thiên viết ở khổ thơ cuối:

Tìm đâu xa dòng suối

Gột sạch vết áo đen

Có chăng tình đồng đội

Và lòng ta hướng lên.

Do không thấu hiểu ý này, do đó có điều, theo tôi hết sức đáng tiếc là các ca sĩ đã hát sai "Gột sạch vết áo em".

Trường hợp của bài thơ Lời tỏ tình trên đảo Ông Đen (Trương Quang Lục phổ nhạc), nhiều người nhầm tưởng là một hòn đảo nào đó, anh cười khà khà tâm tình: "Đảo Ông Đen là "địa danh" do TNXP đặt cho cù lao sông Đỗ Hòa, nơi đó có nông trường dừa Đỗ Hòa thuộc xã Tam Thôn Hiệp, huyện Duyên Hải (nay là Cần Giờ) vì… anh Phan Tấn Lân - Giám đốc nông trường có màu da khá sậm". Chi tiết này quá sức lý thú.

Nhà thơ Nam Thiên chỉ in hai tập thơ Giữ mãi màu xanh (2014) và Giữa đời mênh mông (2018) nhưng anh đã tạo ra nét riêng - nổi bật nhất vẫn là những bài thơ viết về TNXP, đã có nhiều nhạc sĩ phổ nhạc và trở thành "văn nghệ truyền thống" của lực lượng này.

Viếng anh trong giây phút tiễn anh về cõi khác, tôi thương nhớ tiễn biệt:

"Lời tỏ tình trên đảo Ông Đen"

Đảo thân quen, người cũng thân quen

Thơ anh đã viết thời lửa cháy

Để lại cho đời một cái tên…


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.