Nhà thơ Hải Đường với ‘Lãng mạn 4.0’, tiếng bước chân như lá

27/02/2021 09:00 GMT+7

Lãng mạn 4.0 của nhà thơ Hải Đường chỉ 45 bài, gọn ghẽ với 95 trang in. Đọc tập thơ, cảm nhận chung nhất là sự trăn trở và hoài niệm, với cả đời, cả thơ.

Gọi là Lãng mạn 4.0 nhưng thực ra chẳng hề lãng mạn, ngay cả với thơ cũng đầy suy tư: “người máy làm thơ/ người máy vẽ tranh/ tranh chẳng cần trường phái/ thơ chẳng cần trái tim”.
Sinh ra và lớn lên ở một làng quê thuộc Vụ Bản (Bình Lục - Hà Nam), mười bảy tuổi khoác ba lô lên đường chiến đấu, là một chiến sĩ công binh thời chiến (nhập ngũ năm 1972), Hải Đường bắt đầu viết tin bài cho báo Công BinhQuân đội nhân dân. Sau này anh chuyển về báo Nhân Dân (Ban Xây dựng Đảng - năm 1989) cho đến lúc nghỉ hưu.
Lãng mạn 4.0 (NXB Hội Nhà văn, 2019) là tập thơ thứ 6 của Hải Đường, tập thơ viết khi nhà thơ đã về hưu nhưng vẫn đầy ắp ưu tư. Không chỉ chuyện trong nước mà chuyện thế giới vẫn làm ông suy nghĩ. Có thể kể ra đây Cuộc họp báo lúc nửa đêm nói về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều được tổ chức tại Hà Nội, năm 2019; Từ nốt lặng này nói về quan hệ hai miền trên bán đảo Triều Tiên; Máu ở Las Vegas ông viết về bạo lực ở Mỹ. Và dù là gặp Người lính già bên quầy báo, hay bạn mình ra Tuyển tập, hay gặp người đạp xích lô đi bỏ phiếu... cũng chỉ là “cái cớ” để nhà thơ nói những câu chuyện ngoài thơ.
Người nào thì văn nấy, người xưa nói chả bao giờ sai. Hải Đường ngoài đời, dù cao lực lưỡng nhưng tính cách, căn cốt của ông gần với dân dã. Thơ không giấu được ông. Đọc những bài thơ “rất người” của ông, không thể không thú vị. Ngày đầu tiên nghỉ hưu là một trong số đó.
Năm 2016, nhà thơ Hải Đường nghỉ hưu. Đến tuổi thì nghỉ hưu, nhưng về tâm lý, ai cũng khá bâng khuâng, vì đời người chính thức chuyển rẽ. Với Hải Đường, rất thơ: “Ly cà phê nguội ngắt/ Hoa hồng thơm dè dặt/ Mây ngang cửa tần ngần”. Bài thơ này có 7 khổ, có những khổ thơ, Hải Đường tỏ ra rất hóm hỉnh: “Chuông điện thoại đồ hồi/ Họp hành chi ấy nhỉ/ Ồ có người nhấp máy/ Xin lỗi bác nhiều nhiều”; “Sắp đến giờ giao ban/ Gọi điện cô thư ký/ Vọng TU TU hồi dài/ Đâu rồi môi với má”…
Ngày đầu tiên nghỉ hưu không phải là Hải Đường viết về ngày đầu tiên của mình, ông giễu nhại, phải nhìn ra, nhìn rộng mới biết. Với Hải Đường thì khác, ông là một thi sĩ: “Tiếng bước chân như lá/ Nhẹ rơi bên cầu thang/ Vợ ơi thương mến quá/ Tóc vẫn cao dịu dàng!”. Khổ này Hải Đường mới viết cho riêng mình.
Bình Lục là vùng chiêm trũng, vùng lúa. Nhà thơ Hải Đường không lạ gì với cày bừa cấy hái và bao công việc đồng áng khác. Nhưng trong chức trách công vụ, ông cũng đã đi hết năm châu bốn biển, chắc chắn chẳng lạ gì khách sạn sáu sao. Thế mà, vẫn là chất hóm hỉnh của Hải Đường: “Tưởng năm sao đã là bậc nhất/ nay lạc vào khách sạn sáu sao/ gã nông dân tôi lạc trong ánh sáng” (Viết trong khách sạn sáu sao). Đọc khổ thơ này và nhất là câu thứ 3, ít người để ý đến các từ “lạc trong ánh sáng”. Có một “tầng khác” sau 2 từ “ánh sáng”. Nhà thơ xứ Nghệ, Thạch Quỳ có câu nói khá hay: “Thơ nằm ngoài sự hiểu biết của con người về thơ” chính là như vậy.
"Đất quê nghèo cứ ngỡ chiêm bao
Biệt thự vi la sau ngày đổi đất
Ô ruộng trũng quay vòng chóng mặt
Giờ chỉ còn trong trí nhớ mẹ ta
...
Người bạn cũ cũng khuôn mặt khác
Lời thương yêu chót lưỡi đầu môi
Cái bắt tay như thể là lần cuối
Cỗ máy người rung lắc mãi không thôi"
Cái chính Hải Đường muốn nói nằm ở hai khổ thơ này. Nhà thơ cất lên tiếng lòng xa xót. “Mai tôi về chốn xưa bờ bãi/ nồng nàn rơm rạ hương quê”, ông thấy lạ lẫm, sợ hãi với cơn lốc thị trường, xa xót đến mức muốn chạy trốn.
Lãng mạn 4.0 mà không hề lãng mạn. Ngồn ngộn sự đời, sự người; ngồn ngộn nhân sinh, nhân thế. Trong tập thơ này, có nhiều bài Hải Đường nói về chiến tranh và người lính thời hậu chiến. Người đã đi qua chiến tranh, không thể hết ám ảnh. Hải Đường có những câu thơ hay, tài hoa, xuất thần trong những điều tưởng cũ. Hơn hết, thơ anh, đẫm chất thế sự. Đọc bài nào cũng nhận ra một Hải Đường lắng lo, ngay trước thềm năm mới: “Năm mới/ phố mới/ hàng xóm mới/ lời chúc quen làm sao” (Năm mới). Từ việc quan sát nhịp điệu cuộc sống, Hải Đường bất ngờ triết lý: “Áo xống thay mặc vào/ làm mới mình/ chẳng dễ”. “Làm mới mình/ chẳng dễ” là đơn vị câu hay nhất của bài thơ, hàm chứa tính triết lý.
Người dân đi chùa xin lộc đầu năm để cầu mong được khỏe mạnh, gia đình no ấm an yên. Người Việt rất có niềm tin vào đức Phật. Thành kính cầu xin ắt sẽ được hưởng lành. Ước nguyện một năm mới an lành cho gia đình và người thân cũng sẽ được phù hộ. Hải Đường không ngoại lệ. Thế nhưng, đời sống tâm linh ngày càng trở nên xô bồ. “Chen lấn là điều không thể/ Thôi về ngõ nhỏ nhà ta/ Phật ở trong lòng mình đấy/ Nam mô a di đà!” (Đầu năm đi lễ chùa). Ở bài thơ này, Hải Đường cũng đã mới hóa tục ngữ cha ông để lại “Thứ nhất là tu tại gia/ Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa” bằng ngôn ngữ của thi ca.
Với trường cảm xúc này, trong Lãng mạn 4.0 còn gặp ở rất nhiều bài: Hà Nội sáng mồng một Tết, So sánh, Ngụ ngôn, Những ô nề trên phố, Lời một bác sĩ nha khoa... Gần như nghề báo đã “vận” vào tâm hồn thi sĩ của Hải Đường, anh không thoát ra được khỏi cuộc sống. Thơ anh ngày càng thời cuộc hơn, thế sự hơn. Có thể gọi Lãng mạn 4.0 là tập thơ của thời cuộc, thế cuộc được thi ca hóa, qua tâm hồn, góc chiếu của một tâm hồn thi sĩ.
Đọc thơ Hải Đường, tôi nhớ câu nói của nhà thơ, TS. Lê Tuấn Lộc tại một hội thảo: “Thơ không phản ánh cuộc sống thì phản ánh cái gì?”. Trong cái thực có cái ảo, trong cái ảo có các tầng của cái thực, ảo dự báo được thực, theo tôi đó là thiên chức của thi ca. Cách đây hơn 2 thế kỷ, Vissarion Grigor’evich Belinskij (1811 - 1848), nhà phê bình văn học, nhà chính luận, nhà dân chủ cách mạng, nhà triết học duy vật Nga từng đưa ra quan điểm: “Thơ trước hết là cuộc đời sau đó mới là nghệ thuật”. Điều này đúng trong mọi trường hợp, như trong Lãng mạn 4.0.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.