Nhà thơ Hồ Huy Sơn và ‘Những ngọn đèn thơm’ thấm đẫm hồn quê Việt

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
03/06/2022 11:54 GMT+7

Từng khẳng định “thương hiệu” Hồ Huy Sơn bằng những tập truyện ngắn, thơ, tản văn dành cho người lớn, giờ đây với Những ngọn đèn thơm , Hồ Huy Sơn tích lũy thêm vào gia tài tác phẩm mới để giải tỏa niềm đam mê thơ thiếu nhi.

Tác phẩm mới Những ngọn đèn thơm của nhà thơ Hồ Huy Sơn (do Sbooks và NXB Văn học vừa ấn hành), gồm 42 bài thơ, chủ yếu được viết bằng thể thơ bốn chữ, năm chữ, gần gũi, dễ đọc, dễ nhớ.

Tác giả chia sẻ rằng có những bài được sáng tác từ khi còn là cậu học sinh ngồi trên ghế nhà trường, có những bài vừa được đặt bút gần đây. Nhưng có lẽ khi đọc, người đọc khó mà nhận ra bài nào được viết vào khoảng thời gian nào, bởi tất cả đều trong trẻo, ngây thơ, hồn nhiên, được viết dưới một lăng kính rất trẻ thơ và rất là... con nít.

Những ngọn đèn thơm của nhà thơ Hồ Huy Sơn do Sbooks và NXB Văn học ấn hành, gồm 42 bài thơ, chủ yếu được viết bằng thể thơ bốn chữ, năm chữ, gần gũi, dễ đọc, dễ nhớ

NVCC

Nhân vật trong tất cả các bài thơ hiện lên là một cô bé hay cậu nhóc - ở nhiều vai trò khác nhau: người cháu, đứa con, học trò, em, bạn - mà rất có thể bạn sẽ cảm giác thân thuộc, như thấy hình ảnh của mình trong đó. Người cháu thích thú khi được về quê thăm bà và tận hưởng sự bình yên của thôn làng, yêu những đêm hè được nghe bà kể chuyện: “Mùa thu cháu về ngoại/Lúa vàng đầy sân phơi/Thân quen như chăn ấm/Đang hong dưới nắng trời”… nhưng cũng lại hí hửng mời gọi bà lên thành phố và hứa hẹn chăm sóc khu vườn trên sân thượng để bà không cảm thấy lạc lõng nơi phố thị: “Vườn rau luôn xanh mướt/Mai mốt cháu đón bà/Từ quê ra thành phố/Bà thấy như quê nhà!”.

Mạch thời gian trải dài xuyên suốt từ mùa xuân, sang hè, qua thu...

Đọc tập thơ, chính nhà thơ Lê Minh Quốc thốt lên: “Thật lạ, anh đã nhìn thấy trong giấc mơ của bé có bà tiên xuất hiện, cũng phải thôi, ngay từ thời thơ bé thì ai lại không nghĩ đến bà tiên, ông bụt? Mà, bà tiên này, 'nhân vật' của anh đã phát hiện cực ngộ: Rồi cháu vào giấc ngủ/Mơ gặp thấy bà Tiên/Ơ hay sao lạ quá/Giống hệt bà của em… Một tình cảm ấm áp của tình bà cháu. Một sự liên tưởng hoàn toàn hợp lý mà chỉ trẻ con mới cảm nhận được thế. Và, qua tình mẹ con, anh cũng có góc nhìn, cách nói dí dỏm và bất ngờ lắm đây”.

Không gian thơ của Hồ Huy Sơn hướng người đọc về những miền yên ả, ấm êm của miền quê Việt

Bìa tác phẩm mới nhất của Hồ Huy Sơn

nvcc

Cũng theo nhà thơ Lê Minh Quốc: “Đọc thơ của thiếu nhi, viết thơ cho thiếu nhi há chẳng phải là lúc ta quay về với tính thiện đấy sao? Lâu nay, chúng ta vẫn bảo trẻ con phải học ở người lớn, đúng lắm, nhưng xin thưa, có lúc ngược lại đấy: Lúc áo mẹ sờn vai/Chuồn chuồn kim vá nhỉ?/Không đâu, em chăm chỉ/Vá áo cho mẹ thôi. Mấy ai trong chúng ta còn nhớ đến lời yêu thương mà mình đã từng thốt ra, từ thời thơ bé? Câu thơ như một sự nhắc nhở. Bỗng giật mình. Và xao xuyến. Ơ hay, năm tháng đi qua lúc nào mà mình đã quên? Cám ơn Sơn đã nhắc. Vậy đó, thơ cho thiếu nhi còn dành cho người lớn nữa, bởi sự trong trẻo ấy chúng ta đã đánh mất, nay qua thơ, đứa bé ấy lại nhắc nhớ. Rồi, chúng ta đôi lúc thầm hỏi tại sao trẻ con lại thường có cái nhìn… rất trẻ con?”.

Không chỉ để nhân vật chia sẻ tình cảm thôi đâu, qua những vần thơ, tác giả còn dặn dò bé những điều hay lẽ phải, lồng ghép nhiều bài học nho nhỏ gửi tới các em bé như nên bỏ rác vào thùng, mỉm cười chào bạn mới, tập viết ngay ngắn… Có khi chỉ đơn giản là các bạn nhỏ nên rửa tay trước khi ăn: “Giờ ăn đến rồi/Bé ơi hãy nhớ/Rửa tay sạch sẽ/Rồi chia đũa thôi!”.

Hay cần quý trọng tình bạn: “Tình bạn đâu tốn kém/Giúp đỡ nhau khi cần/Không thể nào đong đếm/Rồi đưa lên bàn cân!”.

Hoặc đừng quên thể hiện tình cảm với vạn vật xung quanh: “Cây cũng thích được ôm/Ngày ngày thêm lá thắm/Không thích bị bẻ cành/Làm vậy, đau cây lắm!”.

Và phải yêu thiên nhiên thì tác giả mới quan sát cây cỏ, các con vật một cách tỉ mỉ, tinh tế và đưa vào thơ nhiều phép so sánh, liên tưởng thú vị. Thật ấn tượng khi tưởng tượng cá lóc và ánh trăng thi bơi, chuồn chuồn ớt là quả ớt biết bay, hay búp sen vươn lên giữa đầm lầy được so sánh như những ngọn đèn biết tỏa hương thơm: “Dưới tán lá xanh mướt/Giống chiếc ô đội đầu/Từng búp hồng lấp ló/Khác chi ngọn đèn đâu!”.


Nhà thơ Hồ Huy Sơn ký tặng bạn đọc đặt mua sách của anh tại Đường Sách TP.HCM

NVCC

Mạch thời gian trong những bài thơ trải dài xuyên suốt từ mùa xuân, sang hè, qua thu... từ lúc con còn nằm trong vòng tay mẹ đến khi con đã lớn biết chia đũa mời bố mẹ ăn cơm, từ buổi sáng tới đêm khuya… như mỗi con người vẫn lớn lên không ngừng nghỉ.

Không gian thơ của Hồ Huy Sơn hướng người đọc về những miền yên ả, ấm êm của miền quê Việt, với những đống rơm vàng óng, lúa chín đầy sân phơi. Cùng với những hình vẽ sinh động, dễ thương của họa sĩ Thuần Nhất An là biết bao kỷ niệm tuổi thơ được nhắc nhớ, nào những buổi chăn trâu, thả diều trên triền đê, nào những trò chơi mà tuổi nhỏ chơi hoài không chán như kéo mo cau, chọi cỏ gà, bập bênh… để độc giả có dịp cùng Hồ Huy Sơn trở về "miền xanh thẳm'’ thơ ngây thời đèn sách.

Nhà thơ Hồ Huy Sơn sinh năm: 1985, quê Quỳnh Lưu - Nghệ An, hiện đang sống và làm việc tại TP.HCM.

Tác phẩm đã xuất bản:

- Ngày lạ (thơ, NXB Hội Nhà văn, 2009)

- Cơm nhà cơm người (tập truyện ngắn, NXB Trẻ, 2012)

- Rồi lẻ loi như gió (thơ, NXB Hội Nhà văn, 2016)

- Những đóa hoa lạ nhà (tạp bút, NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2017)

- Hát lời cho quả sai (chân dung văn nghệ, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2017)

- Một cảnh không có trên phim (tập truyện ngắn, NXB Phụ nữ, 2018)

- Mây vẫn bay trên bầu trời thành phố (tập truyện ngắn, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2021)

Một số tác phẩm dành cho thiếu nhi:

- Con trai con gái (NXB Kim Đồng, 2007)

- Thả chim về trời (NXB Kim Đồng, 2012)

- Bộ Kỹ năng dành cho trẻ từ 1-6 tuổi (First News và NXB Tổng hợp TP.HCM, 2016)

- Con diều ngược gió (First News và NXB Tổng hợp TP.HCM, 2017-2018- 2019)

- Đi qua những mùa vàng (NXB Kim Đồng, 2017)

Giải thưởng:

- Giải nhất văn Báo Thiếu niên Tiền phong năm 2004

- Giải khuyến khích thơ Báo Thiếu niên Tiền phong năm 2004

- Giải nhất thơ Báo Mực Tím năm 2007

- Giải khuyến khích thơ Báo Tuổi trẻ năm 2007

- Giải khuyến khích thơ Website thotre.com năm 2007

- Giải ba cuộc thi truyện ngắn Yume 2011

- Giải thưởng Hồ Xuân Hương, Hội Văn học Nghệ thuật Nghệ An năm 2011

- Giải 4 truyện ngắn Sáng tác Văn học trẻ năm 2018 do Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh tổ chức.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.