Nhà sập gần 4 năm nhưng không thể xây lại vì tranh chấp lối đi

Hải Phong
Hải Phong
06/01/2024 07:07 GMT+7

Ngôi nhà của gia đình bà Nguyễn Thị Bằng (50 tuổi, ở thôn Tân Hy 1, xã Bình Đông, H.Bình Sơn, Quảng Ngãi) bị sập do bão nhưng không thể xây dựng lại vì vướng vụ kiện tranh chấp lối đi với hàng xóm nên phải ở nhờ nhà người thân gần 4 năm qua.

Theo bà Bằng, tháng 9.2009, do ảnh hưởng của thiên tai, căn nhà của gia đình bà tại khu vực bờ sông Trà Bồng, gần cửa biển Sa Cần (thuộc thôn Tân Hy 1), bị hư hỏng. Ngày 10.12.2010, bà Bằng có đơn "xin xây bờ kè nhà chống bão lụt" gửi UBND xã Bình Đông và được Chủ tịch UBND xã lúc đó xác nhận đồng ý. Sau đó, gia đình bà Bằng xây dựng bờ kè phía sau nhà để bảo vệ tài sản và chống triều cường xâm thực gây sạt lở. Còn gia đình bà Ngô Thị Cúc, sống bên cạnh nhà bà Bằng, đã dùng bờ kè chắn sóng này làm lối đi tạm vào nhà. Hằng năm, gia đình bà Bằng bỏ công, của để tôn tạo bờ kè ngày một vững chãi hơn.

Nhà sập gần 4 năm nhưng không thể xây lại vì tranh chấp lối đi- Ảnh 1.

Lối đi trên bờ kè chắn sóng đang xảy ra tranh chấp.

Nhà sập gần 4 năm nhưng không thể xây lại vì tranh chấp lối đi- Ảnh 2.

Ngôi nhà của bà Bằng hư hỏng nặng do bão, suốt 4 năm chưa thể xây dựng lại vì vướng tranh chấp lối đi.

Ảnh: Hải Phong

Năm 2020, cơn bão số 9 đổ bộ khu vực cửa biển Sa Cần, ngôi nhà của bà Bằng bị sập một phần, hư hỏng nghiêm trọng. Gia đình bà lên kế hoạch sửa chữa lại ngôi nhà và phần bờ kè bị hư hỏng thì bất ngờ gia đình bà Cúc gửi đơn đến UBND xã Bình Đông đề nghị giải quyết tranh chấp lối đi.

UBND xã Bình Đông tiếp nhận vụ việc và tiến hành họp, lập biên bản hòa giải giữa các bên liên quan vào ngày 18.8.2021. Tiếp đó, đã có rất nhiều lần hòa giải nhưng bất thành. UBND xã Bình Đông đã yêu cầu gia đình bà Bằng không can thiệp thay đổi hiện trạng toàn bộ khu vực bờ kè. Vì vậy, gia đình không thể sửa chữa lại nhà cửa nên phải xin ở nhờ nhà cha ruột của bà Bằng gần 4 năm nay. Gia đình bà Bằng (có 4 người) rất bức xúc vì có đất, có nhà hợp pháp nhưng bị "treo", không thể sửa chữa để ở.

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, đến đầu tháng 1 năm nay, ngôi nhà của bà Bằng ở sát sông Trà Bồng đã bị sập, hư hỏng nặng. Phần bờ kè đang tranh chấp cũng hư hỏng. Ngôi nhà không có người ở trong thời gian dài bị cỏ dại mọc, ngói bể khắp nơi, tường bám đầy rêu, nhiều hạng mục xuống cấp do bị phơi ngoài trời trong thời gian dài. Cạnh đó, ngôi nhà của bà Cúc có cổng vào nối liền với phần lối đi trên bờ kè chắn sóng và xây dựng lồi ra bờ sông Trà Bồng so với nhà bà Bằng khoảng 4 m.

CẦN MINH BẠCH TRONG GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP

Khi vụ tranh chấp còn chưa được giải quyết, UBND xã Bình Đông mời vợ chồng bà Bằng lên làm việc liên quan đến hành vi xây dựng trái phép công trình trên đất do nhà nước quản lý, trong đó có phần bờ kè mà gia đình đã xin phép xây dựng. Tiếp đến, ngày 15.9.2023, UBND xã Bình Đông gửi thông báo yêu cầu gia đình bà Bằng tháo dỡ công trình trên phần diện tích đất thuộc thửa 121, tờ bản đồ số 86, bao gồm phần bờ kè xây kiên cố từ năm 2010 và các vật kiến trúc khác trên bờ kè.

UBND xã Bình Đông cho rằng đơn xin phép xây dựng bờ kè năm 2010 của gia đình là để xây trên phần diện tích đất mà gia đình bà đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) chứ không phải trên diện tích đất thuộc thửa 121, tờ bản đồ số 86. Bà Bằng cho rằng quan điểm của UBND xã Bình Đông là không đúng với thực tế và quy định của pháp luật hiện hành. Bởi theo quy định thì việc xây dựng công trình, nhà ở trên đất đã được cấp sổ đỏ tại khu vực nông thôn không bắt buộc phải xin phép. "Việc lấn sông, xây dựng bờ kè hay công trình trên đất do nhà nước quản lý là việc làm tự phát và xảy ra rất nhiều. Gần như tất cả các hộ dân sống dọc sông Trà Bồng, đoạn từ cầu Trà Bồng cũ hướng ra cửa biển Sa Cần đều xây dựng công trình trái phép chứ không riêng gì gia đình tôi", bà Bằng nói.

Theo bà Bằng, việc UBND xã Bình Đông xác định hộ gia đình bà có hành vi vi phạm và chỉ yêu cầu mỗi gia đình bà tháo dỡ là chưa hợp lý và không thỏa đáng. Hơn nữa, việc yêu cầu tháo dỡ trong thời gian giải quyết tranh chấp với hộ gia đình bà Cúc có dấu hiệu không rõ ràng, minh bạch. "Các cấp chính quyền cần làm sáng tỏ, minh bạch trong giải quyết tranh chấp để gia đình tôi không bị thiệt thòi. Có đất, có nhà mà không được xây dựng lại để ở. Gần 4 năm nay, gia đình tôi phải đi ở nhờ nhà cha ruột của mình. Tôi rất buồn", bà Bằng nói.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phan Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Bình Đông, cho rằng gia đình bà Bằng và bà Cúc đều có xây dựng công trình trái phép trên đất do nhà nước quản lý. Chính quyền đã làm việc với đại diện hai gia đình và yêu cầu tự nguyện tháo dỡ phần diện tích xây dựng trái phép nhưng đến nay vẫn chưa có gia đình nào thực hiện. "Hiện chính quyền địa phương đang làm các thủ tục cần thiết để trình, kiến nghị UBND H.Bình Sơn xem xét giải quyết theo thẩm quyền. Tình huống xấu nhất sẽ tham mưu UBND H.Bình Sơn ra quyết định cưỡng chế để giải quyết vụ việc. Vì vụ tranh chấp lối đi của hai gia đình này diễn ra trong thời gian dài và đã có rất nhiều lần hòa giải nhưng bất thành", ông Đông nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.