Nhà sáng chế vắc xin AstraZeneca: Đại dịch tiếp theo sẽ 'chết chóc' hơn

06/12/2021 19:30 GMT+7

Các đại dịch trong tương lai có thể gây chết nhiều người hơn cuộc khủng hoảng Covid-19 ở hiện tại, nhà khoa học đã phát triển vắc xin Oxford/ AstraZeneca cảnh báo.

Bà Sarah Gilbert, một trong những người đã phát triển vắc xin AstraZeneca

BBC

BBC ngày 6.12 đưa tin trong bài giảng Richard Dimbleby lần thứ 44 nhằm tưởng nhớ phát thanh viên quá cố của BBC Richard Dimbleby, giáo sư Sarah Gilbert kêu gọi dành nhiều nguồn lực hơn trong việc đối phó đại dịch để giữ gìn các tiến bộ đạt được ở hiện tại.

"Đây sẽ không phải là lần cuối cùng virus đe dọa cuộc sống và sinh kế của chúng ta. Sự thật là loại virus tiếp theo có thể tồi tệ hơn, lây lan nhiều hơn, độc lực cao hơn hoặc mang cả hai đặc điểm", bà Gilbert, một trong những người tham gia phát triển vắc xin Oxford/AstraZeneca, cho biết.

Nhà sáng chế vắc xin AstraZeneca: Đại dịch tiếp theo sẽ "chết chóc" hơn

“Chúng ta không thể để tình huống như những gì chúng ta đã trải qua lại xảy ra một lần nữa, rồi lại nhận thấy rằng những thiệt hại kinh tế to lớn chúng ta phải gánh chịu khiến chúng ta không có nguồn lực để chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo. Những tiến bộ mà chúng ta đã đạt được, kiến ​​thức chúng ta thu được, không thể mất đi", bà Gilbert nói thêm.

Chuyên gia này cũng nhận định protein gai của biến thể Omicron chứa các đột biến có thể làm tăng khả năng lây truyền của virus. "Nhưng những đột biến này không có nghĩa là các kháng thể do vắc xin hoặc do lây nhiễm tự nhiên tạo ra kém hiệu quả trước biến thể Omicron”, bà Gilbert chỉ ra.

"Tuy nhiên, cho đến khi chúng ta biết nhiều hơn về Omicron, chúng ta nên thận trọng và thực hiện các bước để làm chậm sự lây lan của biến thể mới này", bà Gilbert cảnh báo.

Bà Sarah Gilbert đã được phong tước hiệp sĩ nhân dịp sinh nhật Nữ hoàng Elizabeth hồi giữa năm nay. Nhà khoa học này bắt đầu nghiên cứu vắc xin ngừa Covid-19 vào đầu năm 2020 sau khi dịch bệnh lần đầu tiên bùng phát ở Trung Quốc. Vắc xin Oxford/AstraZeneca là loại vắc xin ngừa Covid-19 đang được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới với việc có mặt tại hơn 170 quốc gia.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.