Nhà thơ đoạt giải Nobel Louise Glück qua đời ở tuổi 80

14/10/2023 08:19 GMT+7

Louise Glück, nhà thơ Mỹ đoạt giải Nobel Văn học năm 2020 với những bài thơ tưởng chừng như đơn giản nhưng tiết lộ sự thật sâu sắc về tình yêu, sự mất mát và sống còn, đã qua đời ở tuổi 80 hôm 13.10.

"Thơ của Louise Glück nói lên nhu cầu không thể lay chuyển của chúng ta về kiến thức và sự kết nối trong một thế giới thường không đáng tin cậy. Tác phẩm của bà là bất tử", Jonathan Galassi, biên tập viên tại Nhà xuất bản Farrar, Straus and Giroux, biên tập viên lâu năm các tác phẩm của Glück nhận định với CNN chiều ngày 13.10.

Nhà thơ đoạt giải Nobel Louise Glück qua đời ở tuổi 80 - Ảnh 1.

Nhà thơ Mỹ gốc Do Thái Louise Glück

CNN

Louise Glück là một trong những nhà thơ Mỹ được trao nhiều giải thưởng nhất trong thời đại của bà: giải Pulitzer về thơ năm 1993 cho tuyển tập The Wild Iris, giải thưởng Sách Quốc gia về thơ năm 2014 cho tập thơ Faithful and Virtuous Nigh, Huân chương Nhân văn Quốc gia vào năm 2015 do Tổng thống Barack Obama trao tặng, cùng với nhiều danh hiệu khác.

Theo ủy ban trao giải Nobel, bà thường được ca ngợi là một nhà văn dễ tiếp cận, người có tác phẩm "làm cho sự tồn tại của cá nhân trở nên phổ biến".

Louise Glück sinh năm 1943 ở New York và lớn lên ở Long Island. Bà viết trong tiểu sử đoạt giải Nobel của mình rằng nghệ thuật được coi là "tiếng gọi cao quý" trong gia đình.

Cha bà, một người Do Thái nhập cư, đồng sáng lập thương hiệu dụng cụ văn phòng X-Acto, đã khuyến khích Glück và các anh chị em của bà theo đuổi niềm đam mê sáng tạo, viết truyện, tham gia các lớp học âm nhạc, kịch và khiêu vũ. Bà đã gửi cuốn sách hoàn chỉnh đầu tiên của mình cho các nhà xuất bản ở tuổi 16. Mặc dù cuốn sách này không được xuất bản nhưng những dòng bà viết ở tuổi thiếu niên đã xuất hiện dù "được tái tạo lại một chút" trong các tác phẩm sau này.

Louise Glück bị đuổi khỏi trường trung học trong năm cuối cấp để điều trị chứng rối loạn ăn uống. Sau khoảng một năm điều trị, bà đăng ký tham gia hội thảo thơ tại Đại học Columbia ở quê hương New York.

Bà mới 23 tuổi khi hoàn thành tập thơ xuất bản đầu tiên của mình- Firstborn - năm 1968, nhưng sau đó lại rơi vào thời kỳ bế tắc mãnh liệt. Nhà thơ gọi đó "sự im lặng kéo dài". Sự im lặng đó kéo dài đến gần năm 30 tuổi, cho đến khi bà được mời giảng dạy tại trường Cao đẳng Goddard ở Plainfield, Vermont. Bà gọi nghề mới của mình là một "phép màu" và là nghề đã truyền cảm hứng để cầm bút trở lại.

"Tôi cảm thấy có nghĩa vụ đối với những bài thơ của chính mình… Tôi cũng cảm thấy có nghĩa vụ tương tự đối với tác phẩm của người khác, điều đó có nghĩa là tôi có thể làm việc ngay cả khi tôi không có tác phẩm của riêng mình", bà nói trong lần xuất hiện năm 1988 của chương trình Poetvision trên truyền hình.

Chính trong khoảng thời gian làm việc hiệu quả này, bà có Noah, nay đã 30 tuổi. Làm mẹ đơn thân, Glück đã thử thách bản thân bằng cách mở rộng tác phẩm của mình từ những suy ngẫm về tình yêu và sự mất mát trong The Triumph of Achilles xuất bản năm 1985 cùng những trải nghiệm của chính bà, từ vai trò làm mẹ cho đến lần tan vỡ cuộc hôn nhân thứ hai và cái chết của chị gái được thể hiện trong Vita Nova (1999).

Nhưng giống như những tác phẩm mà bà từng yêu thích khi còn nhỏ, những bài thơ khiến Glück được biết đến nhiều nhất đều là những cuộc đối thoại riêng tư giữa người viết và người đọc. Như lời bà giải thích trong bài phát biểu nhận giải Nobel năm 2020: "Tôi thích cảm giác rằng những gì thơ ca nói ra là thiết yếu và cũng riêng tư".

Nhà thơ đoạt giải Nobel Louise Glück qua đời ở tuổi 80 - Ảnh 2.

Bà nhận Huân chương Nhân văn Quốc gia vào năm 2015 do Tổng thống Barack Obama trao

FOX5ATLANTA

Câu thơ của bà không rườm rà nhưng chính xác và rõ ràng. Louise Glück viết về sự thay đổi, nỗi đau buồn, sự sống sót. Chủ đề thứ hai đã trở thành động lực, phần lớn được viết vào mùa hè năm 2020 trong thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch Covid-19. Trong Song - một bài thơ buồn vui lẫn lộn từ tuyển tập năm 2022, một nhân vật tên Leo Cruz đã truyền cảm hứng cho Glück mơ về một thế giới sau đại dịch, khi nghệ thuật không chỉ đơn thuần là hình thức để sinh tồn.

"Đúng vậy, thế giới đang tan rã. Nhưng tất cả chúng ta đều ở đây, chúng ta vẫn còn sống. Đó là sự bướng bỉnh của con người", bà nói trong một cuộc phỏng vấn năm 2022 với Sam Huber của tờ Nation.

Louise Glück tiếp tục viết và giảng dạy cho đến cuối đời, gần đây nhất là giáo sư tại Đại học Yale ở New Haven, Connecticut, Đại học Stanford, California. Việc giành được giải Nobel Văn học đã truyền cảm hứng cho "sự hoảng loạn", như bà đã nói trong bài phát biểu nhận giải.

"Viết lách vẫn là điều khó nắm bắt. Tôi luôn là người khao khát trở thành một nhà thơ, tạo ra điều gì đó chưa từng nghe thấy trước đây. Đó quả là một điều kỳ diệu", Louise Glück cho biết vào năm 2020.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.