Nhà thơ không biết chữ

06/03/2007 21:33 GMT+7

Trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, một chữ bẻ đôi cũng không biết nhưng ông vẫn yêu và vô tư làm thơ, vẽ tranh. Ngoài bài thơ đã đăng trên báo Cứu Quốc, "kho tàng" thơ của ông còn có hơn 100 bài, nhiều bài được rất nhiều bạn thơ nhắc đến...

Tên của ông là Trần Lễ, sinh năm 1918 tại Huế trong một gia đình nghèo có 4 chị em. Ngôi nhà nhỏ nằm bên đường Tăng Bạt Hổ (TP Quy Nhơn, Bình Định) mà ông đang sống và làm thơ những ngày này là nơi mà trước đây rất nhiều người biết đến với cái tên tiệm bánh Pateso. Họ thường gọi ông với cái tên rất "mafia": "Bố già Pateso", đơn giản vì ông là người đầu tiên bán bánh Pateso (bánh nhân thịt, chất liệu bột mì) ở phố biển Quy Nhơn. Ông nhớ lại những ngày tháng "chiến đấu" với lò bánh: Ông lão đầu đầy tro/Từng giọt mồ hôi nhỏ/...Chiếc bánh nở tròn vo/Đêm dài con dế hát/Ngọn đèn thức đợi chờ/...Lửa than hồng mờ tỏ/Chênh vênh chiếc bóng gầy...

Dẫu đã mấy chục năm xa quê hương nhưng ông vẫn tâm sự với tôi bằng chất giọng rất Huế: "Gia đình tui lúc trước ở đường Ngự Viên, Gia Hội, Huế. Nhà nghèo, anh em lớn lên đều phải tự ra đời làm cu li kiếm sống, ngay cả cái tên mà cha mẹ đặt cho, tui cũng không biết. Hồi nhỏ người ta gọi tui là thằng "Sài" vì trên đầu tui toàn là sài với ghẻ. Năm 14 tuổi, đi làm thuê cho một xưởng bánh kẹo, ngày ngày ôm cái rổ kẹo cau, mè xửng lang thang khắp thành phố bán dạo.

Thơ đến với tui tình cờ lắm. Những năm nớ tui yêu một cô gái bán nước chè ở gần nhà, hai đứa yêu nhau say đắm lắm mà không bên nhau mãi được vì đến miếng ăn cũng không lo nổi mà yêu đương mần gì: Yêu em không dám xây thành mộng/Sợ bén duyên rồi khó nói năng/Đêm lạnh trăng tàn nghiêng gối lạnh/Giựt mình trở giấc, ánh sao băng. Hồi nớ, tui không biết chữ, hễ gặp ai biết chữ, tui đọc nhờ họ chép giùm! Cách đây 8 năm, khi ở tuổi 81, sau nhiều năm tháng nhìn riết rồi quen mặt chữ, tui mới tự chép được những vần thơ của mình. Tuy nhiên, do tự học nên viết sai lỗi chính tả là chuyện thường tình".

Sau mấy năm lang thang bán kẹo ở đất thần kinh, ông lưu lạc vào Nha Trang và đi bộ đội. Ông gửi gắm nỗi nhớ quê hương của mình vào thơ: Mấy chục năm xa Huế/Gởi về quê tấm lòng/Con tằm không dứt được bãi dâu/Mình mần răng quên được mùi cơm hến?/...Nón rách chờ em...đêm mưa Bến Ngự/Chén bánh bèo đỡ dạ dốc Nam Giao/...Đêm trăng rằm nghe tiếng em hò/Chở mít xuôi dòng ghé chợ Đông Ba... Thơ của Trần Lễ rất thật, bình dị vì nó gắn với cuộc đời cơ cực nay đây mai đó của ông. Ngoài tài làm thơ bẩm sinh, ông còn trình làng nhiều bức tranh sơn dầu tuyệt đẹp dẫu chưa qua một khóa học vẽ nào...

Trong thời gian ở chiến trường Liên khu 5, ông bị thương và được chuyển về Quảng Ngãi điều trị. Thời gian lưu lại bên dòng Trà Khúc, ông làm thơ cho tờ báo tường của đơn vị, sau đó học nghề cắt tóc... Bài thơ đầu tiên được đăng trên tờ Cứu Quốc với bút danh Ngọc Vui. Thơ ông đầy dũng khí: Cha cày sâu cuốc bẫm/Mẹ giãi gió dầm sương/Con là quân giải phóng/Xin hiến giọt máu đào/Trong tim con còn nóng/Để đáp ơn đồng bào. Khi bài thơ vừa được đăng, nhiều người kháo nhau có nàng Ngọc Vui nào mà làm thơ hay thế! Khi được gặp, họ mới tá hỏa nhận ra "nàng" Ngọc Vui là "chàng" và càng ngạc nhiên hơn vì "chàng" không biết chữ.

Sau năm 1954, do bị thương, ông xuất ngũ và trôi dạt vào sống cùng 2 chị gái ở Đập Đá (huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định). Suốt những năm đó, ông làm thợ hớt tóc rồi chuyển vào Quy Nhơn cùng lúc mở tiệm vẽ, tiệm bánh Pateso, lấy vợ và gặp họa sĩ Cao Bá Đạt (khi đó là cậu bé đánh giày thường xuyên lui tới tiệm của ông). Ông nhận Cao Bá Đạt làm con, nuôi ăn học, đến bây giờ là một trong những họa sĩ có tiếng.

Giờ đây, ở cái tuổi gần đất xa trời, con cái của ông đã thành đạt, trong ông vẫn còn nguyên niềm khát vọng được sống, được yêu: Em đi rồi/Ôi! Viên ngọc quý/Lấp lánh hoài trong trái tim si... cũng như luôn nặng tình với xứ Huế: Mưa bay trên núi Ngự/Tiễn nhau qua Trường Tiền/Mắt lệ sầu ly biệt/Nước sông Hương triền miên...

Cao Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.